Tác phẩm lớn của mẹ

(Dân trí) - Tôi cũng như bao người mẹ trên trái đất này, luôn yêu thương con hết lòng. Song giống như cha mẹ tôi, tôi không vì tình yêu ấy mà quá cưng chiều con, để đứa bé có quyền hành tối cao, thích gì làm nấy.

 
Tác phẩm lớn của mẹ - 1


Tôi muốn học tập nền giáo dục của mẹ tôi, muốn con cái tôi sẽ noi gương mẹ nó. Nhớ ngày sau khi mẹ tôi xin “về hưu non” liền mở cửa hàng kiếm đồng ra đồng vào, có thời gian chăm sóc con cái. May sao Trời thương nên mẹ cũng đắt khách. Khi ấy nhà tôi đàng hoàng nhất phố, nhưng anh em tôi không vì thế mà ỷ lại.  

 

Sách giáo khoa rất ít khi chúng tôi được mua mới, cứ đứa trước truyền lại cho đứa sau, đem đổi với hàng xóm. Cặp đi học cũng là đồ cũ phải giữ gìn thật cẩn thận, dù tôi biết bố mẹ thừa sức sắm cho anh em tôi bằng bạn bằng bè. Có lần tôi rủ hội bạn đến nhà chơi, chúng ngỡ ngàng và quay lại tròn mắt nhìn tôi như muốn thắc mắc “nhà thế này mà sao mày ăn mặc giản dị thế?”.  

 

Mẹ thường dạy tôi: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, quan trọng là chính mình tạo nên nhân cách, kiến thức hiểu biết, đó mới là đồ trang sức hợp thời nhất. Đừng ảo tưởng và phù phiếm vào những bộ trang phục rồi tự cho mình là đẳng cấp cao.

 

Có những ông bố bà mẹ luôn cho rằng mình đã nghèo, đã khổ thì phải để con cái được sung sướng. Vậy là họ chưa hiểu tường tận nghĩa sung sướng, đủ đầy. Đôi khi phải thiếu thốn hay khó khăn, người ta mới có thể biết mà cảm nhận được hạnh phúc.  

 

“Mỗi lần cầm tay chỉ việc cho con, phải nhắc đi nhắc lại, dạy tái dạy hồi, ta làm có khi còn nhanh hơn, đỡ tốn công, mỏi mồm” - đây là suy nghĩ của nhiều bà mẹ. Vậy thì đến bao giờ chúng mới có thể tự làm? Mẹ làm sao theo con đến hết cuộc đời. Câu nói: “Trăng rằm trăng khắc tròn” không thể ứng dụng vào đây. Đến ăn, nói, đi, đứng còn phải học huống hồ những lễ nghi, phép tắc.

 

Có những đứa bé đi bị vấp ngã, khóc váng lên, người mẹ quay ngay ra dẫm lên nền đất rồi nói: “Nó hư, làm con mẹ ngã”. Cái nền đất nó ở đó từ bao đời, làm sao nó biết mà tránh đứa bé đi được. Lý ra người mẹ âu yếm chỉ rõ: “Là tại con đi không cẩn thận nên mới vấp ngã, lần sau chú ý nhé”, thì sẽ không hình thành bản tính thích đổ thừa, không chịu nhận trách nhiệm về mình ở trẻ.

 

Đơn cử trường hợp một “con giời” đi vào nhà trẻ, quen thói đành hanh ở nhà giành giật tất thảy mọi thứ với bạn, coi là của mình. Thế rồi “cao nhân tắc hữu cao nhân trị”, bị đứa trẻ khác ghê gớm hơn xông đến xô ngã, cướp lại, đau quá chỉ biết khóc kêu mẹ. Lúc đó bố mẹ đâu có ở bên mà giang tay cứu giúp.

 

Lại xét thêm tình huống nếu trẻ trở thành đứa du côn nhất kia, chiến thắng những đứa khác, không ngán sợ ai thì hẳn lớn lên sẽ ngày càng ngang ngược, khó dạy.  

 

Khi con còn bé, còn trong tầm kiểm soát mà không dạy dỗ, lớn lên thành kẻ mất dạy, còn đánh chửi cả người sinh ra mình.

 

Như trường hợp một ông con giai nói với bố: “Không nể mày là bố thì tao đánh chết lâu rồi”. Anh con trai kia đáng trách một nhưng người bố đáng trách mười. Ông ta ham mê rượu chè, hút hít, dạy dỗ con không chu đáo, luôn miệng huấn luyện “chẳng phải sợ thằng con nào hết”, để rồi “con hơn cha” nghiện ngập hút chích còn hơn bố và đến cả bố nó cũng chẳng ngán. Luân thường đạo lý bị chà đạp, kết cục nhà cửa rơi vào thế loạn.  

 

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Các đấng sinh thành hãy tự vấn mình trước khi trách móc con cái sao vụng về chẳng làm được gì nên hồn, không có hiếu, không biết thương bố mẹ…

 

“Nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng chính vì người lớn không hiểu, luôn chiều chuộng thậm chí cung phụng nên trẻ lớn lên mới đòi hỏi và tin rằng chúng nghiễm nhiên phải được hưởng các quyền lợi tối thượng. Những người như thế chỉ biết nhận, đâu có hiểu cho là như thế nào, sao có thể trở thành người nhân nghĩa, có ích cho xã hội!

 

Thảo Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm