Tất tật những điều cần biết khi nhà có em bé mới sinh (2)

Huyền Anh

(Dân trí) - Có một số điều bạn có thể làm để giờ ngủ đến dễ dàng hơn với trẻ...

Giấc ngủ cho trẻ sơ sinh

Tất tật những điều cần biết khi nhà có em bé mới sinh (2) - 1

Ảnh minh họa: Getty Images.

Trẻ sơ sinh không bước vào thế giới mà có ngay thói quen ngủ thân thiện với người lớn. Trẻ thường cần ăn 8-12 lần trong 24 giờ, kể cả vào ban đêm. Vì vậy, ban đầu bạn đừng mong trẻ sẽ ngủ lâu.

Tuy nhiên, có một số điều bạn có thể làm để giờ ngủ đến dễ dàng hơn với trẻ:

Ngủ gần con

Trong một phần hướng dẫn về giấc ngủ an toàn, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị nên ngủ cùng phòng với con trong sáu tháng đầu tiên.

Theo AAP, ở chung phòng với con (không phải ngủ chung) cũng có thể giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Đặt nôi của bé đầu giường bố mẹ hoặc cho bé nằm giường riêng gần đó là lựa chọn tốt nhất. AAP khuyên không nên ngủ trên cùng giường với bé vì nguy cơ ngạt thở.

Trước khi ngủ

Trẻ thường lẫn lộn ngày và đêm, ngủ nhiều hơn vào ban ngày và thức nhiều hơn vào ban đêm. Hãy thay đổi thói quen này của con bằng cách để đèn nhỏ lại vào ban đêm, di chuyển chậm lúc bạn cho con ăn. Ngược lại, vào ban ngày, hãy đảm bảo rằng luôn có ánh sáng rực rỡ và tiếng ồn, giữ cho trẻ "bận rộn" nhất có thể bằng cách trò chuyện, chơi với trẻ.

Ngoài ra, thời gian ngủ nên nhất quán. Thực hiện các hoạt động giống nhau theo thứ tự mỗi ngày sẽ giúp bé biết trước điều gì sẽ đến tiếp theo.

Bạn nên thực hiện 3-4 hoạt động thư giãn trong 20 đến 30 phút. Những hoạt động này có thể bao gồm massage, tắm, hát ru, nằm nôi đung đưa, dưỡng sinh và đọc sách.

Ngủ trưa

Đến 9 tháng tuổi, hầu hết trẻ tự nhiên chuyển sang ngủ trưa vào khoảng 9 giờ sáng và 2 giờ chiều. Nhưng đừng cố ép thời gian biểu cho bé để tiện cho bạn.

Hãy cứ để con khóc

Luyện ngủ có thể phù hợp với một số trẻ lớn, nhưng không phải ý hay đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Jennifer Waldburger, tác giả của cuốn sách "The Sleepeasy Solution" (Tạm dịch: Giải pháp Dễ ngủ), gợi ý rằng khi trẻ được khoảng 5 tháng tuổi, hãy thử để trẻ khóc một chút vào ban đêm, như vậy sẽ an toàn hơn (có thể từ ba đến năm phút một lần).

Trẻ khóc

Trẻ sơ sinh có thể khóc rất nhiều bởi vì đây là cách duy nhất để trẻ truyền đạt nhu cầu của mình. Tuy nhiên, bố mẹ có thể phải dụng tâm để tìm ra lý do tại sao con khóc.

Một số mẹo xoa dịu trẻ khóc:

- Loại trừ những nguyên nhân tiềm ẩn rõ ràng: Trẻ có đói không? Có bị ướt mông không? Có mệt không? Có bị đầy hơi không? Trẻ quá nóng hay quá lạnh?

- Cho trẻ ti mẹ, ti bình, mút ngón tay hoặc ngậm ti giả. (Nhiều chuyên gia khuyên bạn nên đợi cho đến khi việc cho con bú diễn ra suôn sẻ mới cho bé dùng ti giả để bé tránh nhầm lẫn).

- Tạo lại một môi trường giống như trong bụng mẹ bằng cách quấn con chắc chắn trong một chiếc chăn. Sau đó ôm con nằm nghiêng về bên trái và lắc lư nhẹ nhàng.

- Đưa trẻ lên ô tô chở đi hoặc cho đi xe đẩy, đặt trẻ vào nôi ru dành cho trẻ sơ sinh. (Bé thích chuyển động).

Trên tất cả, hãy giữ bình tĩnh! Nếu bạn căng thẳng, con bạn cũng sẽ như vậy. Hãy nhớ rằng đôi khi trẻ vẫn khóc, và việc này sẽ trôi qua.

Khi nào cần gọi bác sĩ nhi khoa

Một nguyên tắc nhỏ là hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ cơn sốt nào ở trẻ sơ sinh. Khi con lớn hơn chút, bạn sẽ có thể thoải mái hơn nếu con bị sốt nhẹ, nhưng những điều sau đây cần được chăm sóc y tế:

- Trẻ sốt cao

- Có thay đổi trong cách ăn uống, chẳng hạn như bỏ bú

- Phân rất lỏng hoặc nhầy

- Buồn ngủ quá mức, hôn mê hoặc không phản ứng

- Quá cáu kỉnh, khóc lóc vô cớ lâu hơn bình thường

- Phát ban đỏ hoặc sưng tấy ở bất cứ đâu trên cơ thể

- Có mẩn đỏ hoặc sưng tấy ở gốc dây rốn

- Có biểu hiện của táo bón như khó chịu, căng thẳng khi đi tiêu

- Bụng chướng lên hoặc nôn mửa. 

Theo www.parents.com