Tạm biệt thời Sinh viên
(Dân trí) - Những ngày tháng sinh viên đã kết thúc. Cuộc đời đi học vậy là cũng hết rồi. Tôi không có ý định học lên tiếp nên kết thúc cuộc đời sinh viên cũng là kết thúc cuộc đời đi học. Giờ tôi học ở trường đời.
Gần đây, tôi có xem một bộ phim truyền hình nói về cuộc sống của những sinh viên mới tốt nghiệp, trong phim, thầy giáo thể chất gọi sinh viên năm cuối ra sân vận động của trường. Thầy yêu cầu tất cả chạy liên tiếp mấy vòng quanh sân, tới khi chỉ còn một sinh viên duy nhất kiên trì và đủ sức trụ lại trên đường chạy, thầy cho tất cả dừng lại và nói: Các em sắp ra trường rồi, ra trường sẽ không còn ai bảo ban, nhắc nhở các em nữa. Làm đúng hay làm sai, sẽ phải tự mình gánh vác lấy. Bạn bè, thầy cô, không còn ở bên để các em có thể nhìn vào và lấy đó làm động lực cố gắng nữa. Tự các em phải trông vào chính mình và chiến đấu với chính bản thân mình. Trên đường đời, thầy chúc các em chiến thắng chính bản thân mình! … Những lời nói này, tôi sẽ không bao giờ quên, bởi đó là lời của một người thầy rất tâm huyết.
Cuộc đời là một cuộc chạy việt dã, không phải chạy ngắn, chạy tốc độ cao để xem ai khỏe hơn. Trên con đường dài việt dã đó, nếu ta biết cố gắng thì dần dần cuộc sống sẽ khấm khá lên. Trời không phụ lòng Người. Một cuộc chạy dài, để xem ai dai sức, bền chí. Người ta bảo cuộc chạy đó không có đích đến thực sự, mà đích đến chính là niềm hạnh phúc trên mỗi chặng đường đi qua. Phải biết tận hưởng từng niềm vui, từng thành công, từng sự kiện xảy ra trong đời. Không có hạnh phúc tuyệt đích và vì thế chúng ta hãy biết sống với niềm vui, niềm hạnh phúc khi mỗi ngày trôi qua trong đời. Tôi sẽ khiến mình trở thành triệu phú hạnh phúc. Hãy cùng tôi làm một quyển “sổ tiết kiệm”. Trong đó, khi mỗi ngày kết thúc, hãy ghi lại những niềm vui dù là nhỏ nhất trong ngày, để mỗi ngày trôi qua đều có ý nghĩa của nó. Một năm, hai năm, và nhiều năm sau khi tốt nghiệp, nhìn lại, tôi và bạn sẽ biết mình đã làm được những gì, đã có những niềm vui thế nào, và nhất là những khi ngã lòng, tủi thân, buồn bã, có thể nhìn vào sổ, đọc lại, để lấy thêm động lực bước tiếp. Niềm vui hôm nay của tôi là đã viết ra được những dòng này.
Lại nói về bộ phim kia, cảnh tiếp theo sau đó là các bạn sinh viên tốt nghiệp, các bạn trông thật hạnh phúc, khuôn mặt rạng rỡ, tươi sáng. Có lẽ đó là hình dung chung về những thanh niên trẻ trung, đầy nhiệt huyết khi mới ra trường. Cũng có thể. Nhưng theo tôi, hình ảnh thật nhất về những thanh niên hai bàn tay trắng lập nghiệp, khởi đầu từ con số 0 sẽ là khuôn mặt thoáng ưu tư, lo lắng, cũng có thể họ che giấu bằng nụ cười và không thể hiện ra, nhưng nhìn họ, bạn vẫn cảm nhận được những suy tư. Trong ngày tốt nghiệp, người cười, người khóc, người hạnh phúc, người lo lắng. Tương lai rồi đi đâu, về đâu. Trong những giọt nước mắt ấy, giọt nước mắt nào là niềm vui, giọt nước mắt nào là lo âu, sợ hãi, không ai biết. Nhưng có một điều chúng ta biết chắc: Khi người ta mạnh mẽ và thực sự muốn vươn lên để thành công, nỗi sợ hãi cũng thành động lực.
Có thể nói những tháng năm học Đại học là thời gian định hình tính cách. Khi đó, người ta không còn trẻ con, nhưng chưa hẳn là người lớn, vẫn có những sai lầm, va vấp và sau đó người ta hiểu mình hơn, nhận ra điều hay, điều dở, điều tốt, điều xấu của bản thân để hoàn thiện mình. Tôi vừa xem lại những email mình từng gửi cho cô giáo chủ nhiệm khi còn học năm I, năm II, tôi thực sự thấy ngượng nghịu và xấu hổ. Những rắc rối như vậy mà cũng có thể hỏi cô được, nhỏ nhặt và đơn giản thế cơ mà. Giờ đây, những chuyện như vậy, tôi tin mình có thể xử lý ổn thỏa, vậy là tôi đã lớn hơn rồi, phải không?
Một cô bạn để status trên facebook: “Cuộc đời thật ngổn ngang, bộn bề, bao nhiêu thứ phải lo toan”. Tôi comment phía dưới: “Còn trẻ thì cuộc sống chắc chắn phải như vậy. Chúng ta mất cả cuộc đời để sắp xếp, may ra mới ổn thỏa được.” Nhiều bạn học cũng vào Like comment đó. Chắc các bạn cũng cùng suy nghĩ như tôi. Trước đây, tôi hay chần chừ, tặc lưỡi, muốn làm việc gì, nhưng nhiều khi cứ tự nhủ: Để đấy đã, rồi ngày mai làm sau. Nhưng giờ tôi bắt mình phải thay đổi. Khẩu hiệu quảng cáo của một hãng nào đó: Sống là không chờ đợi, xem ra rất đúng. Thay vì nói “Tôi SẼ CỐ GẮNG”, giờ ta hãy nói: “Tôi PHẢI LÀM ĐƯỢC”.
Trong lưu bút cuối khóa, một cô bạn nhỏ bé nhất lớp, trầm tính và ít nói đã thổ lộ kế hoạch Nam tiến của mình, tôi lo lắng hỏi: Đã có chuẩn bị gì chưa? Có chắc chắn gì không? Bạn cười trả lời: Không có gì chắc chắn cả, muốn làm thì cứ làm thôi. Muốn có cơ hội mà. Không có gì trong tay nên cũng chẳng có gì phải sợ. Vô sản là mạnh nhất. (Rồi bạn cười lớn) Nghe bạn nói vậy, tôi bỗng sững người lại một lúc. Bạn thật mạnh mẽ và can đảm, khi mới bắt đầu những bước đầu tiên vào đời, bạn đã can trường hơn tôi rất nhiều. Tôi thấy mình thật kém cỏi giữa các bạn bè, bạn thì ra nước ngoài du học, bạn thì Nam tiến lập nghiệp. Và như đoán được suy nghĩ của tôi, bạn lại nói nhỏ: Lập nghiệp ở thủ đô đã là to lớn lắm rồi. Cố gắng lên nhé! Nghe xong, lòng tôi bỗng vui lạ thường. Nhất định cố gắng! Mỗi người một hướng đi, một lòng can đảm, một sự quyết tâm, nhưng nhớ nhé, hẹn nhau ở đích đến Thành Công.
