Than... ủ lửa
Người Việt xưa vốn trọng nam khinh nữ, vậy mà khi nhìn thấy sức mạnh “vong thân” của vợ yếu ớt, đàn ông cũng buộc phải la lên “lệnh ông không bằng cồng bà”. Tại sao có thể gọi sức mạnh của phụ nữ là sức mạnh vong thân?
Ghen tuông ai cũng biết nó xiêu đình đổ quán tan hoang thế nào, đàn ông sẵn sàng dùng gươm, dùng úng, thuốc nổ, hay xăng để đánh ghen. Nhưng khi nói về phụ nữ ghen tuông, người ta có cảm giác rùng mình hơn. Vì cơn ghen của phụ nữ mới đầu tưởng nhẹ nhưng nó âm ỉ xuyên thấu, dai dẳng như lửa than không bao giờ tắt, chỉ chờ cơ hội là cháy bùng lên. Đã có vô vàn ngọn lửa dữ dội được đốt lên từ những hòn than tưởng đã tắt lịm từ lâu. Không ít các vụ chính đôi tay mềm yếu của phụ nữ đã kẹp dao lam đưa lên mặt kẻ phụ tình kéo hai nhát như hai đường ray chảy máu trên mặt, rồi tạt a xít, rồi ướp cả thai của tác giả phụ bạc kia… làm quà cưới cho gã đúng cái ngày gã làm lễ song hỉ cùng cô gái khác…
Người phương Tây đã tìm ra nguyên lý của sự thật này, họ nói: “Đàn ông tình yêu là sự nghiệp, đàn bà sự nghiệp là tình yêu”. Quả vậy, đa số đàn ông lo kinh bang tế thế, rồi leo ghế thành công. Nhưng đa số phụ nữ lại coi chính tình yêu là sự nghiệp. Đàn ông có thể bất mãn, rồi ghen tuông chớp nhoáng, sau đó đầu óc lại tập trung vào lo toan sự nghiệp.
Đàn bà thì ngược lại, cái mà phái yếu ám ánh thường trực, theo đuổi kinh niên, đó chính là tình yêu. Có một phương ngôn rằng: “Đàn ông yêu người mình yêu, còn đàn bà yêu tình yêu của nàng”. Nghĩa là với phụ nữ, tình yêu không phải đối tượng cụ thể đàn ông kia, anh ta chỉ là một nhân vật trong “vở kịch” tình yêu của nàng. Tình yêu tiếp diễn thế nào, phát triển ra sao, lên bổng xuống trầm… tất cả liệu có diễn ra xung quanh đạo diễn là trái tim nàng? Vì người phụ nữ chú mục đến tình yêu là vậy, nên khi chị em bất đắc chí, cay cú, thì sẽ theo đuổi đến kỳ cùng. Theo đuổi như đó là phương tiện cũng như mục đích duy nhất của đời nàng.
Bí mật về sức mạnh giới tính rồi cũng lộ ra. Đàn ông Trung Quốc là gia trưởng bậc nhất, biết bao thế kỷ trọng nam - khinh nữ, vậy mà cuối cùng cũng phải thừa nhận: phải nhường chị em nếu muốn yên chuyện. Tại sao vậy? Bởi một khi đàn ông muốn lao vào cuộc chiến với phụ nữ, mới đầu phụ nữ yếu đuổi tưởng là thua nhưng nàng lại đeo đuổi cuộc chiến đó một cách trường kỳ không bao giờ từ bỏ cho đến khi đả bại đối thủ.
Người Việt có câu khuyên tất cả mọi người, không trừ đàn ông lẫn đàn bà: “Đàn ông nông nổi giếng khơi/Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Câu này không có nghĩa coi thường phụ nữ bởi chính các bà, các mẹ, các chị đọc câu này thường xuyên hơn cánh đàn ông. Người ta đọc câu đó trong trường hợp nào? Trường hợp các cô vợ giận cá chém thớt đùng đùng, tức khí đòi cho anh chồng hay con cái một bài học. Các mẹ, các chị thường bảo “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”, tức là cái nồi bé thì nước chóng sôi, nhưng rồi cũng chóng nguội. Đàn bà giận đùng đùng, nhưng nên nghĩ lại, vấn đề có to tát thế không, có khi việc chỉ là cái cơi trầu mà cứ coi nó như cái ao, cái giếng, nên hạ hỏa và xét lại đi thôi. Chớ nên có bé xé ra to, “tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại” mà gây đổ vỡ. Câu nói đó cũng nhắm vào các ông chồng, đàn ông nghĩ sâu, nhìn xa, thấu tỏ vấn đề thì nên nhường đàn bà. Đàn bà vì nông nổi nên chưa kịp suy xét đã cáu rinh cả lên, đàn ông nên lấy cái đại lượng của giếng khơi mà nhường nhịn cơi trầu.
Theo nhiều nghiên cứu chính thức, phụ nữ sống nặng về cảm xúc hơn đàn ông. Đàn ông thường nhìn nhận vấn để ở lô-gic, lý lẽ, còn phụ nữ nhiều khi để cảm xúc chi phối. Vì thế khi gặp bất cứ chuyện gì, dù may hoặc rủi, người phụ nữ thường có phản ứng nhạy bén tức thời hơn, vì thế, hỉ-nộ-ái-ố cũng trực tiếp hơn. Lúc đó nếu đàn ông không chịu hiểu sẽ thiếu thông cảm với chị em.
Theo Nguyễn Hoàng Đức
PNVN