Sự thật chuyện chồng Tây, vợ Tây

Nhiều người phất lên nhờ lọt mắt xanh các chàng Tây nhưng rồi hồi kết của những cảnh đời làm dâu Tây, rể Tây thật ngậm ngùi.

Vợ chồng nói chuyện... bằng tay!

 

Đã gần 12h trưa, song bà Đỗ Thị Tràng vẫn sốt sắng chạy chiếc Chaly cũ kỹ tới Công an phường Cẩm Phô, Hội An (Quảng Nam) để dẫn đường cho chúng tôi về nhà tại khu phố mới nằm ở bờ nam sông Hoài.

 

Nếu không có sự giới thiệu của các cán bộ Công an phường Cẩm Phô thì tôi khó có thể nhận biết người đàn bà giản dị với bộ đồ bà ba in hoa đã phai màu, có nước da ngăm đen, gương mặt hằn in bao vất vả, nhọc nhằn này là một cô dâu... Tây.

 

Nhưng chưa hết. Vào nhà bà Tràng, tôi ngạc nhiên hơn khi bắt gặp một ông Tây tuổi đã 75, người héo quắt, dò dẫm từng bước, chập chững như trẻ mới tập đi.

 

Bà Tràng cười gượng giới thiệu: “Ổng là chồng tui đó. Ổng bị bệnh ung thư tuyến tiền liệt hơn 10 năm nay rồi. Tui tưởng ổng “đi” hôm tết rùi, may mà qua được”.
 
Sự thật chuyện chồng Tây, vợ Tây - 1

Bà Tràng khua tay nói chuyện với chồng bằng vốn tiếng Anh ít ỏi.

 

Gương mặt bà Tràng bỗng chùng xuống, hai mắt đỏ hoe, giọng nghẹn lại: “Nếu không có ổng chắc tui không sống như bây giờ”. Ông già ngoại quốc da trắng, tóc bạc, thở khò khè, hết nhìn bà Tràng rồi quay sang nhìn tôi. Thấy vậy, bà Tràng lắc đầu nói: “Ổng không biết tiếng Việt. Mỗi khi nhà có khách tui nói chuyện thì ổng ngồi ngóng rứa chứ không biết chi hết mô”.

 

Tôi tò mò muốn biết vốn tiếng Anh trong giao tiếp của bà Tràng với ông chồng, tôi bảo bà ta nói với ông Tây rằng tôi muốn nghe về câu chuyện tình yêu của họ. Bà Tràng dịch lại bằng tiếng Anh bồi. Vừa dịch bà vừa khua tay phụ họa, chẳng khác cô giáo dạy trẻ câm, điếc. Ông Tây chăm chú nhìn bà Tràng, lắng nghe. Và, khuôn mặt trắng bệch do bệnh tật từ từ đỏ rần.

 

Ông chồng Tây của bà Tràng có tên họ đầy đủ ghi trong passport là Kiell Hakansson, quốc tịch Thụy Điển, sinh năm 1935. Theo lời kể của bà Tràng, năm chưa tròn tuổi 30, bị chồng phụ bạc nên bà phải ra tòa ly hôn, rồi dẫn 2 con dại vào Nam kiếm sống. Xa xứ, sống cơ cực một thời gian thấy không ổn, bà lại dẫn 2 con quay lại quê nhà, mua một chiếc thuyền nhỏ để 3 mẹ con làm nhà tá túc, hằng ngày chèo đò gạnh (loại thuyền chỉ một người chèo, chở tối đa 2 khách) chở khách Tây đi thăm thú cảnh sông nước Hội An để kiếm tiền đong gạo nuôi sống gia đình, lo cho các con ăn học. Cuộc sống lênh đênh trên sóng nước sông Hoài cho đến năm 37 tuổi thì bà gặp ông Kiell...

 

Lúc đó, nhờ đứa con gái đầu học lớp 8 đã biết giao tiếp bằng tiếng Anh bày lại nên bà đã có chút vốn tiếng bồi mời khách Tây đi đò gạnh. Và ông Kiell, lúc đó cũng đã bước vào tuổi 65. Thế nhưng, đến Hội An du lịch, tình cờ gặp bà chèo đò gạnh nghỉ chờ khách trên bến sông, ông ta cứ đứng tần ngần nhìn mãi. Bà Tràng mời thế nào ông cũng lắc đầu cười tủm tỉm. Cho tới lúc chuẩn bị quay về khách sạn, ông Kiell mới buông câu: “Anh thích em!”.

 

Thấy ông khách Tây cao to tỏ tình, bà Tràng cố nhịn cười bảo, nếu mai ông quay lại đi đò thì mới nói chuyện ấy. Ai ngờ ông Kiell quay lại thiệt. Bà Tràng nhiệt tình chở ông Kiell đi thăm thú miền sông nước từ phố cổ Hội An rồi chở về chiếc thuyền là nhà ở của mình neo đậu bên cồn Cẩm Nam. Biết chuyện bà Tràng đã ly dị chồng, ông Kiell càng tỏ quyết tâm...

 

Qua đôi lần tiếp xúc với ông Kiell, bà Tràng mới hay, ông là kỹ sư lắp máy đã có gia đình với 2 đứa con ở Thụy Điển, nhưng đã ly dị vợ, sống độc thân gần 30 năm. Một năm sau lần tỏ tình trên bến sông Hoài, ông Kiell tổ chức đám cưới với bà Tràng. Sự kiện một ông Tây đã 66 tuổi cưới người đàn bà tuổi 38, chèo đò gạnh làm vợ, cũng đã làm xôn xao phố Hội...

 

Bà Tràng âu yếm nhìn ông Kiell rồi kể tiếp rằng, sau đám cưới, được sự chu cấp của ông Kiell nên cuộc sống của mẹ con bà không còn vất vả nữa. Cũng bằng tiền của ông Kiell, bà mua đất xây ngôi nhà hai tầng khang trang, bề thế ở tổ 4, khối 2, phường Cẩm Phô, bước chân vào giới kinh doanh buôn bán bất động sản... Không còn là người đàn bà chèo đò gạnh khổ cực năm nào, cách ăn mặc, đi đứng ra dáng đại gia và những chuyến từ thiện đây đó của bà Tràng khiến không ít người thèm thuồng, ao ước...

 

Nhưng, “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật muôn đời của con người. Lúc lấy bà Tràng làm vợ, ông Kiell đã mang mầm bệnh ung thư tuyến tiền liệt, do đó qua tuổi 70 thì căn bệnh càng thêm nặng, tiền của ông Kiell mang sang, bà Tràng phải tập trung vào chữa bệnh cho ông. Thêm vào đó, bà Tràng lại bị “sập hầm” trong kinh doanh bất động sản, nợ nần chồng chất. May mà ông Kiell không biết tiếng Việt, vốn tiếng Anh cũng không nhiều nên ông vẫn bình thản sống với bà Tràng ngay cả lúc bà bị con nợ vây quanh.

 

Tôi tò mò hỏi bà Tràng về cuộc sống gia đình của bà với ông Kiell trong 10 năm qua, bà lại cười gượng bảo: “Thì tui nói tiếng bồi, chữ nào ổng không hiểu tui lại khua tay phụ họa sao cho ổng hiểu mới thôi. Sống với tui, suốt ngày ổng quẩn quanh trong nhà, tới bữa ăn cơm, rồi xem tivi và đi ngủ. Ổng sống bằng nguồn tiền bảo hiểm...”.

 

Một người đàn bà chèo đò lực lưỡng ở tuổi còn xuân và một ông Tây đã gần đất xa trời, giao tiếp với nhau chỉ bằng tiếng Anh bồi chưa thạo thì cũng đủ hiểu nguyên nhân nào gắn kết họ thành vợ, thành chồng...

 

Kết hôn với người ngoại quốc - lộc giời hay bất hạnh?

 

Con gái Hội An lấy chồng Tây đông nhất vẫn là người của làng chài An Hội xưa - một làng chài nhỏ bé ở bờ Nam sông Hoài, đối diện với phố cổ, nhếch nhác trong nghèo khó bao đời. Nhưng từ khi làng chài An Hội cổ xưa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới thì nó trở thành một trong những điểm đến tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước, nhất là lúc Hội An “lên đời” là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam, thì làng chài An Hội cũng đổi khác.

 

Trung tá Nguyễn Văn Tâm, Phó trưởng Công an phường Minh An, rất khách quan khi nói rằng, khối phố An Hội và Đồng Hiệp ngày càng phát triển phồn thịnh là có sự đóng góp của những người có chồng Tây, vợ Tây... Bởi, có không ít người trong số họ là chủ nhân của những ngôi biệt thự nguy nga tráng lệ, những nhà hàng sang trọng, có đường nét kiến trúc cổ, bên trong đầy đủ trang thiết bị hiện đại, ngày ngày mở cửa đón khách du lịch thập phương...

 

Khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, khách nước ngoài đến tham quan ngày một đông thì các cô vốn lam lũ, một chữ bẻ đôi không biết, cũng thích nghi bằng cách tự trang bị cho mình “vốn” tiếng bồi để gặp khách Tây thì bán hàng lưu niệm, dắt mối cho các hiệu vải, nhà hàng...

 

Và, với những cuộc gặp gỡ, giao tiếp ấy, tình cờ họ lọt vào “tầm ngắm” của các ông Tây, bà Tây; chủ yếu là những người cao tuổi, gặp trắc trở về đường hôn nhân. Các ông Tây, bà Tây luống tuổi, đã năm lần bảy lượt ra tòa ly dị, chán nản đi du lịch đó đây cho khuây khỏa, bỗng chốc có được chỗ để “hạ cánh” cuối đời, lại danh nghĩa chồng, vợ thì sướng rơn.

 

Ngược lại, các cô gái, chàng trai xứ ta vì kế mưu sinh mà lăn lộn trên phố, bất ngờ kiếm được ông Tây làm chồng, bà Tây làm vợ coi như cũng đã gặp... hên. Rõ ràng, những mối lương duyên chồng Tây, vợ ta; hoặc chồng ta, vợ Tây kiểu đó không thể mang tình yêu ra biện luận. Nói chính xác là nó xuất phát từ chỗ tìm “chỗ dựa” lẫn nhau.

 

Thế nhưng, có không ít cô lấy chồng Tây, thoát xác thành... đại gia, thành những trùm buôn bán bất động sản đã vội vênh váo, thẳng thừng rằng, họ có chồng Tây như được “lộc giời”.

 

Tuy nhiên, cái lý luận lấy chồng Tây là được “lộc giời” cũng chỉ để che giấu những bất hạnh mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu được. Bởi lẽ, những cô gái xấu xí, chưa bao giờ học qua lớp vỡ lòng, lấy chồng Tây với chỉ tiếng bồi làm vốn liếng mà “tòng phu” sang Pháp, Bỉ, Mỹ, Anh... thì khó thể hòa hợp được cuộc sống hiện đại, văn minh ở xứ người. Bất đồng ngôn ngữ, phong tục, tập quán... sẽ dẫn đến bao hệ lụy trong sinh hoạt hằng ngày.

 

Cuối cùng đã có không ít cô sang làm dâu xứ người một thời gian sau quay về quê nhà sống trong cảnh đơn chiếc, ngậm ngùi. Lúc bấy giờ, họ mới hiểu ra rằng, ngôi biệt thự sang trọng, nhà tầng bề thế, tiệm vải, cửa hàng lớn mà họ tậu được bằng tiền dành dụm, tiền “moi” được trong thời kỳ ở với chồng Tây cũng đâu thể bằng tình nghĩa vợ chồng, hạnh phúc gia đình mà bao người phụ nữ Việt Nam ở quê hương có được...

 

Oái oăm hơn là chuyện anh Cu Lớn được mẹ nuôi là người Tây hơn gần 20 tuổi lấy làm chồng. Chuyện này dường như ở phố cổ Hội An ai cũng biết, và đều lắc đầu ngao ngán.

 

Cu Lớn là con một gia đình nghèo ở xóm chài, không được học hành, tuổi niên thiếu chỉ biết bu bám khách Tây tới Hội An để bán đồ lưu niệm kiếm sống. Bỗng một hôm có một phụ nữ người Pháp chọn Cu Lớn làm con nuôi dẫn về Paris. Gia đình và bà con xóm chài nghèo khó ai cũng mừng cho Cu Lớn gặp vận may, nào hay khi anh ta tới tuổi trưởng thành lại “hồi hương” cùng với 2 đứa con lai bé xíu. Khi biết vợ anh ta cũng chính là mẹ nuôi, ai cũng tá hỏa...

 

Có người cho rằng trong số hơn 150 cô gái bên dòng sông Hoài, hầu hết đã đăng ký qua Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam lấy chồng Tây, có nhiều cô hạnh phúc trong tổ ấm gia đình. Thực ra đó là cái nhìn phiến diện, lệch lạc về ý nghĩa hạnh phúc gia đình.

 

Vì, đơn giản rằng, hạnh phúc hôn nhân không thể đo đếm bằng tiền, càng không thể định giá nó là biệt thự, nhà hàng... Hiểu được điều đó mới biết do đâu có những kết cục chua chát từ những cuộc hôn nhân Tây - ta hết sức quái gở kia.

 

Theo Long Vân

CAND