Tết của dâu Việt trên đất khách

Kim Lan (California) chắc còn lâu, lâu lắm mới có dịp về thăm cha mẹ, ông bà, anh chị em. Đây là cái Tết thứ hai của Kim Lan ở Mỹ…

Theo chồng qua Mỹ cuối năm 2012, hai năm rồi mà Kim Lan vẫn không thể nào quen với việc mình là thành viên duy nhất thiếu vắng trong dịp gia đình đoàn viên năm mới. Bên Cali, nhiều người Việt, nên Tết cũng có chút hơi hướng, cũng có chợ Việt, bán bánh chưng dưa muối củ kiệu, cũng có nhiều nhà âm thầm tổ chức Tết Việt để con cái nhớ về cái Tết của quê hương, và để nguôi niềm nhớ.
 
Tết của dâu Việt trên đất khách


 

Sợ vợ buồn, chồng Kim Lan cũng dắt vợ đi chợ Việt, sắm sửa đồ trang trí như là ngày Tết ở Việt Nam thật. Chỉ có hoa mai hoa cúc thật là không có, họ đành phải bày đồ giả. Chồng Kim Lan vốn là người Việt sống ở Mỹ từ nhỏ, vốn trước đây chưa bao giờ quan tâm đến Tết cổ truyền của người Việt, anh và gia đình chỉ ăn giáng sinh và Tết Tây. Có vợ rồi, chiều vợ, nhờ đó mà anh tự dưng khám phá ra, Tết của quê hương bản quán mình mới thật hay, thật nhiều điều ý nghĩa. Anh hăng hái không kém gì vợ trong mua sắm, trang hoàng nhà cửa.

 

Ngày Tết, nhờ có vợ mà anh được biết bao nhiêu là món ăn hấp dẫn cổ truyền: Bánh chưng, bánh dày, củ kiệu, thịt kho trứng… Nhà chồng Kim Lan ai cũng tấm tắc: Được con dâu Việt khéo quá, ăn Tết vui lắm. May mà hồi đó thằng con mình không ưng vợ Mỹ.

 

Với Kiều Phúc (Lagi, Bình Thuận), thì tuy lấy chồng ở tận đất nước Hàn Quốc xa xôi, nhưng cứ một, hai năm cô lại về ăn Tết ở Việt Nam. Bạn bè ai cũng bảo Phúc sướng, vì sang Hàn, cô giỏi làm ăn, mở tiệm này tiệm nọ, tiền vô ra rủng rỉnh, nên có đủ điều kiện để về quê hương ăn Tết thường xuyên. Nhưng thực ra, cái may mắn nhất của Phúc không chỉ bởi sự vung vinh về tiền bạc, mà Phúc có người chồng hết sức cảm thông, yêu thương cô.

 

Theo vợ về Việt Nam ăn Tết hồi mới lấy nhau được vài ba năm, chồng Phúc đã “bén” Tết Việt từ đấy. Anh mê Tết Việt bởi cái sự vui tươi, ấm áp đậm chất cổ truyền, và bởi tấm tình của người dân Việt thông qua những họ hàng nhà vợ. Thế là, cứ một, vài năm, chưa thấy vợ về ăn Tết Việt, là anh lại nhắc: Năm nay mình về quê ăn Tết chứ em! Tết 2014, chỉ có mình Phúc dắt đứa con gái xinh xắn về. Chồng Phúc phải ở lại Hàn Quốc vì không được nghỉ phép. Anh buồn buồn, nhưng an ủi vợ: Anh ráng làm kiếm tiền để vài năm nữa vợ chồng mình về Việt Nam đầu tư làm ăn, sống ở Việt Nam luôn. Anh rất yêu Việt Nam. Và Tết nay, Phúc lại có thêm một tin vui, đó là đứa bé trong bụng cô. Xem như, cả ba mẹ con cùng về Việt Nam ăn Tết.

 

Những giọt nước mắt nhớ nhung

 

Cô dâu Việt ở xa quê, có nụ cười nhưng cũng không ít những giọt nước mắt. Lấy chồng Đài Loan theo mai mối, Phượng Nhi (Cà Mau) được hứa hẹn sẽ có chồng là một người buôn bán nhỏ, thu nhập trung bình, tuổi trung niên. Nhưng lấy xong, qua Đài rồi, cô mới biết, hóa ra chú rể là một người già xấp xỉ gần 60, và là một nông dân quê mùa sống bằng nghề trồng rau củ nơi nông thôn hiu hắt.

 

Làng nghèo, chỉ biết cắm mặt mà trồng trọt kiếm sống, mỗi tháng chỉ ra thị trấn có một lần để lấy tiền rau củ, mua thêm thịt cá, nhưng chủ yếu là chồng cô đi vì cô có biết tiếng đâu. Ngày Tết, Phượng Nhi rơi nước mắt nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ lũ em thơ ríu rít áo mới, chiếc xuồng nhỏ quen thuộc nhà cô kinh doanh nghề đò, mấy ngày Tết cột dây đỏ, nhớ những món ăn đạm bạc nhưng ngon lành mà chỉ Tết mới được ăn. Ở cái xứ xa lạ này, cái Tết của họ cũng xa lạ với cô. Ngày Tết, cô lén chồng uống rượu rồi ngồi khóc một mình.

 

Cũng là ở Mỹ, nhưng Hà Anh không may mắn như Kim Lan. Cô ở một bang phía Bắc nước Mỹ. Qua lễ của họ, tức Tết Tây và giáng sinh, họ cắm đầu làm việc, có ai biết gì đến Tết Việt. Trời thì lạnh đến tái tê. Những ngày mà lẽ ra ở Việt Nam là cận Tết, không khí ấm áp, vui vẻ, rộn ràng, thì ở Mỹ, Hà Anh ngày ngày chạy xe vài chục cây số từ nhà đến chỗ làm, với cái rét như cắt da cắt thịt.

 

Chồng cô người gốc Ấn, không quan tâm đến Tết cổ truyền gì đó của quê vợ, mà đời sống thì chật vật, cũng chẳng có thời gian nghĩ tới. Hà Anh chỉ còn biết “hóng” không khí Tết qua những bài báo, ảnh trên mạng mỗi đêm chuẩn bị ngủ. Cô đang làm cật lực để dành dụm tiền, và mơ ước một ngày nào đó, cô sẽ dẫn hai đứa con về thăm Tết quê hương. Hai đứa trẻ, vì mẹ quá bận, nên hầu như không biết tiếng Việt, và chỉ biết Việt Nam là một xứ sở quê mẹ rất xa xôi…

 

Ngày Tết với những cô dâu Việt ở hải ngoại là như thế, mỗi người mỗi cảnh. Có nước mắt và cũng có nụ cười…

 

Theo Hoàng Hoa
 PLVN

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm