Suy diễn sinh hiểu lầm nhau

Chuyện có vậy mà không hiểu sao, sáng sớm hôm sau, ông Vinh nghe tiếng chuông ra mở cửa thì thấy ngay ông thông gia: “Tôi phi xe từ 4 giờ sáng đấy. Phải mang cái xe máy này lên cho kịp giờ cháu Oanh đi làm ông ạ”.

Tối nay, ông bà Vinh - Thủy lại ăn cơm với nhau, vắng vợ chồng thằng Hiển. Vừa đơm bát cơm đưa chồng, bà Thủy vừa phàn nàn: “Thằng Hiển từ ngày lấy vợ đến giờ khác hẳn. Ít thích ăn cơm nhà, ít làm việc nhà, lại còn cái tội ngày nào cũng đưa đón vợ”. Ông Vinh nhẩn nha bảo: “Cái Oanh không có xe máy thì nó phải đón chứ sao?”. “Không phải nó không có xe máy, mà là có nhưng để lại nhà mẹ đẻ cho em gái đi. Tôi nghĩ rằng, đây là ý đồ giữ của mà nhà thông gia cố tình thực hiện đấy”, bà Thủy cướp lời.

Ông Vinh vẫn điềm tĩnh ăn cơm, không bàn thêm. Mãi rồi ông mới bảo: “Thôi, 2 đứa nó bây giờ có cuộc sống gia đình riêng, kệ chúng. Mình đừng can thiệp kẻo lại mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu”. Nhưng vợ ông không chịu im, bà Thủy vẫn kết luận: “Tất cả tại cái Oanh hết. Thằng Hiển nghe vợ nên mới thế. Nếu quá đáng là phải dạy chứ không thể im lặng cho chúng coi thường”.


Hóa ra, cả hai gia đình đều chưa hiểu rõ con mình (Minh họa: Thuần Phong)

Hóa ra, cả hai gia đình đều chưa hiểu rõ con mình (Minh họa: Thuần Phong)

Bà Thủy nói là làm. Một hôm, bà đột ngột gọi điện cho con trai: “Chiều nay hết giờ làm việc con về ngay đưa mẹ đi mua sắm mấy thứ nhé”. Hiển “vâng ạ” rất ngoan. Nhưng đúng 5 giờ chiều, có một anh xe ôm đến nhà bà: “Anh Hiển thuê cháu đưa đón bác đi siêu thị. Anh ấy bận tối mới về và không ăn cơm nhà ạ”.

Bà Thủy tức điên vì con trai nên không đi nữa. Tối, vợ chồng Hiển về đến nhà, bà liền gọi 2 đứa đến cảnh cáo: “Trước kia, anh Hiển không lơ là trách nhiệm với gia đình như bây giờ. Anh thường xuyên ăn cơm nhà, ngày nghỉ anh dọn dẹp nhà cửa giúp mẹ chứ không hay vui thú dã ngoại, đi xem phim nọ kia… Bố mẹ sai việc gì là làm ngay. Giờ có vợ, anh khác hẳn. Tôi rất buồn”. Hiển nhăn nhó: “Mẹ ơi, mẹ cứ quan trọng hóa vấn đề chứ con vẫn vậy, có khác gì đâu. Hôm nọ là vì đúng ngày chúng con đã hẹn đến thăm nhà thủ trưởng của con nên không dám hoãn. Con xin lỗi mẹ”. Lúc đó, Oanh mới lên tiếng: “Từ mai con sẽ đi xe buýt đi làm mẹ ạ, không để anh Hiển phải đón đưa nữa”. Nói rồi nàng dâu đi lên phòng.

Chuyện có vậy mà không hiểu sao, sáng sớm hôm sau, ông Vinh nghe tiếng chuông ra mở cửa thì thấy ngay ông thông gia: “Tôi phi xe từ 4 giờ sáng đấy. Phải mang cái xe máy này lên cho kịp giờ cháu Oanh đi làm ông ạ”.

Ông Vinh đoán sự việc đã phức tạp liền thanh minh: “Không có gì đâu, để cháu Oanh đi tạm mấy hôm rồi chồng nó sẽ mua cái xe máy mới ông ạ. Cứ để xe này ở quê cho các cháu nó đi”. Ông thông gia từ chối: “Nhà tôi có ai đi cái xe này đâu. Lần nào hai đứa về thăm, vợ chồng tôi cũng giục mang lên nhưng cái Oanh bảo: "Để chồng con đưa đón cho ngoan, kẻo hết giờ anh ấy hay đàn đúm bia bọt". Đêm qua, nó gọi bảo cần xe đi làm, tôi phải mang lên ngay đây. Ông đừng lo tôi mệt”.

Hôm ấy, bố Oanh ở lại chơi với vợ chồng ông Vinh - bà Thủy đến trưa. Lúc 3 người ngồi ăn cơm, bố Oanh nói nửa đùa nửa thật: “Bà nhà tôi cứ phàn nàn rằng từ ngày đi lấy chồng, cái Oanh lơ đãng hẳn tình cảm với gia đình. Ít về thăm bố mẹ hơn hồi học đại học. Hôm mẹ nó bị cảm đột ngột, tưởng nguy cấp, gọi điện thế mà nó dám bảo: "Để con bàn với chồng con xem về thế nào". Mẹ nó tức quá bảo: "Thôi, đợi bao giờ mẹ chết về đưa ma một thể". Chiếc xe máy này không đi, tôi đã mấy lần bảo bán lấy tiền mua cái khác nhưng lần nào nó cũng bảo: "Để con hỏi chồng con đã". Ô hay. Cái xe máy tôi mua cho nó, giờ đổi xe cũng là quyền của nó chứ. Sao cứ phải hỏi chồng?”.

Bố Oanh nói đến đó làm ông bà Vinh - Thủy phì cười. Tiếng cười ấy, bố Oanh nghĩ là vô tư, buồn cười thì cười. Nhưng ông không biết rằng ông bà Vinh - Thủy đang cười chính cả mình. Vì họ cũng đã nghĩ sai về con dâu và con trai họ.

Theo Hạnh Mi
Phụ Nữ Việt Nam