Những kiến thức chuyên ngành được học trong bốn năm qua là thứ mà mỗi chúng tôi đều cố gắng nắm bắt thật kỹ càng, thấu đáo. Nhưng những bài học giản dị về cách sống, cách làm việc mới là những điều tôi nhớ nhất. Những kỷ niệm nhỏ đó, tôi thấy thú vị và tâm đắc lắm và chúng có ích với tôi không kém gì những kiến thức chuyên ngành. Có lần, cô giáo đưa ra một vấn đề để cả lớp cùng bàn luận, có bạn hăng hái phát biểu hết tất cả những gì bạn biết, cô giáo cười nói: Hãy để lại một chút cho các bạn khác cùng phát biểu, em nhé. Và tôi hiểu, trong cuộc sống tập thể, hãy nhún nhường và biết bớt đi cái Tôi, cái cá nhân để hòa đồng và không ích kỷ. Có thời gian chúng tôi được học với một thầy giáo “khó tính”, khi thầy gọi chúng tôi lên đọc bài, có bạn bị nói: Giọng đọc chưa rõ ràng, không thuyết phục. Đọc lại! Có bạn thầy lại bảo: Đọc như vậy thể hiện tư duy không mạch lạc, cách hiểu không thấu đáo. Đọc lại! Các bạn xì xào: Thầy giáo “hắc xì dầu” quá. Nhưng khi học lâu với thầy rồi, chúng tôi mới hiểu: Thầy rất tận tâm, rèn rũa cho chúng tôi từng chút một, và nhờ vậy mà khi đứng lên thuyết trình, chúng tôi đã thay đổi phong cách rõ rệt. Người khó tính với mình, chưa chắc đã không quý mình. Yêu cho roi cho vọt mà. Có lần tôi cảm giác bị một giáo viên ghét bỏ và đối xử thiên vị, không công bằng, tôi liền ấm ức kể với cô giáo chủ nhiệm, tôi cứ nghĩ mình trăm phần trăm sẽ được cô bênh vực và an ủi, nhưng không ngờ, cô nói rằng: Đừng yêu cầu tất cả mọi người phải yêu quý em, em có yêu quý tất cả mọi người như nhau không? Khi gặp bất công, chỉ có thể tự em giành lại công bằng cho mình bằng sức lực, khả năng của mình. Hãy linh hoạt trong cách ứng xử. Và đừng tin chắc rằng kết quả bao giờ cũng tương xứng với nỗ lực của em. Nghe xong tôi ngơ ngác, hơi giận vì cô đã không bênh mình, nhưng càng về sau, tôi càng nhận ra cô nói rất đúng. Những bài học nhỏ đó đã làm tôi thay đổi nhiều trong cách ứng xử. Đó chính là những kỹ năng mềm mà chúng ta phải học.
Bốn năm Đại học đã gần đi đến kết thúc, chúng tôi tạm rời xa mái trường và bắt đầu những tháng thực tập cuối cùng để rồi sau đó sẽ quay trở về để thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ khóa luận, và sau đó… giây phút quan trọng nhất sẽ tới: Lễ tốt nghiệp. Tôi nghĩ mình sẽ khóc mất, nghĩ tới đó đã thấy bao nhiêu bồn chồn, lo lắng và nỗi buồn. Một nửa trong tôi nói rằng: Mình chưa muốn lớn đâu, muốn được gia đình bảo bọc, muốn được sống vô tư, vui vẻ giữa thầy cô, bạn bè; nhưng đồng thời một nửa trong tôi cũng lên tiếng dõng dạc: Mình sẽ dũng cảm, ngoan cường chiến đấu, dù khó khăn, gian khổ, nhất định mình phải vượt qua để một ngày nào đó chạm tay tới đỉnh vinh quang. Mình phải thành công để gia đình tự hào về mình, gặp lại thầy cô, bè bạn, mình có thể tự tin, ngẩng cao đầu. Sự yếu đuối và lòng can đảm cùng lên tiếng, tôi biết mình là một đứa ngoan cường và bướng bỉnh, có lúc yếu lòng nhưng tôi sẽ biết phải làm gì. Cố gắng lên, “ngựa non”!
“… Ngày đó sẽ không xa xôi, và chúng ta là người chiến thắng…” ngồi trong phòng nhỏ, ấm áp, thân thương, yêu đời, tự nhủ: “Đường tới đỉnh vinh quang” dù còn xa, ta cũng quyết không chùn bước. Chúc những Ngựa Vàng Canh Ngọ 1990 năm nay tốt nghiệp đạt được kết quả tốt và thực hiện thành công mơ ước của mình. Lại một lứa sinh viên nữa ra trường và nước nhà có thêm những người con, những bàn tay dựng xây Tổ quốc.
Hồ Bích Ngọc