Tản mạn ngày gia đình Việt Nam

(Dân trí) - Người xưa nói, dù là vua chúa hay anh dân cày, người hạnh phúc nhất là người tìm được sự yên ấm dưới mái nhà của mình. Dù là biệt thự, chung cư, hay nhà ngói, song cần nhất, đó phải là một mái ấm.

Tản mạn ngày gia đình Việt Nam - 1


 
Có người cả đời nhặt nhạnh, chắt chiu xây tổ ấm, vậy mà có khi giật mình nhìn lại, chợt chua xót nhận ra, dưới mái nhà đầy đủ tiện nghi là cả một khoảng trống lạnh, lạnh hơi người, lạnh tình, lạnh nghĩa.

 

Cứ  5 cặp vợ chồng ở nước ta lại có 1 cặp xảy ra bạo hành. Tỷ lệ ly hôn là 2,6%. Nữ đứng đơn xin ly hôn cao gấp 2 lần so với nam giới.
 
Trong số những cặp đã ly hôn có 27,7 % cho biết, nguyên nhân là do mâu thuẫn về lối sống và 25,9% thú nhận vì bạo lực, ngoại tình. 
Các nạn bạo hành vẫn len sâu vào tận ngóc ngách gia đình. Điều tra gần đây cho thấy, bạo lực gia đình thường xuyên trùm lên 21,2 % các gia đình. Song thật lạ kỳ, có hơn 90% số người được hỏi vẫn tươi cười mà rằng: “Hài lòng với cuộc sống ”. Chính thái độ coi bạo lực gia đình là “chuyện thường” đã khiến bạo lực tồn tại hiển nhiên và có xu hướng gia tăng.  

 

Đây không thể coi là bức tranh toàn cảnh gia đình Việt Nam, có chăng chỉ là mảng tối, nhưng nó đang có chiều hướng loang rộng, làm rạn nứt hạnh phúc gia đình.

 

Thứ trưởng bộ Thể thao, Văn hoá và Du lịch Lê Tiến Thọ nhận định: “Cuộc điều tra cho thấy bức tranh toàn diện về những thay đổi trong các mối quan hệ gia đình cũng như vai trò của mỗi thành viên, góp phần làm sáng tỏ những thay đổi các giá trị, chuẩn mực của gia đình dưới tác động của công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

 

Cũng trong thời đại mới, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng rộng ra, sâu hơn. Một đứa trẻ không được “tắm” trong môi trường gia đình giàu có về văn hoá tinh thần sẽ khiếm khuyết, khó hoàn thiện nhân cách.

 

Chớ nhầm tưởng rằng, thời thế giới phẳng, chức năng dạy dỗ từ trong gia đình sẽ được hoán đổi cho xã hội. Xã hội dù tốt đẹp đến mức lý tưởng vẫn trộn lẫn trắng - đen. Xã hội có thể dạy cho chúng ta bài học kiếm sống, những va vấp nhớ đời, chứ không thể yêu thương, dạy cho chúng ta những lời nói thật, sự trung thực như cha mẹ dạy.  

 

Theo kết quả điều tra, có tới 1/5 các ông bố và 7% các bà mẹ hầu như không có thời gian ngó ngàng, chăm sóc con cái vì phải lo kiếm tiền.

Lần đầu tiên, bộ mặt của hàng triệu gia đình Việt Nam thời đô thị hoá, công nghiệp hoá đã lộ diện. Mối quan hệ huyết thống ông bà - cha mẹ - con cháu đang xô lệch, lỏng lẻo.

 

Một triết gia phương Tây từng nói: “Dù tồi tàn đến đâu nhưng không nơi nào trên thế giới có thể sánh được với mái ấm gia đình”. Dân ta thì nôm na: “Không đâu bằng nhà mình”. Thời thiếu thốn, khốn khó, gia đình quây quần, đầm ấm, nay khấm khá dư dả, gia đình trở nên mong manh, dễ vỡ. Làm sao hài hòa, cân bằng được mong muốn giàu có, thành đạt mà vẫn giữ được những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, tinh tế trong một mái ấm gia đình?

 

Chúng ta đang hướng tới ngày gia đình Việt Nam 28-6, mỗi người hãy ngẫm lại đã làm gì cho hạnh phúc gia đình. Một gia đình hạnh phúc sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng hạnh phúc.

 

Nguyễn Thị Hồng Phượng - Văn Công