Tết quê chồng
Em là gái thành phố, từ ngày lấy anh trở thành dâu quê.
Con đường đất từ ngày em về làm dâu đã bao năm chẳng đổi thay là mấy. Ngồi lắc lư sau xe, em nghĩ thương các thím, các mợ ở quê sáng nào cũng phải dò đường đẩy xe chở rau ra chợ. Thương cô em chồng bụng bầu vượt mặt ngày ngày vẫn phải đi xe máy đến trường trên con đường lổn nhổn ổ gà, ổ voi.
Phiên chợ cuối năm em dậy sớm giành phần đi chợ. Chợ quê ngày Tết đông vui, người bán nhiều người mua thì ít. Đi chợ về, em khen: từ thịt đến rau cái gì cũng tươi mà rẻ. Mẹ hỏi, hóa ra mỗi thứ em mua “hớ” đến hai ba giá. Mẹ xót tiền, cứ lấn bấn: Đã bảo để mẹ đi cho. Chắc thấy con từ thành phố về nên người ta bóp giá. Em chỉ gãi đầu cười, rỉ tai chồng nói nhỏ: Đừng nghĩ là em không biết mặc cả. Em không dại thế đâu, nhưng cả năm mình về quê đi chợ một lần, gọi là thêm vài đồng mừng tuổi cho người bán hàng vui.
Em là gái thành phố nhưng về quê đi chơi Tết với chồng không váy xống, không bộ cánh đắt tiền, chỉ là bộ vest bình thường, chiếc khăn len, đôi giày đế thấp… Em không muốn tạo ra sự khác biệt với những người xung quanh, không muốn tỏ ra mình là người thành phố. Chăm chút cho bố mẹ, chồng con từ tấm khăn, nếp áo, và nhìn cách em cho con ăn mặc, em chỉ bảo con từ cây rơm, bếp lửa đến lời nói, câu chào… anh hiểu em đang hướng con về với cội nguồn.
Lũ trẻ con xuýt xoa khi nhận được từ em những phong bao lì xì vào ngày đầu tiên của năm mới. Chúng quý lắm, không chỉ vì trong đó có thứ mà chúng mong, mà còn bởi cái vỏ bao in hình thú ngộ nghĩnh. Bao năm rồi có một việc mà dù bận đến mấy cũng chẳng bao giờ em quên: Gọi điện cho mấy cô bạn làm ở ngân hàng nhờ đổi ít tiền mới về mừng tuổi cho bọn trẻ con nó thích.
Quê chồng nghèo, những cái Tết cũng chưa biết bao giờ sẽ bớt nghèo, nhưng sẽ ấm áp hơn khi có những người dâu hiền thảo như em.
PNO