Thách cưới

“Lễ hỏi phải 11 mâm tráp gồm: cau 200 quả thật to đẹp, 1 lẵng quả, 200 bánh cốm, 200 bánh phu thê, 200 bánh đậu xanh, 200 gói chè, 200 gói mứt sen, 1 con heo quay, 3 chai rượu vang Pháp…

… 3 tút thuốc lá 555, 1 mâm xôi gấc. Bên cạnh đó, tiền dẫn cưới là 15 triệu để trong 3 phong bì dâng lên ba bàn thờ”.

 

Bố My tiếp tục: “Cháu My là đứa con gái độc nhất của vợ chồng chúng tôi, cả đời mới có một lần nên không thể úi xùi được. Chị biết đấy, cháu tuy còn trẻ nhưng là đứa biết nghĩ, chu toàn việc nội trợ, cháu lại thông minh, sắp lấy bằng thạc sỹ, thiết nghĩ gia đình chúng tôi thách cưới như vậy cũng không có gì quá đáng, phải không chị?”.

 

Mẹ Nghiêm cười gượng. Nghe yêu cầu nhà gái đưa ra, bà choáng váng. Bà tự hỏi: “Làm sao có tiền để mua từng ấy thứ cơ chứ?”.

 

Sau khi chồng chết, bà chỉ còn biết dựa vào niềm vui từ hai con là Nghiêm và em gái là Liên. Từ bé, Nghiêm đã chứng tỏ mình là cậu bé thông minh, hiếu thảo. Cậu luôn làm mẹ hài lòng bởi những thành công trên con đường học vấn.

 

Do phải gánh trách nhiệm với gia đình nên mãi đến khi mẹ giục nhiều lần, ở tuổi 34 anh mới chịu lấy vợ. Anh gặp My trong trường hợp thật đặc biệt. Anh chính là thầy giáo dạy thêm tiếng Anh và Toán cho My để chuẩn bị du học.

 

Sau 6 tháng, hai người đã yêu nhau. Họ đã giữ gìn được tình yêu trong những tháng My ở nước ngoài. 4 năm thử thách, cuối cùng hai người quyết định gắn kết cuộc đời với nhau. Thế mà chỉ vì món thách cưới...

 

Suốt dọc đường về nhà, Nghiêm cứ lầm lì, hỏi cũng không chịu mở lời. Anh đang bực mình. Khi thấy nhà gái đưa ra những đòi hỏi quá sức của gia đình mình, anh đã định xin cắt ngang nhưng bắt gặp cái lắc đầu nhẹ của mẹ, anh đành ngồi im.

 

- Hay con không cưới nữa đâu mẹ ạ!

 

Nghiêm đột ngột quay sang mẹ, mắt anh thật buồn. Bàn tay gầy guộc, nổi đầy gân xanh của người mẹ dịu dàng đưa lên vuốt má con trai. Bà hiểu nỗi lòng con. Khả năng tài chính không cho phép anh dư dả tiền bạc cho đám cưới.

 

Nhìn đứa em gái tuổi 20, cũng khoảng tuổi với My đang ngơ ngẩn, chỉ biết cười cười mà không thể hiểu nỗi lo của mẹ và anh trai, Nghiêm thở dài. Cô bị bệnh thần kinh do nhiễm chất độc màu da cam do bố truyền lại. Bao nhiêu tiền của Nghiêm đều dành cho em gái chữa bệnh vì anh nghĩ cô bé đã gánh thay anh nỗi bất hạnh đó để anh được hưởng một cơ thể khỏe mạnh.

 

Nghĩ tới em gái, Nghiêm càng giận hơn. Bà thím của My trong buổi chạm ngõ còn chêm vào:

 

- Số tiền gia đình chúng tôi đưa ra so với nhiều gia đình là còn ít đấy. Cháu gái tôi vừa đẹp nết vừa đẹp người, không khó gì để tìm được một chàng trai tốt, giàu có nhưng cháu vẫn yêu cháu Nghiêm nên chúng tôi cũng đành chấp nhận. Thời buổi “con đặt đâu bố mẹ ngồi đấy” mà chị. Hơn nữa, về làm dâu, làm vợ gia đình chị cháu nó sẽ phải vất vả vì có em chồng bị bệnh như cháu Liên, số tiền đó cũng hợp lẽ đúng không chị?

 

Nghiêm giận tím mặt. Anh định đứng dậy xin phép ra về nhưng đã bị mẹ níu lại. My ngồi đối diện, mặt đỏ nhừ. Cô không dám ngẩng lên nhìn người yêu. Cô cảm giác như bố mẹ đang bán mình.

 

Hơn ai hết, My là người hiểu rõ nhất hoàn cảnh gia đình Nghiêm. Cô vô cùng yêu Nghiêm và quý mến mẹ và em gái anh. Cô luôn chờ đợi được về làm dâu nhà anh vô điều kiện.

 

Khi nói với bố mẹ đẻ như thế, My liền bị mắng là đồ bất hiếu. Bố chỉ tay vào mặt, mắng:

 

- Tao nuôi mày lớn, ăn học từng này mà mày bảo đừng bày vẽ làm gì, chỉ cần đơn giản thôi à? Họ hàng ở quê người ta chửi vào mặt cho ấy chứ. Tao chỉ có một mình mày, nói “cho không” là cho ngay được sao! Tao phải ăn nói thế nào với tổ tiên, họ hàng, bè bạn! Mày định làm bố mày mất mặt hả? Đồ con bất hiếu!

 

Mẹ khóc lóc, van xin và khuyên cô nên nghe lời cha mẹ. Mẹ cô còn bảo:

 

- Nếu nhà thằng Nghiêm không sắm đủ lễ thì không cưới xin gì hết. Con thiếu gì người đeo đuổi mà phải chịu thiệt thòi vậy?

 

Khi mẹ nói chuyện với mấy bà bạn, họ bảo: “Thách thế còn là ít” vì họ từng thách gấp đôi kia. Nhà thằng Nghiêm không lo nổi thì bố mẹ sẽ không gả con đâu. Con là con một, sao có thể chịu khổ, vất vả làm dâu nhà đó, khác nào công đẻ và nuôi dưỡng con bao năm đổ xuống sông xuống biển. Bố mẹ vì con thôi.

 

Nghiêm biết mẹ rất buồn và khó chịu với những lời bố mẹ My nói. Anh lần đầu khóc vì cảm thấy mình đẩy mẹ vào tình huống này. Anh vô cùng đau khổ vì biết My cũng đang suy sụp.

 

My là cô gái nhạy cảm, yếu đuối, yêu anh hết lòng. Anh thực sự bối rối. Món tiền thách cưới và lễ vật thách cưới quả là một thử thách.

 

Chỉ mấy hôm thôi mà trông mẹ dường như già thêm vài tuổi. Nghiêm càng ăn không ngon ngủ không yên. Đúng lúc ấy, em gái Nghiêm trở bệnh nặng, phải điều trị. Cả nhà ai nấy đều rất lo lắng, chẳng còn thời gian để nghĩ đến đám cưới.

 

Được một nhà hảo tâm tài trợ, Liên được sang Nhật chữa bệnh. Nghiêm thay mẹ đi chăm em suốt 10 tháng, khi trở về anh nghe tin My đã lấy chồng. Nén nỗi đau trong lòng, anh cố không để mẹ thêm buồn nhưng cũng từ đấy anh không còn yêu được nữa. Trái tim anh đã khép chặt.

 

Ba tháng sau. Vào một buổi tối, cả ba mẹ con Nghiêm đều giật mình khi thấy My tìm đến nhà. Cô vừa trông thấy Nghiêm liền ôm chặt lấy, khóc như mưa. Dỗ mãi, My mới bình tĩnh kể cho mọi người nghe chuyện của mình.

 

Thì ra My bị bố ép lấy một anh chàng nhà giàu, thầm yêu cô từ lâu. Bố cô được dịp tăng lượng tiền thách cưới lên. Anh chàng cũng sĩ diện, chơi nổi nên đồng ý nhưng rồi về nhà, anh ta coi như “mua” cô chứ không phải lấy vợ.

 

Anh ta gọi bố cô là “kẻ hám tiền trơ trẽn”. My bị chồng đánh đập, bị bố mẹ chồng coi thường. My quyết định ly hôn. Lần này, My phải bỏ trốn khỏi nhà chồng vì quá uất ức.

 

Lang thang chưa biết đi về đâu thì cô chợt nhớ ra ngôi nhà của Nghiêm. Lúc tiễn My ra cửa để về nhà, Nghiêm động viên cô rất nhiều. My e dè hỏi: - Anh còn yêu em nữa không? Tuy không nhận được câu trả lời, My vẫn nhận ra ánh mắt thân thương đang say đắm nhìn mình.

 

 

Theo Lê Trần

Phụ NViệt Nam