Tam, tứ đại đồng đường
"Trong cuộc sống tam - tứ đại đồng đường, nhiều người chọn giải pháp thỏa hiệp. Mọi thành viên trong gia đình, ai cũng cố hết sức để làm vừa lòng người khác theo cách mình nghĩ là tốt nhất. Thế nhưng, nhiều khi chính sự cố gắng ấy lại khiến mọi người thấy tù túng, mất tự do..."
Có quá nhiều bất đồng xảy ra hàng ngày giữa thế hệ trong gia đình.Phải làm gì để giải quyết những mâu thuẫn hoặc ngấm ngầm hoặc công khai vẫn đang tồn tại như là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình "tam - tứ đại đồng đường"?
Nhà có 4 tầng lầu. Vợ chồng anh cả sống ở tầng trên cùng. Vợ chồng cậu em sống ở tầng 3. Ông bà cụ ở tầng 2. Tầng 1, tiếng là phòng khách, phòng ăn nhưng lại chẳng mấy khi có người...
Chỉ nói chuyện xem TV. Ông bà cụ thì thích xem chèo, cải lương. Bố thì thích xem bóng đá. Mẹ thích xem phim truyền hình. Còn con cái lại thích xem phim hoạt hình với MTV. Mỗi người một kiểu, chẳng ai chịu ai. Buổi tối sum họp lại thành ra thiếu thoải mái...
Sống chung = bất hòa?
... Thôi thì cứ trang bị mỗi phòng một TV. Thế là xong! Tưởng thế thôi, chứ "xong" thế nào được. Cái TV chỉ là chuyện nhỏ. Còn có cả trăm nghìn sự khác biệt thế hệt. Ông thích yên tĩnh thì thằng cháu lại cứ hét ầm nhà lên bánh với chẳng bóng. Bà thích nền nã thì cô cháu gái lại cứ tong tẩy áo hai dây.
Bố mẹ muốn dạy con thì ông bà lại thương cháu, bênh cháu. Hai cô chị dâu - em dâu cũng nhấm nhẳng với nhau suốt chỉ chuyện con chị, con tôi, rồi cơm canh ai lo, nhà cửa ai dọn... Rồi lại những chuyện không tiện nói như sửa nhà, sửa cửa, mua sắm cái này, cái nọ thì ưu tiên thành viên nào, rồi chi phí sinh hoạt của gia đình...
Ông bà già vốn đã sống những ngày nghèo túng nên thích tiết kiệm, chắt chiu. Bọn trẻ con thì quen sống đầy đủ lại chẳng chiu thua chị kém em. Ông bà già thì thích ăn cơm nát, có canh, rau còn bọn trẻ thì lại thích ăn cơm khô, thức ăn kho khô, đồ hộp... Trẻ con thì phải được ưu tiên, nhưng người già thì lại dễ tủi thân.
Người già khó tính, thích yên tĩnh, sống bằng hoài niệm. Bọn trẻ con lại hiếu động, bồng bột, thích ồn ào. Bố mẹ chúng thì lại ở cái lứa lỡ cỡ chẳng ra mỡ, chẳng ra nạc, vừa chê ông bà cụ khó tính, lại vừa chê con quậy phá, nông cạn. Những cái mâu thuẫn tâm lý luôn là hố ngăn cách sâu nhất giữa các thế hệ. Cuộc sống cứ thế mà thành ra ngột ngạt.
Biến cái hố thành... cái ao?
Nhiều người lựa chọn phương pháp thỏa hiệp. Mỗi thành viên trong gia đình đều cố gắng hết sức để làm vừa lòng người khác theo cách mình nghĩ là tốt nhất. Thế nhưng nhiều khi sự cố gắng đó lại càng làm cho họ xa nhau hơn.
Cực chẳng đã đành tính chuyện "ra ở riêng". Chật chộ̣i một chút, khó khăn một chút nhưng được cái tự do. Thích ăn gì thì ăn, không thích cơm nhà thì vợ chồng con cái kéo nhau ra tiệm. Rồi thỉnh thoảng lại kéo nhau về nhà ông bà ăn một bữa cơm thân mật. Thế là vẫn vui vẻ cả, mà lại yên chuyện. Thôi thì "con chăm cha chẳng bằng bà chăm ông".
Tình hình như thế xem ra cũng có vẻ hợp lý. Thế mà thực tế lại chứng minh đây là một... lựa chọn tồi. Chính là bởi sự "vô trách nhiệm" của lựa chọn này: Người già bị bỏ rơi. Bố mẹ mải lo công việc, chẳng có ai quan tâm đến con cái. Con cái mải lo học hành, cũng chẳng có thời gian dành cho ông bà. Các sợi dây liên hệ cứ ngày một xa ra, mờ nhạt dần.
Rồi những mâu thuẫn ngày xưa mới ngấm ngầm nay thành công khai chỉ vì không có một ai đủ sức "cầm chịch" điều hòa. Hai vợ chồng xung đột cũng không còn ngại "ông bà cụ", mạnh ai nấy có cái lý sự của mình. Con cái tưởng được thoải mái bỗng chốc lại bị "khủng bố tinh thần" còn nặng nề hơn cái chuyện "bà bắt con phải học nấu ăn"...
Cái sự tự do ban đầu tưởng như "có lý" lại một lần nữa trở thành "vô lý" còn hơn cả những xung đột thế hệ tưởng không thể chịu đựng nổi. Sự tự do cũng lại trở thành không thể chịu đựng nổi.
Theo Tư Vấn Tiêu Dùng