Tết đầu tiên ở nhà chồng...

Mấy ngày nay, đi đâu tôi cũng nghe chuyện chị em bàn tán rôm rả về Tết. Tết này sẽ về nội hay về ngoại, chi tiêu, mua sắm những gì... Với khoản tiền thưởng Tết không mấy dư dả, lòng tôi cũng rối như tơ vò khi nghĩ đến Tết Nguyên đán đang cận kê và trăm khoản chi tiêu chỉ cần nghĩ đến thôi đã ù tai, hoa mắt...

Chúng tôi là vợ chồng son, vừa cưới nhau được chưa đầy nửa năm, chưa vướng bận con cái. Quê anh ở Thanh Hóa, còn tôi ở Hà Nội. 2 vợ chồng đều bám trụ với nghề công nhân điện tử tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Nhà tôi chỉ có hai chị em gái. Nhà cách nơi làm việc của hai vợ chồng không quá xa nhưng vì chồng tôi không muốn mang tiếng ở rể, luồn cúi nhà vợ nên kết hôn xong, tôi chuyển ra căn phòng trọ anh thuê ở từ trước để bắt đầu cuộc sống hôn nhân.

Với mức thu nhập "tầm tầm bậc trung" và cuộc sống sinh hoạt không quá đắt đỏ ở ngoại thành Hà Nội, dù phải thuê nhà trọ nhưng cuộc sống vợ chồng tôi không đến nỗi quá khó khăn, chật vật về kinh tế. Chồng tôi là một người đàn ông kiểu mẫu, rất yêu vợ và có trách nhiệm với gia đình.

Nhưng chính những đức tính tốt đẹp ấy khiến tôi không ít lần cảm thấy bực bội, khó chịu... Trước khi kết hôn, tôi chỉ biết nhà anh có 4 anh, chị, em trong đó anh là con trai thứ hai, dưới anh còn một cậu em trai và một em gái. Anh làm việc ở xa nhà nên tôi cũng chưa có nhiều dịp tìm hiểu kĩ hơn về từng thành viên trong gia đình chồng. Tuy nhiên, khi đã trở thành vợ anh, nhiều lúc tôi không hài lòng về cách chi tiêu, quản lí kinh tế của chồng mình với các thành viên trong gia đình.

Mỗi tháng, dành ra một khoản tiền, chúng tôi vẫn đều đặn gửi về quê biếu bố mẹ anh, tôi không có gì thắc mắc vì đó là bổn phận và trách nhiệm của người làm con. Nhưng chồng tôi quá nặng lòng với anh, chị, em trong khi điều kiện kinh tế của họ cũng không phải quá khó khăn. Điều này khiến tôi thực sự thấy ức chế, mệt mỏi.

Chưa được một năm sau ngày anh trai lấy vợ nhưng đều đặn hàng tháng, em gái anh luôn kiếm cớ nọ, lí do kia để khi thì gọi điện, lúc nhắn tin cho anh trai vòi vĩnh xin tiền mua sắm quần áo trong khi em anh cũng đã đi làm, cũng có lương chứ đâu còn là học sinh. Rồi cứ dăm bữa nửa tháng, bà chị dâu ở quê lại nhắn tin ra nhờ mua giúp hộp sữa, đồ chơi, quần áo cho cháu vì "đồ ở thành phố chất lượng đảm bảo hơn"... mà tuyệt nhiên chưa khi nào nhắc đến chuyện "gửi trả tiền cho chú thím". Chẳng lẽ mua cho cháu, chúng tôi lại nỡ đòi tiền chị?
Ban đầu, tôi cũng vui vẻ giúp chị nhưng chị vẫn dửng dưng mặc nhiên coi đó như trách nhiệm, nghĩa vụ của vợ chồng tôi để xin thường xuyên, đều đặn hơn thì tôi thực sự cảm thấy khó chịu. Chị em dâu ít gặp nhau, từ chối thì ái ngại mà đồng ý thì tiền đâu ra.

Bố mẹ tôi thì thương con gái lấy chồng vất vả, ở trọ chật chội nên dù ngày lễ, có biếu tiền mẹ tôi cũng đây đẩy từ chối vì thương các con. Tuần nào bố mẹ cũng gọi hai vợ chồng về ăn cơm rồi lại cho thứ nọ, thứ kia mang về. Phận làm con, không báo hiếu được gì cho bố mẹ lại để bố mẹ thêm lo, thêm nghĩ, tôi cũng khổ tâm và áy náy lắm.

Trước thái độ của anh em nhà chồng, không dám nói gay gắt nhưng nhiều lần tôi bảo chồng nhỏ to ý tứ với anh trai hay thể hiện thái độ như thế nào đó với anh, chị, em nhà anh để họ hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của mình. Vợ chồng tôi cũng chỉ là công nhân, làm công ăn lương, thu nhập bấp bênh chứ đâu phải giầu có gì để "bao" cả gia đình. Ít ra, ở quê, vợ chồng anh còn có nhà cao, cửa rộng để ở, còn ở đây, vợ chồng tôi vẫn phải lo toan trong căn phòng trọ tạm bợ.

Nghe vợ nói, chồng tôi không phản đối, chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Trước đây, mỗi tháng, vợ chồng tôi đều đặt ra một mức chi tiêu nhất định và để riêng một khoản tiết kiệm nhưng đã hai tháng nay, lương tháng nào hết tháng ấy, không để dư ra được đồng nào. Tôi biết anh vẫn lén lút cho tiền các em, gửi quà về cho cháu.

Mới hôm qua, em gái anh lại gọi điện cho anh, nhắc anh chị khi nào về nghỉ Tết nhớ mua đầy đủ bánh kẹo, thực phẩm về quê, rồi chị anh lại gọi nhắc mua bao nhiêu phần quà Tết để về mẹ mang đi Tết họ hàng. Tôi nghe mà thấy hoa mắt, chóng mặt. Năm nay, cả công ty tôi và công ty chồng đều thưởng Tết èo uột. Cả hai vợ chồng chỉ có hơn chục triệu đồng mang về quê trong khi có cả trăm khoản phải chi tiêu. Biết là cả năm chỉ có vài ngày xuân nhưng tôi ước giá như có thể Tết...đừng đến, bởi nó kéo theo biết bao lo toan và cả ức chế nữa.

Tết đầu tiên ăn Tết ở nhà chồng tôi thấy lòng mình buồn rười rượi...

Theo Ngọc Linh
Tuổi Trẻ Thủ Đô

(Ghi theo lời tâm sự của công nhân Nguyễn Ngọc Minh, khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm