Sự đã rồi
Ngày nay, hầu hết các bạn trẻ đều tự do chọn người bạn trăm năm của mình. Tuy nhiên, không phải sự lựa chọn nào của họ cũng được gia đình ủng hộ. Vẫn còn nhiều bậc cha mẹ quyết liệt phản đối khi con có sự chọn lựa không đúng ý mình.
Hạ sách…
Yêu nhau được ba năm, Trung đưa Mai về ra mắt gia đình. Mẹ Trung không chấp thuận cho Trung cưới Mai. Dù bị mẹ cấm đoán nhưng Trung và Mai vẫn qua lại với nhau. Không có cách nào cắt đứt được quan hệ của con trai, gặp ai mẹ Trung cũng rêu rao bêu xấu gia đình Mai. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, lại thấy bà cầm thiệp cưới của Trung và Mai đi mời họ hàng trước sự ngạc nhiên của nhiều người.
Ngày rước dâu, nhà trai bắt cô dâu bước qua một cái lò lửa đặt trước cửa, mọi người mới biết Mai đã có thai hơn ba tháng. Trước mặt bá quan hai họ, Mai ngượng nghịu, miễn cưỡng bước qua. Họ hàng nhà gái thì tức tối bỏ ra về khi còn chưa làm xong lễ gia tiên. Sau khi cưới, Trung và Mai không có một ngày vui vẻ, chuyện cái lò lửa trở thành đề tài cãi nhau thường xuyên của đôi vợ chồng trẻ. Mai chì chiết chồng vì đã để cho gia đình “làm nhục” mình trước mặt họ hàng. Làm dâu chưa đầy một tháng Mai đã khăn gói về nhà mình, tuyên bố sẽ ly hôn nếu Trung không đi theo mình.
Thủy và Khanh đã yêu nhau hơn 5 năm nhưng gia đình Khanh vẫn không chấp nhận cưới Thủy. Ban đầu, mẹ Khanh còn nhẹ nhàng khuyên bảo con trai, nhưng rồi thấy không lay chuyển được, bà chuyển sang răn đe, cấm đoán. Biết chuyện gia đình Khanh ngăn cấm con trai, mẹ Thủy đâm ra tự ái, cũng cấm luôn con gái không cho qua lại với Khanh. Bất chấp mọi ngăn cản, hai bạn trẻ vẫn đến với nhau. Khi Thủy có thai, mẹ Khanh đành bóp bụng sang nhà Thủy nói chuyện. Sắp đến ngày cưới, mẹ Khanh tuyên bố thẳng thừng sẽ không rước dâu. Gia đình Thủy ngậm bồ hòn làm ngọt vì con gái… trót dại. Mỗi ngày làm dâu đối với Thủy là một ngày cực hình, vì mẹ Khanh luôn lấy chuyện Thủy có thai trước ra hoạnh họe, chê bai, bóng gió về sự nết na của người con gái.
Mặc cho cha mẹ hết la mắng, chửi bới rồi tuyên bố từ con, Sơn vẫn đưa Thanh ra ngoài thuê nhà sống chung với nhau. Gia đình Thanh tuy không cấm đoán con gái nhưng hết lời khuyên ngăn, Thanh cũng bỏ ngoài tai mà theo Sơn. Cả hai hy vọng một thời gian sau, khi thấy họ chung sống hạnh phúc, cha mẹ Sơn sẽ hiểu, nguôi ngoai cơn giận và chấp nhận cuộc hôn nhân đó.
...và những nỗi đau
Không phải lúc nào việc đặt cha mẹ trước sự đã rồi của các bạn trẻ cũng có được kết quả như mong muốn. Hôn nhân không chỉ phụ thuộc vào tình yêu của hai con người mà còn cần đến những mối quan hệ mật thiết với họ hàng, gia đình hai bên.
Mai kể, cô không sao quên được những câu mắng nhiếc của mẹ Trung dành cho cô lúc biết cô mang thai. Những ác cảm đó đeo đẳng khiến Mai không sao gần gũi thân thiện được với mẹ chồng. Giận mẹ của Trung một, Mai càng giận Trung đến mười: “Anh ấy nói đã nghĩ ra cách để thuyết phục mẹ nhưng cuối cùng tôi vẫn bị mọi người khinh khi, trong khi anh ấy không hề lên tiếng bênh vực”.
Sau khi Mai bỏ đi, Trung vì không thể bỏ vợ con nên phải khăn gói theo vợ. Mẹ Trung đành thở dài nhìn đứa con trai một đi ở rể. Những ngày sống bên vợ, Trung luôn trong tâm trạng mệt mỏi vì chuyện cái lò lửa lại bị Mai và gia đình Mai tiếp tục đem ra chỉ trích mỗi ngày. Chán chường, Trung sinh ra rượu chè bê tha. Khi đứa con lên hai tuổi, cũng là lúc họ đưa nhau ra tòa.
Ấm ức trước thái độ của mẹ Khanh, Thủy cũng bắt đầu điệp khúc ca cẩm mẹ chồng. Đi đâu, gặp ai Thủy cũng luôn bắt đầu bằng cụm từ “bà má chồng tôi”. Có chồng đi cùng, Thủy cũng mặc kệ, làm Khanh không ít lần bẽ mặt với bạn bè. Khanh khuyên vợ thì vợ chồng lại lục đục. Mẹ Khanh ác cảm với con dâu nên ngày càng khó chịu hơn, tìm đủ mọi cách để bắt bẻ. Đỉnh điểm là khi con mới bảy tháng tuổi, Thủy đã mang về gửi mẹ ruột mình nuôi, cô một mình ra ngoài thuê phòng ở.
Riêng Thanh thì mãi mãi không đợi được đến cái ngày gia đình chồng mở rộng vòng tay đón nhận. Không chỉ vậy, cô còn mất luôn cả người chồng thương yêu của mình. Từ ngày có thai Thanh không đi làm, chi tiêu trong gia đình đều dồn hết lên vai Sơn. Cận kề ngày Thanh sinh, trong nhà không còn một đồng. Túng quẫn, Sơn nghe theo một người lạ gạ gẫm đi bán nội tạng. Trở về, Sơn mang bệnh nặng, con chưa kịp chào đời, cha đã qua đời. Cha mẹ Sơn càng thêm oán giận “con dâu” và cũng không muốn nhìn mặt đứa cháu nội.
Đi đâu mà vội mà vàng
Bạn Nguyễn Ngọc Thanh (Trường mầm non 5, Q.Tân Bình, TPHCM) tâm sự, trước đây bạn và người yêu cũng từng bị gia đình cấm đoán khi đến với nhau. “Lúc đó tôi rất tuyệt vọng. Bạn bè đã khuyên chúng tôi nên có với nhau một đứa con rồi về thuyết phục gia đình. Tôi cũng bị lung lay lắm, nhưng may là do công việc của tôi và người yêu khi đó chưa ổn định nên cả hai đều e dè. Sau đó, chúng tôi đã chọn phương án là mưa dầm thấm lâu. Đến nay, gia đình đã chấp nhận và chúng tôi rất hạnh phúc. Tôi nghĩ, khi gia đình không chấp nhận chắc chắn phải có một nguyên nhân nào đó. Mình phải tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân, rồi từ đó mà tìm cách khắc phục để làm thay đổi suy nghĩ đó. Thời gian và sự kiên nhẫn cũng là thước đo và sự thử thách trong tình yêu. Đừng đặt gia đình vào sự đã rồi vì không ai làm một việc miễn cưỡng mà vui cả”.
Chị Mai Thương (Q.3) kể, chị đã từng bị sốc đến mức phải vào bệnh viện khi cậu con trai đưa về nhà cô người yêu mà chị đã phản đối, nói chị xin cưới vì hai người đã lỡ có bầu với nhau. “Dù chấp nhận nhưng khi đó tôi không thấy chút thiện cảm nào với con dâu. Tôi nghĩ, một người con gái tự trọng sẽ biết cách thuyết phục gia đình chồng chứ không hành động thiếu tôn trọng người khác như vậy”. Theo chị, khi cha mẹ đã phản đối hôn nhân mà con cái cố tình có bầu hoặc tự ý sống với nhau để gây sức ép, buộc cha mẹ miễn cưỡng cho cưới hỏi thì đó không phải là cách thuyết phục mà là một sự chống đối. Điều đó chỉ làm cho cha mẹ thêm tức giận và tự ái vì không được tôn trọng.
Nhìn cảnh chị Thanh Loan (Q.12) ân cần chăm sóc cô con dâu vừa mới sinh, ít ai biết trước đây chị từng phản đối kịch liệt khi con trai chị đòi cưới cô ấy. Chị kể, lúc đó chị không chấp nhận Hằng - cô con dâu, vì cha mẹ của Hằng đã ly hôn. Với tâm lý “mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng” chị ngại ly hôn cũng… di truyền nên cương quyết phản đối. Để chia cắt, chị đã bắt con trai phải đi du học. “Thời gian con trai tôi đi du học, tôi luôn theo dõi xem chúng nó có liên lạc với nhau không. Không theo dõi được chúng nhưng vô tình tôi theo dõi được cô gái đó. Suốt ba năm con tôi đi học, nó vẫn một bóng đi về. Tôi nhiều lần đến gặp nó trách mắng, đề nghị cắt đứt nó vẫn nhẫn nhịn chờ đợi. Chính sự chung thủy và tính chịu đựng đó đã thuyết phục được tôi”.
Khi yêu nhau, không ai muốn tình yêu của mình bị ngăn cản và nếu lỡ bị phản đối, tất nhiên ai cũng muốn tìm mọi cách để vượt qua. Thế nhưng, thay vì kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi của cha mẹ, thì với suy nghĩ nông nổi, các bạn trẻ lại chọn phương án đặt cha mẹ vào sự đã rồi. Cách này có thể “được việc” ban đầu nhưng lại kéo giãn khoảng cách trong gia đình và làm mất điểm trong mắt cha mẹ. Vì vậy, thay vì nỗ lực giành lấy hạnh phúc, chính các bạn lại vô tình đánh mất hình ảnh đẹp và hạnh phúc của mình.
Theo Xuyến Chi
PNO