Tết trong miền ký ức thiêng liêng của một người Hà Nội

Với bà Đào Thị Xuyên, cả cuộc đời gắn bó ở Hà Nội, ký ức Tết xưa đã đưa bà trở về những khoảng thời gian quý giá được sum vầy bên bố mẹ và các anh chị em.

Bà Đào Thị Xuyên cho biết, 6 anh em bà, người làm trong quân ngũ, người là nhà giáo dạy học tận Điên Biên, người là kỹ sư địa chất sống chủ yếu ở trên rừng… nhưng cứ dịp Tết đến là thu xếp công việc để về Thủ đô với gia đình.

Khác với bây giờ, nhiều nhà thích “trưng” Tết với rượu ngoại, đào "độc" gốc dị dạng to cao, cây quất “bon sai” trị giá mấy chục triệu đồng, gia đình bà thích đón Tết giản dị hơn. Dịp Tết, nhà cửa được dọn dẹp gọn gàng, cũng có đủ đào, quất nhưng không mang tính phô trương. Đặc biệt, bố mẹ bà rất chăm chút nơi thờ cúng tổ tiên. Trước Tết, đồ thờ cúng như lư hương, lọ hoa, bát nhang, đèn… đều được bố bà kính cẩn đưa xuống, lau chùi sạch sẽ.

Với bà Đào Thị Xuyên, những câu chuyện bố kể cùng mùi thơm ngậy của bánh chưng ngày Tết luôn theo bà cùng các anh chị em suốt cuộc đời…
Với bà Đào Thị Xuyên, những câu chuyện bố kể cùng mùi thơm ngậy của bánh chưng ngày Tết luôn theo bà cùng các anh chị em suốt cuộc đời…

Khi Hà Nội bước vào thời kỳ tem phiếu, là cán bộ trong biên chế cơ quan, anh em bà Xuyến được phân phối mỗi người 1 gói quà Tết theo tiêu chuẩn, trong đó có đủ măng miến, nấm hương, mục nhĩ, chè, thuốc… Nhờ vậy mà Tết trong nhà trở lên khá “xôm tụ”. Ngày 29, mẹ bà tổ chức gói bánh chưng và yêu cầu các con về nhà phụ mẹ gói bánh. Bố bà Xuyên phụ trách trách chẻ lạt. Anh trưởng cọ rửa chiếc thùng phuy sạch sẽ, kê bếp bằng mấy viên gạch góc sân, chuẩn bị củi lửa. Các em khác người được phân công rửa lá dong, người thái thịt, vo gạo, người đồ đỗ xanh làm nhân...

Đúng giờ ngọ ban trưa, mẹ bà chải chiếc chiếu hoa giữa nhà bắt đầu gói bánh. Khi gói xong thì có tổng cộng khoảng 50 "đồng bánh", thêm 10 chiếc nhỏ hơn, gọi là bánh "mụi". Sau đó, khi mẹ bà đi nghỉ đến lượt bố bà và các con tiếp quản đun bánh. Nắm đậy nồi bánh chính là chiếc chiếc chậu nhôm (Liên Xô cũ) để ngửa đầy nước. Nhờ thế, khi nước trong nồi bánh cạn sẽ tiếp bằng lượng nước có trong chậu đã nóng "già" để nối bánh sôi đều, bánh không bị "hấy".

Tết trong miền ký ức thiêng liêng của một người Hà Nội - 2
Không khí đoàn viên, sum vầy ngày Tết luôn là miên ký ức ngọt ngào trong mỗi người. (Ảnh minh họa)

Bà Xuyên nhớ lắm, trong lúc đợi bánh chính, các anh em bà được nghe bố kể nhiều chuyện về phong tục đón Tết. “Bố tôi giải thích, mâm cỗ Tết của người Việt cũng được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, thể hiện sự no ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình. Tết quan trọng nhất là ngày Tết chính, còn gọi là Tết cả), diễn ra vào chiều 30 và sáng mồng Một. Mâm cỗ trong "bữa cơm tất niên" và buổi sáng hôm sau - được chuẩn bị cầu kỳ đúng quy cách, đủ lệ, đủ món. Phổ biến là " 4 bát, 6 đĩa", nhà giàu có thì " 8 bát, 8 đĩa". Thịt gà phải là thịt gà sống thiến làm sẵn từ chiều 30 Tết (người Việt kiêng sát sinh vào sáng mồng Một). Thịt lợn phải là nạc mông, chân giò ngon. Mâm cỗ tất niên còn có đĩa xôi gấc đỏ tượng trưng cho may mắn trong năm tới” - bà Xuyên kể.

Bố bà Xuyên luôn nhắc nhở và căn dặn các con về cách ứng xử trong dịp Tết. Cụ bảo, đi chúc Tết các con ăn mặc, nói năng lễ phép, ứng xử cho văn hóa "Nên thanh lịch mới là người Tràng An". Với bà Xuyên, dẫu bao năm tháng trôi qua, cuộc sống nhiều đổi thay, nếp Tếp xưa cũng mai một nhiều nhưng những câu chuyện Tết bố bà kể cùng mùi thơm ngậy của bánh chưng ngày Tết luôn theo bà cùng các anh chị em suốt cuộc đời…

Theo Hoàng Lâm
Phụ Nữ Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm