“Tại sao sinh con trong cuộc đời, mà không cho con làm người?”

L.G

(Dân trí) - Hôm qua tôi đọc thông tin về thai nhi bị phá bỏ ở tuần thai thứ 31 được một thành viên nhóm tình nguyện phát hiện và giải cứu mà không kìm được nước mắt...

“Tại sao sinh con trong cuộc đời, mà không cho con làm người?” - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Tôi có một người em, không thân thích họ hàng nhưng vô cùng thân thiết. Hai lần mang thai đầu, cả hai lần thai nhi đều phát triển không bình thường nên bác sĩ tư vấn chấm dứt thai kỳ sớm. Tới lần mang thai thứ ba em mới may mắn được hưởng hạnh phúc làm mẹ.

Vài lần gặp nhau, em thường kể cho tôi về những giấc mơ khiến mỗi lần thức dậy em đều khóc: “Đêm qua em lại nằm mơ chị à, em mơ thấy hai đứa trẻ, một trai một gái về đứng ở cổng gọi “mẹ”, vừa gọi vừa khóc đòi vào nhà. Thế nhưng em chạy ra thì chúng lại giận dỗi quay lưng bỏ đi mất. Lần nào tỉnh dậy em cũng cảm thấy rất buồn, đều muốn khóc, như thể con trách mình vì không giữ con ở lại, như thể mình đã chối bỏ các con”.

Tôi bảo em: “Ngày chúng ta nghĩ quá nhiều về điều gì thì thường đêm sẽ nằm mơ thấy. Là do em đã nghĩ nhiều quá thôi. Con không có duyên với mình, cố giữ cũng không được”. Nhưng em ấy vẫn luôn trong tâm trạng dằn vặt bản thân, luôn thấy những giấc mơ kiểu như thế và rồi lại khóc.

Mỗi đứa trẻ dù chưa rõ hình hài, chưa được cất tiếng khóc chào thế giới này thì cũng đã là một sinh mệnh. Vậy mà có những đứa trẻ đủ ngày đủ tháng, được sinh ra khỏe mạnh lại bị chính mẹ cha mình chối bỏ ngay từ lúc mới sinh ra ở một xó xỉnh nào đó trong cuộc đời này.

Dăm bữa nửa tháng lại có thông tin về những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi như vậy trên các mặt báo. Có bé bị bỏ ở cổng chùa, có bé nằm ở miếu hoang, có bé nằm ở hố ga, có bé kẹt ở giữa khe tường. Có bé may mắn được phát hiện kịp thời mà sống sót, cũng có những bé đã mãi mãi từ biệt thế giới này khi chưa hề được nếm dù chỉ một giọt sữa ngọt ngào của mẹ.

Hôm qua tôi đọc thông tin về thai nhi bị phá bỏ ở tuần thai thứ 31 được một thành viên nhóm tình nguyện phát hiện và giải cứu mà không kìm được nước mắt: Một túi bóng đen được đặt ở dưới chân thùng rác, bên trong có vật gì đó đang cựa quậy. Một bé trai sơ sinh nằm trong túi lẫn kèm với một số vật tư y tế. Bé còn thở, khóc nhẹ, cơ thể tím tái, máu từ dây rốn loang rỉ ra khắp vùng bụng… Những từ ngữ miêu tả ngắn ngủi ấy sẽ làm rất nhiều trái tim đau đớn.

Cùng với những đứa trẻ bị bỏ rơi đôi khi là những bức thư với đôi ba dòng chữ nguệch ngoạc mà mẹ của bé gửi gắm. Vì mẹ còn “đi học”, vì mẹ “khó khăn không có khả năng nuôi dưỡng”, và cả vì bố đứa bé không nhận nên mẹ chỉ còn cách bỏ rơi con…Lý do nào cũng đáng thương, nhưng lý do nào cũng khó mà chấp nhận.

Cũng đều là “những thiên thần nhỏ”, nhưng bé được bố mẹ nâng niu bằng dòng sữa mát lành, trong ấm áp chở che, còn có bé lại nằm giữa nắng giữa mưa, giữa sương khuya đêm lạnh “làm mồi” cho chuột, cho kiến… Hỏi có còn gì tàn nhẫn hơn, xót xa hơn.

Tôi có một người cô trong họ, hai vợ chồng lấy nhau nhiều năm mà không có con. Một sáng cô dậy, thấy một đứa bé được đặt ngay ở cổng. Vợ chồng cô báo với chính quyền địa phương, mấy ngày không thấy ai đến nhận con. Cô nói: “Chắc ai đó nhỡ nhàng, biết hoàn cảnh nhà mình nên cho mình một đứa con”. Hai vợ chồng cô nhận làm con nuôi, đi làm giấy khai sinh cho con. Cô bé bị mẹ ruột bỏ rơi, nhưng lại “cố tình” bỏ rơi đúng chỗ nên may mắn được lớn lên như bao đứa trẻ. Giờ cô bé ấy đã là sinh viên đại học, vừa xinh xắn vừa hiền ngoan.

Nhiều khi tôi không hiểu vì sao, những bà mẹ khi không thể hoặc không muốn nuôi con mình lại chọn cách bỏ rơi con ở những chỗ hoang vắng, ít người qua lại như vậy. Để khi có người phát hiện ra các con thì các con đã nguy kịch lắm rồi.

Nếu mình không thể nuôi con, sao không để người khác cho con sự sống?