Sướng mà không biết hưởng?

Ai cũng tưởng họ sung sướng vì không phải đi làm, tiền bạc được chu cấp đầy đủ nhưng thực tế không phải vậy.


Sướng mà không biết hưởng?



Thỉnh thoảng, tôi hay nhận được tin nhắn của chị: “Em rảnh không, ghé nhà chị chơi”. Tôi biết ngay là chị có chuyện cần tâm sự. Chị, một phụ nữ 32 tuổi, 2 con, nhà 3 lầu, chồng làm phó tổng giám đốc một công ty xây dựng nhưng vẫn than: “Ai cũng cho rằng chị sướng mà không biết hưởng. Có ở nhà như chị mới hiểu được nỗi buồn của người làm nội trợ”.

Trong chăn mới biết có rận

Chị tốt nghiệp khoa báo chí, từng đi làm báo rồi PR cho một tổng công ty. Chị kể lúc ấy, cuộc sống thật vui và thú vị, chị đi công tác liên miên, bận túi bụi với công việc. Mọi thứ dần thay đổi từ khi chị lấy chồng. Một đứa rồi 2 đứa con ra đời. Con chị kén ăn, hay ốm vặt nên chồng chị động viên: “Em nghỉ hẳn ở nhà lo cho con. Không ai chăm con tốt bằng mẹ”.

Cuộc đời chị sang trang khác khi suốt ngày quẩn quanh trong nhà, hết đút cho con lớn ăn rồi dỗ con nhỏ ngủ. Chị chỉ mong mau đến chiều chồng đi làm về để tâm sự. Vậy mà anh chẳng hiểu, còn nói: “Có ai được như em không, chồng không nhậu nhẹt, gái gú, tiền đem hết về cho vợ mà vẫn than”. Anh đâu biết chị thèm một công việc, thèm được giao tiếp với xã hội.

Chị Ngọc Hà, nhà ở quận Bình Thạnh - TPHCM, cũng có nỗi buồn không biết chia sẻ cùng ai. Tình cờ gặp nhau tại trung tâm giới thiệu việc làm của quận, chị cho biết trước đây làm kế toán của một công ty xuất nhập khẩu, thu nhập cũng khá. Vậy mà, sinh con rồi chị nghỉ hẳn ở nhà chăm con vì nội, ngoại hai bên chẳng giúp được. Đến khi thằng bé 1 tuổi, chị định gửi nhà trẻ để đi làm trở lại thì con ốm đau liên miên. Chồng chị động viên: “Em ở nhà thêm 1 năm nữa cho con cứng cáp hẳn”. Con được 2 tuổi rồi 3 tuổi thì đến lúc chị không xin được việc làm vì bỏ quá lâu.

“Mẹ nội trợ mà biết gì”!

Chị Hạnh, chị họ của tôi, nhà ở quận Thủ Đức - TPHCM, kể trong nước mắt: “Chị phải kiếm việc gì làm thôi, dù ít tiền một chút cũng được, để con khỏi xem thường”. Chuyện là hôm trước, trong giờ ăn cơm, bé My, con chị, thỏ thẻ: “Ba ơi, cuối tuần này đi họp phụ huynh cho con nha”. Anh Dũng, chồng chị, nói: “Cuối tuần này ba đi công tác rồi, để mẹ đi họp”. Con bé phụng phịu: “Mẹ nội trợ mà biết gì…”.

Chị ngồi chết lặng. “Con bé đâu biết ở nhà chị làm hàng tá việc không tên: đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, quét dọn, ủi từng tấm quần, cái áo để cho cha con nó ra ngoài sạch sẽ, thơm tho. Vậy mà trong mắt nó, mẹ chẳng là cái gì” - chị khóc tấm tức.

Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thu Mai kể một trường hợp tương tự. Mỗi lần chị Thu, nhà ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân - TPHCM, nhắc đến chuyện đi làm là anh Minh, chồng chị, nói ngay: “Em cứ ở nhà, anh sẽ đưa gấp đôi tiền lương công ty trả cho em”. Nghe nói thế, chị đành yên phận mẹ hiền, vợ đảm với công việc nội trợ, đưa đón con. Có lần, đón con về tới nhà, chị chết lặng khi nghe con nói: “Tới nhà của ba rồi”. Chị cố ý đùa với con: “Sao là nhà của ba? Nhà này của mẹ chứ?”. Con bé cãi lại: “Ba bảo nhà này là nhà ba, ba đi làm kiếm tiền mua. Mẹ có đi làm đâu, lấy gì mà mua?”. Với suy nghĩ “trong mắt chồng con, mình chẳng được cái tích sự gì cả” nên lâu ngày, chị Thu bị stress nặng.

Làm việc không chỉ để kiếm tiền

“Khi tôi sinh con, chồng cũng động viên tôi nghỉ hẳn ở nhà vì thu nhập của anh dư sức nuôi 2 mẹ con. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng sắp xếp để đi làm. Dù lương chỉ đủ trả cho người giúp việc và mua được một lon sữa cho con nhưng tôi vẫn vui. Công việc không chỉ là thu nhập mà còn là kênh để giao tiếp với xã hội, cho tôi bạn bè, kiến thức, sự tự tin... Nếu chị em nào không thể đi làm thì nên sắp xếp làm thêm ở nhà: thiết kế, buôn bán trực tuyến, làm sổ sách... Cảm giác được tiêu những đồng tiền do mình làm ra không có gì vui bằng” - chị Minh Anh, nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 - TPHCM, tâm sự.

Theo NLĐ