“Tập 1” và “tập 2”

(Dân trí) - Có con chẳng bao giờ là giống nhau. Dù đã qua kinh nghiệm mang thai và sinh nở lần đầu, ối bà mẹ vẫn thấy, “tập 2” khác quá khác!

 
“Tập 1” và “tập 2”


Bầu lần một thì chờ đợi, lần hai thì bất ngờ. Lần một khoe mọi nơi, lần hai mách khắp chốn. Lần một mong con trai, lần hai mong con gái. Lần một mơ một đứa giống bố nó, lần hai lại ước giá nó được như đứa đầu.

 

Bầu lần một chồng phấn khích: “Anh phục anh quá!”, bầu lần hai chồng quá khích: “Anh phục em quá!”. Lần một vừa biết có chửa đã sẵn sàng hai tên, dành tặng con trai hoặc gái. Lần hai cứ bình tĩnh, đã đẻ đâu mà đặt tên, để xem chắc chắn giai hay gái đã.

 

Lần một nhớ thai kỳ của từng tuần, thậm chí nhớ rõ đã được bao nhiêu ngày. Lần hai chỉ mang máng thai đang ở tháng thứ mấy.

 

Lần một cứ đọc hết sách nọ đến sách kia, rảnh rỗi nên toàn ngồi đoán già đoán non về giới tính của con cho đến tận lúc đẻ. Lần này thì chịu, chẳng thể nào mà ngồi nghĩ hươu nghĩ vượn, vì tin chắc rằng, thèm chua hay ngọt, là do cơ thể bị thiếu chất gì đó, bụng mẹ tròn hay bẹt, ngấn chân của đứa trước hay nhịp tim thai đứa này chả qua là do cơ địa mỗi người thôi, đâu có căn cứ khoa học. Khối người siêu âm khẳng định một đằng, đến lúc đẻ ra lại một nẻo, tốn thời gian vô ích làm gì.

 

Không phải không yêu thương hay thiếu quan tâm, mà vì mọi thứ đều đã được định hình từ lần sinh trước, trở nên dần quen thuộc ở lần này. Vả lại có quá nhiều việc cần phải làm ở thì hiện tại, nên luôn tin rằng với đứa thứ hai kinh nghiệm của mẹ đã dồi dào và sẽ chu đáo hơn lần đầu đáng kể.

 

Bầu lần hai đồ đạc tã lót không phải nghĩ gì nhiều, cứ lôi từ trong tủ ra có hết, mua đồ mới đâu thể mềm mại như quần áo đã dùng.

 

Lần một thì các bà thi nhau xung phong đến chăm, trông, lần hai thì chẳng bà nào thoái thác, tuy nhiên nhiệt huyết thì có vẻ rụng vơi đi một phần, vì căn bản đã có kha khá cháu khác cũng cần được quan tâm.

 

Chửa lần một rất hồi hộp và cực kỳ lo lắng với việc chăm con, lần hai tự tin lên kế hoạch dài hạn, cả nhà sẽ cùng trường kỳ “kháng chiến”, mạnh dạn một phần vì đã có sẵn một “nhân viên” kết nạp được từ lần sinh đầu tiên đó thôi.

 

Bầu lần một có phần hơi ấm ức vì sao trong lúc mình bầu “vật vã” thế này mà gã chồng lại phởn phơ sung sướng thế kia. Lần hai thì tủm tỉm bởi đã nhìn thấy trợ thủ đắc lực, cũng đang gầy đi mấy cân, bạc mất vài sợi tóc mai để đỡ vợ rất cần mẫn trong việc chăm lo gia đình, khiến bà bầu yên tâm bàn giao và phó thác hẳn đứa đầu cho, còn tập trung an dưỡng chăm lo cho thành viên thứ hai. Chưa kể đứa đầu cũng lẻo mép y bố nên bà bầu cũng có cảm giác được quan tâm, chia sẻ rất nhiều. 

 

Bầu lần đầu còn được nhởn nhơ, đến lần hai có cảm tưởng thời gian luôn bị giới hạn một cách lạnh lùng, phải giỏi toán, giỏi tính lắm mới có thể phân chia được cho các thành viên sao cho công bằng minh bạch, và lúc nào cũng phải nuôi dưỡng trong mình tinh thần của chiến binh tinh nhuệ, sẵn sàng “chiến đấu” hết mình, chờ ngày đứa sau chào đời khéo còn bí bách hơn nữa.

 

Chửa lần một lúc nào cũng phơi phới ra vẻ ta đây, luôn mang tư tưởng bà mẹ nào cũng thật vỹ đại, lần này thì tinh tướng nghĩ, thường thôi ai chả làm được.

 

TSL