Tết đến đâu rồi?

(Dân trí) - Sáng nay, Viện tôi tổ chức gặp mặt cuối năm các cán bộ về hưu. Các bà chị gặp nhau tay bắt mặt mừng. Hỏi han nhau ríu rít: - Thế nào em, tết đến đâu rồi? Tôi nói:- Năm nay em làm đơn giản cho đỡ mệt các chị ạ.

  

Tết đến đâu rồi? - 1

Mâm cỗ Tết đầy đủ là biểu hiện của no ấm, sung túc nhưng sau đó là bài toán cất đâu, ăn thế nào cho hết? (Ảnh: Hahoangvn)

Em nhớ mấy năm trước, những ngày tết chỉ có mình em đạo diễn đến 7,8 món. Làm xong rồi mệt phờ ra đã vậy lại phải bưng mâm cỗ lên tận tầng 3 thắp hương các cụ nữa chứ. Còn ông xã em khi ấy vẫn đang khò khò đến 11h mới dậy vì đêm giao thừa thức khuya quá.

 

Mấy năm nay em rút bớt các món đi. Chỉ cần mấy món chủ lực như thịt gà luộc, canh măng nấu với chân giò, đĩa xào,tôm hấp sả, bánh chưng, giò lụa... thế là đỡ mệt. Bởi nấu xong, thắp hương các cụ xong  nhà em có ai ăn cho đâu. Mỗi thứ chỉ động đũa một chút là no rồi. Năm nào cùng làm cỗ rồi thắp hương ngày hai buổi nên mệt quá. Thức ăn thừa như thịt gà và giò lụa cất ngăn đá để ra giêng còn được. Chứ thừa miến, canh bóng và món xào thì chỉ có mà đổ đi.

 

Vậy năm nay chỉ cúng vào ngày mồng 1 thôi. Chiều 30 cả nhà ăn bên ông nội rồi. Mồng 2 sang bà ngoại. Mồng 3 là nhà em hóa vàng luôn. Thế là tiết kiệm được khối ra đó nha.

Mà các chị ạ. Mấy chục năm trước kia khi cuộc sống người dân còn đói kém. Nhà nào nhà đấy cả năm không dám ăn miếng thịt gà. Chỉ có khi nhà làm giỗ mới có miếng thịt mà ăn. Còn bây giờ thì thịt gà ăn hàng ngày. Đặc sản như tôm, cua, cá, mực cũng ăn hàng bữa rồi. Thế nên cái tết bây giờ dần dần đơn giản hóa đi. Miễn sao ba ngày tết có mâm cơm cúng các cụ. Có cơm, có canh, có thịt, có rượu và bánh chưng thế là các cụ khỏi mắng , khỏi quở mình, phù hộ cho con cháu cả năm mạnh khỏe, làm ăn tấn tới.

  

- “Công nhận là ngày xưa: “Đói quanh năm, no ba ngày tết”, chị Hoa chen vào, “Ngày xưa cái thời bao cấp khổ thật. Chế độ tem phiếu. Công nhân được có 3 lạng thịt 1 tháng. Mà phải xếp hàng cả ngày mới mua được lạng thịt hay bìa đậu phụ. Ăn cơm thì chỉ rau là chính. Nếu ai nuôi gà , nuôi lợn thì tết còn có miếng thịt mà ăn. Không nuôi thì đói dài dài. Đúng là thời gian khổ”.

  

“Ấy thế mà mình kể chuyện bọn trẻ bây giờ nó không tin đâu”, chị Nga lên tiếng. “Ngày đó nhà nuôi được con gà mái đẻ. Bố mẹ chị ăn rau thôi, còn trứng nhường cho 2 đứa nhỏ. mỗi ngày luộc 2 quả trứng, chia 2 bữa. Chia cho 2 đứa con.... Chả trách ngày xưa bọn trẻ con thấp tịt, còm nhom. Đâu như bây giờ. Suốt ngày uống sữa tươi bồi bổ. Rồi sữa ngoại đủ các loại. Chúng ăn uống đầy đủ nên nhiều đứa giờ cao lớn phổng phao”.

  

“Đúng là chỉ cần thêm con vịt nữa là thành cái chợ”, tiếng sếp vang lên.

  

“Thì bọn em đang ôn nghèo kể khổ và cũng đang hô hào rủ nhau ăn tết sao cho tiết kiệm khỏi lãng phí mà anh”, một chị đỡ lời.

 

Sếp vội nói: “Nhà anh cũng vậy. Anh nói với chị làm ít thôi, mua thực phẩm cũng mua vừa phải thôi. Năm nào cũng để chật ních tủ lạnh ăn mãi không hết. Mà thực phẩm để tủ lạnh lâu ngày ăn không ngon. Chợ thì mồng 2 đã bán thịt tươi, cá tươi, tôm tươi rồi. Làm gì mà phải trữ nhiều thực phẩm thế cho mệt ra.

 

Đấy nha, anh cũng tám cùng chúng em nha. Đề tài này đang hot mà anh nhỉ? Sếp cười xòa rồi hô mọi người đi ăn trưa kẻo muộn giờ rồi.

 

Anh Vân