Tát nước đêm, “cua” luôn vợ bạn

(Dân trí) - Lúa còn mơn mởn làm đòng, ruộng thiếu nước, chồng đi làm ăn xa tới vụ gặt mới về; mà anh Thuyết lại “gợi ý” với chị Minh như những mùa trước: “Đi tát không thì chỉ có nước trắng tay”.

Nhà anh Thuyết vốn là gia đình có ruộng và sức kéo vào bậc nhất làng nhưng khổ nỗi ruộng nhiều mà người làm lại thiếu. Trong khi nhà anh Năng cạnh bên ruộng ít lại có người, chị Minh, vợ anh, lại nhanh nhẹn tháo vác.

 

Gia đình hai bên có vẻ “kết” nhau, thỉnh thoảng Thuyết cũng quan tâm đến gia đình nhà Năng Minh mỗi khi Năng đi làm ăn xa. Hết gạo, chị Minh cũng chỉ biết “rinh” thúng đến nhà vợ chồng Thuyết, con cái của chị cũng quý mến bác Thuyết lắm. Nên  cứ đến vụ là hai gia đình lại hùa nhau cấy hái, sinh hoạt như trong một nhà.

 

Ruộng đã nhiều lại thu hoạch nhanh, người trong làng không khỏi ghanh tỵ vì sự gắn bó “keo sơn” đó. Tai vách mạch rừng, nhiều người bảo: “Ai chứ cái thằng Thuyết đa tình  không có chuyện với con Minh mới là lạ”.

 

Chuyện cũng bay đến tai vợ của Thuyết, vài lần chị có nhắc chồng nhưng một mực Thuyết không nhận, còn vung tay vung chân. Không bắt được quả tang thì thách chị dám ho he. Nhưng đã nhiều hôm anh Thuyết đi “đổi công” về muộn quá làm chị sinh nghi.

 

Nằm dọc theo con sông Lam, nên nhân dân xã Hưng Lĩnh được thiên nhiên ưu đãi cho một cánh đồng phù sa rộng lớn, là vựa lúa của tỉnh Ng. Chùa Khê là làng nổi tiếng vì có năng suất lúa nhất xã, người trong làng lại  biết đùm bọc xem nhau như anh em. Nhà nào có công chuyện là xúm lại làm “một phát” xong ngay. Mùa cấy hái còn phải nói, cứ gọi là  nhà nhà “liên hiệp” mà chạy đua với mùa vụ.

 

Mùa hè, ruộng đồng nứt nẻ lúa lại đến mùa làm đòng, không đi “tát nước”(múc cho nước vào ruộng) dưỡng đòng xem như vụ mùa mất trắng, người dân Chùa Khê chỉ biết ôm nón tơi mà khóc. Việc tát nước rất được dân làng coi trọng.

 

Gầu tát nước, một người đố tài nào múc được, phải hai người thì mới nhẹ sức kéo lại năng suất, nước chóng đầy ruộng. Hè nên trời nắng chang chang không thể cứ như vậy mà đi tát nước. Phải linh hoạt ban ngày còn làm việc này nọ, chuyện nước nôi cứ để đêm đến. Đêm về vừa mát, vừa không ai chặn nước trên kênh của mình, nên người dân làng Chùa Khê cứ đợi trăng thanh, gió mát “hây hẩy” là đi tát nước.

 

Lúa còn mơn mởn làm đòng, ruộng thiếu nước, chồng đi làm ăn xa tới vụ gặt mới về; mà anh Thuyết lại “gợi ý”như những mùa trước: “Đi tát không thì chỉ có nước trắng tay”.

 

Sau khi để lũ trẻ đi chơi, chị Minh cầm gầu chui qua mấy bụi rậm hướng về đồng ruộng của mình. Biết anh Thuyết đã đến trước nên Minh cũng tỏ vẻ gấp gáp, không để anh đợi lâu. Lúa thì chờ nước mà mãi không thấy đâu. Còn anh Thuyết và chị Minh lại đang lo “tát” cho nhau.

 

Vì sinh nghi nên nhiều lần vợ Thuyết muốn làm rõ trắng đen. Rủi sao cho đôi tát nước đổi công, đêm ấy chị đã theo chân Minh.  Để rồi đến hồi “cao trào” chị xuất hiện và bắt quả tang trai trên gái dưới. Bây giờ thì trắng đen đã rõ, Thuyết không còn cách nào chối cãi, miệng như bị trám xỉ. Từ đó mối “giao hảo” bền chặt keo sơn giữa hai nhà láng giềng không còn. Thậm chí, cứ “vui” miệng là hai cái “loa” lại chỉa sang nhau “khẩu chiến” làm oang oang cả làng Chùa Khê.

 

Làm nông nghiệp phải đổi công, phải làm chung; một gia đình không xuể thì “hợp tác” cho kịp thời vụ, mà cũng là để thắt chặt thêm tình xóm nghĩa làng. Thế nhưng, chuyện cộng tác làm ruộng rồi “cua” luôn cả vợ bạn là chuyện thường tình ở xóm. Vì thế, người làng Chùa Khê mới có câu “tin bạn mất bò, tin học trò mất vợ” .

 

Lê Phi

 

* Tên nhân vật đã được thay đổi