Tết đâu chỉ có hoa đào

(Dân trí) - Những ngày Tết khói bếp cheo leo trên những mái nhà lợp lá. Những ngày Tết thèm thuồng đứng ngoài ô cửa nhìn miếng nem rán phồng trong chảo mỡ. Những ngày Tết bóng tôi bé xíu chạy liêu xiêu trên bờ đê mờ sương ngóng mẹ...

Tôi ở với bà nội một thời gian dài trước khi biết nhớ mẹ. Bố tôi đóng quân xa biền biệt tháng ngày. Khi tôi nhận thức được về ngôi nhà xây khang trang nhất xóm, về khu vườn rộng thênh thang, về cây sấu già đứng ngó nghiêng trước bờ ao đầy cỏ, thì bà nội đã xuất hiện và bảo, mẹ tôi không muốn nuôi tôi nên ném trả cho bà như một món nợ đời.

Bà nội dạy tôi cách xa lánh mẹ trước khi tôi biết đánh vần tên mẹ. Trường miền núi xa xôi, thỉnh thoảng mẹ đạp xe đến thăm nhưng bà không cho gặp. Tôi chỉ là một đứa trẻ ngơ ngác. Tôi sống với bà quen có bà, và quen với ngôi nhà xây khang trang nhất xóm.

Cảm giác về sự lạc loài thấm thía vào tôi như một dấu hỏi. Lũ bạn cùng xóm, tuy nghèo đói, nhếch nhác, nhưng đều có bố mẹ. Mẹ thằng Minh mỗi lần đi chợ về đều mua cho nó chiếc bánh đa vừng thơm phức. Mẹ con Hoa vẫn lấy lá bưởi đun nước gội đầu cho nó. Mẹ thằng Hùng chiều chiều ngồi trước hiên nhà bắt chấy cho cả ba anh em nó một cách thích thú, cắn chấy tanh tách... Tôi chỉ lang thang qua những ngôi nhà ấy cho đến khi bà nội đi đòi nợ về, cất tiếng gọi vang xóm.

Bà nội tôi giàu có nhất vùng ấy. Và sự giàu có của bà thường được thể hiện rõ nhất vào những ngày Tết. Cứ giáp Tết là bà tôi xốn xang lắm. Bà đi chợ từ những ngày cúng Táo quân để ngắm xem lá dong năm nay thế nào, lạt giang có đắt không, gạo nếp nương giá mấy nghìn một ký, đỗ xanh hạt chắc mẩy thế nào... Bà dành cả nửa tháng trước Tết để lên kế hoạch sắm sửa cho Tết. Với bà, Tết phải gói bánh chưng, Tết phải có nem cuốn, chả xiên, phải có gà luộc cúng cả con đêm giao thừa, Tết phải dọn cỗ ngon cúng tổ tiên đủ ba ngày lễ.

Trong khi nhà bà tôi thịt lợn đã ướp mắm tiêu, măng khô, mộc nhĩ ngâm đầy chậu, gà nhốt đầy bu, lá dong, lạt giang sẵn sàng trong khi những ngôi nhà hàng xóm khói bếp luộc khoai vẫn cheo leo trên mái lá. Những ngày giáp Tết, nhà bà tôi bắt đầu rục rịch đông người. Người ta kéo đến vay nợ. Từ họ hàng, hàng xóm xa gần, đến những người làng trong cũng kéo đến xin vay bà tôi ít tiền về tiêu Tết. Bà ngồi trên chiếc ghế "ba nan cong" tay đếm tiền, tay giở sổ ghi chép. Bà nắm rõ từng hoàn cảnh, từng gia đình.

Mẹ con Hoa, mẹ thằng Hùng, mẹ thằng Minh cũng đến. Họ đến với những gương mặt khác nhau nhưng đều thiểu não. Cách họ vay tiền khác nhau nhưng đều vì Tết nhất. Cách họ khất nợ khác nhau nhưng đều một giọng năn nỉ, cầu xin. Bà tôi vẫn ngồi trên chiếc ghế "ba nan cong", tay đếm tiền, tay ghi sổ, miệng nhai trầu căn dặn từng người lịch hẹn trả nợ.

Những ngày Tết, nhà bà thơm mùi thức ăn, tiếng bà cầu cúng rầm rì trước bàn thờ, tôi thấy mình lạc lõng. Tôi lang thang qua những ngôi nhà trong xóm. Thằng Minh vẫn ngồi ăn khoai luộc đầu ngõ. Nó hỏi tôi, nem có ngon không? Tôi bảo "Ngon lắm". Nó xòe bàn tay lấm láp chìa ra mấy viên bi xanh đỏ, "cho tao một miếng nem, tao sẽ cho mày tất cả chỗ bi này". Nghĩ một lúc, tôi gật đầu.

Chạy vù về nhà, lân la đến gần mâm cơm đang cúng, tôi nhón tay lấy một miếng nem, lập tức tiếng quát của bà tôi thét lên: "Cái loại con nhà mất dạy! Ai cho phép mày ăn vụng thế hả? Tao thì đập cho một trận bây giờ. Để miếng nem lại!". Một tai tôi bị xoắn đau điếng. Tôi chạy ra ngoài, và nước mắt cứ tuôn xuống như mưa. Không phải vì miếng nem. Chắc chắn thế. Tôi lấy nem cho thằng Minh chứ đâu phải cho mình. Cũng chẳng phải vì mấy viên bi xanh đỏ thằng Minh hứa đổi. Chỉ tại tôi muốn khóc. Thế thôi...!

Và Tết năm nào mẹ cũng đạp xe từ vùng núi về thăm tôi, nhưng bà không cho gặp. Bà nội không cho tôi nhận tiền của mẹ, không cho tôi ăn bánh kẹo mẹ gửi, không cho tôi được chạy ra chào. Có một lần nào đó, mẹ thằng Hùng và mẹ con Hoa đã ngồi nói chuyện với nhau về nỗi bất hạnh của tôi, rằng giữa mẹ và bà nội tôi đã có những mâu thuẫn rất kinh khủng. Bà không chấp nhận mẹ tôi. Bà không cho mẹ tôi được về nhà.

Tôi thường nghe lời bà vì sợ bà nên chẳng bao giờ dám ra gặp mẹ. Tôi lẩn tránh khi nghe tin mẹ tôi về thăm. Mẹ cho quà tôi không nhận. Tôi bỏ chạy khi mẹ cố mặc cho tôi một chiếc áo len mẹ mới đan... Nhưng Tết năm nào cũng vậy, cứ những ngày giáp Tết, khi bà nội mải mê đi chợ làng sắm sửa, tôi lại một mình chạy ra đê. Tôi nhớ mẹ vẫn thường đạp xe về từ hướng này. Bóng tôi nhỏ bé liêu xiêu chạy dọc bờ đê ngóng mẹ, năm nào cũng vậy...

***

Nhiều năm trôi qua, tôi về ở với mẹ. Những ngày Tết, tôi xin phép bố mẹ đến ăn Tết với bà. Bà nội tôi không còn xốn xang sắm sửa những ngày giáp Tết. Nhà vắng vẻ, qua ô cửa cũ, tôi thấy bà đang ngồi đưa tay chấm nước mắt trước bàn thờ...

           Hào Hoa