Tết vui nhờ chồng!

(Dân trí) - Bao năm nay, kể từ ngày lấy chồng, lúc nào tôi cũng đau yếu triền miên không dứt. Dù đã cố gắng sống lạc quan hết sức nhưng nhiều lúc vẫn chẳng thể tránh khỏi cảm giác bi ai chán nản về sự bủa vây của bệnh tật. Tết chính là thời điểm tôi thấy lòng mình buồn bã, cô đơn nhất.

Screen Shot 2019-01-30 at 7.47.35 AM.png

Ảnh minh hoạ: H.T

 

Trong lúc mọi người đang tưng bừng, hớn hở với những mua sắm bất tận thì tôi chỉ có thể ngồi tưởng tượng ra tất cả. Trong lúc mọi người rạng rỡ, tươi vui với những dự định du xuân bát ngát thì tôi lại đứng yên như một cái cây đã trút hết lá. Mùa xuân và ngày Tết là niềm vui của ai kia chứ không phải của tôi.

Những hôm giáp Tết, cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bếp núc thật đấy, nhưng tôi thấy Tết ở rất xa, thuộc một nơi nào đó, tôi không chạm đến được. Đó là quá khứ, khi ấy tôi chưa bị bệnh! Được bận rộn, hối hả, tràn đầy năng lượng như bất cứ ai: Lúc ở chợ hoa, khi ở chợ quần áo, thực phẩm, đồ dùng; lượn lờ, lướt qua lướt lại, rẽ ngang rẽ dọc rồi lỉnh kỉnh xách túi to túi nhỏ chất lên xe. Được thấy mình quan trọng vì thay mẹ về quê tạ mộ, thắp hương cho ông bà, tổ tiên, mang quà lễ Tết đến biếu các bác trong họ. Được là đứa con tâm lý hiếu thảo, giao thừa chở mẹ đi xem bắn pháo hoa, mồng 1 lên chùa cầu an, mồng 2, mồng 3 cùng mẹ đi chúc Tết mọi nhà. Mỗi khi Tết đến xuân về, tất cả những kí ức đẹp đẽ ấy cứ tự động hiện lên trong đầu tôi, không muốn nhớ mà lại hiện ra thật rõ ràng, sắc nét. Càng nhớ, càng buồn, càng tủi!

Trái ngược hẳn với tâm trạng ấy của tôi là sự hân hoan, háo hức của chồng. Tuy phải sống cùng một người vợ ngày thường hay rên rỉ vì đau đớn, ngày tết hay vui vẻ gượng gạo để giấu nỗi buồn riêng nhưng anh không vì thế mà khó chịu, trách móc…

Năm nào cũng vậy, anh lo toan tất thảy mọi việc: từ sắm sửa đồ ăn thức uống đến mua bán hoa lá trang trí nhà cửa, quà cáp biếu xén họ hàng, chạy qua chạy lại giữa nhà nội, nhà ngoại dù hai nhà cách nhau tới 30 km. Anh lại là con trưởng trong gia đình, còn bản thân tôi là con một nên trách nhiệm của anh càng nặng nề hơn. Tôi chỉ cảm nhận hương vị ngày tết qua những hoạt động tất bật của chồng.

Cứ cách Tết độ nửa tháng, chồng tôi sẽ chở cả một xe miến về nhà. Chẳng là nơi làm việc của chồng ở ngay cạnh làng làm miến dong nổi tiếng nên năm nào anh cũng mua hộ mọi người và dùng làm quà biếu. Anh còn mang cả tải măng khô từ quê ra phân phát khắp nơi vì bố mẹ chồng tôi có thói quen tự làm măng ăn Tết. Khi nào chỉ còn vài ngày là Tết thì anh sẽ ra chợ hoa, mang về một cây đào to thật là to so với ngôi nhà bé nhỏ của chúng tôi. Rồi hùng hục xúc đất trồng cây, rửa sỏi rải lên trên, bưng chậu hoa vào nhà, treo đồ trang trí. Tất cả đều một tay chồng tôi làm hết, tôi chỉ việc đứng nhìn và nhận xét. Chiều 30 thì chồng về quê ăn tất niên với bố mẹ rồi vội vàng thịt gà, làm sẵn sạch sẽ để tối mang cho vợ luộc thắp hương. Trong những phút chờ giao thừa, mới tranh thủ rửa xe, là lượt quần áo, đánh xi giày dép. Đôi lúc, tôi tự hỏi anh lấy đâu ra sức lực và niềm phấn khởi để làm tất cả những việc ấy, nếu không phải là tình yêu gia đình và ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Chính nhờ sự chu đáo và hăm hở chuẩn bị của chồng mà Tết trong lòng tôi được nở hoa đôi chút. Mẹ tôi cũng vì thế vui hơn, khi con gái không giúp được gì nhiều thì đã có chàng rể đảm đang, tháo vát. Tôi luôn thầm cảm ơn anh vì điều đó.

Hà Đông