Sóng gió gia đình, xử trí làm sao?

(Dân trí) - Sóng gió trong đời sống vợ chồng là điều khó tránh khỏi, nhưng nếu ứng xử không khéo, có khi lại “tan đàn xẻ nghé” chỉ vì một lý do cực “chuối”. Khi có mâu thuẫn, nếu như một trong hai người biết nhịn và xử trí đúng lúc thì nguy cơ tan vỡ sẽ được giải toả ngay.

Vậy phải làm gì để giảm thiểu hoặc ngăn chặn tình huống này?

 

Không khơi gợi lỗi lầm trong qua khứ

 

Khi gia đình đang xảy ra tranh cãi, sai lầm của một số đức ông chồng hoặc các bà vợ là nhắc lại chuyện đã diễn ra trong quá khứ, mà không nghĩ đến tác hại của nó trong hoàn cảnh hiện tại. Nếu như chồng (vợ) bạn cứ cố tình đi sang đề tài khác thì bạn hãy hướng về đề tài cả hai đang tranh cãi, đừng quá gay gắt mà hãy xem như cả hai đang cùng thảo luận về một vấn đề nào đó.

 

Thảo, một nhân viên văn phòng vừa mới ly hôn, cay đắng nói rằng: “Chỉ vì “chạnh chọe” nhau mỗi chuyện ai sẽ gấp quần áo cất vào tủ lúc cuối ngày, thế mà hai vợ chồng tôi lôi cả chuyện từ ngày xửa ngày xưa “cô yêu ai, tôi yêu ai” ra. Không ai kìm nén được mình. Hậu quả là chúng tôi chia tay nhau khi trong lòng không muốn thế. Tôi vẫn còn rất yêu anh ấy”.

 

Không ám chỉ chuyện xa nhau

 

Nếu bạn ám chỉ chuyện xa nhau trong khi tranh cãi, kiểu như: “Tôi sẽ về nhà mẹ tôi cho anh biết tay”, hoặc “Chúng ta không hợp nhau đâu, chúng ta hãy chia tay”. Thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn không hiểu, không còn yêu người ta nữa.

 

Nếu có thể thì bạn hãy nói đến tương lai, nói đến những điều tốt đẹp, hoặc xoá tan bầu không khí căng thẳng đó bằng một vài câu chuyện hài hước, điều đó sẽ làm giảm sự bất đồng, tăng thêm tình yêu của bạn dành cho một nửa của mình.

 

Đừng bao giờ đe dọa dùng vũ lực

 

Mục đích của các cuộc tranh cãi là để cho vợ chồng hiểu nhau hơn, nên nếu như bạn đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực trong khi tranh cãi thì có nghĩa là bạn đã thể hiện sự yếu kém về khả năng thuyết phục.

 

Đe doạ dùng vũ lực, hoặc dùng vũ lực không những không giải quyết được vấn đề gì mà còn có nghĩa là phạm pháp đấy, bạn biết không?

 

Chấm dứt tranh cãi càng nhanh càng tốt

 

Trong lúc tranh cãi có thể “quá đà”, “dây cà ra dây muống”, cuộc tranh cãi của hai vợ chồng bạn kéo dài dai dẳng từ ngày này qua tháng khác vì ai ũng muốn cố giành phần thắng về phía mình. Vì vậy, để tiết kiệm thời gian, hạn chế những điều đáng tiếc xảy ra thì hãy cố gắng sao cho cuộc “tranh giành quyền lợi” này kết thúc càng nhanh càng tốt, nếu không, bầu không khí u ám sẽ bao phủ ngày càng dày hơn trong gia đình bạn đấy.

 

Phương, một nhân viên PR tâm sự: “Mình biết là nếu tranh cãi lâu thì sẽ chẳng có ích lợi gì trong khi cả hai vợ chồng đều đang nổi nóng. Vậy là, tính ứng dụng nghề nghiệp được đưa ra, mình bảo: “Thôi, vấn đề này chúng ta sẽ cùng bàn luận lại sau anh nhé!”, chồng mình đồng ý cái rụp. Không ngờ, áp dụng lý thuyết vào thực tế lại hiệu quả đến vậy”.

 

Đừng bỏ đi trong lúc tranh cãi

 

Nếu như vợ hoặc chồng bạn bỏ đi trong khi bạn đang nói, thì có nghĩa là họ không thèm nghe, không thèm để ý gì đến những lời nói của bạn chứ chẳng có hàm ý nào khác nữa đâu.

 

Việc làm này chỉ càng làm tăng thêm sự bực tức của “đối phương”, bởi vì trong đầu họ lúc ấy chỉ có ý nghĩ là: “À, mình nói cho “nó” hiểu, thế mà “nó” không thèm nghe”. Vì vậy, bạn đừng bỏ đi, mà hãy cố nán nghe cho hết, rồi thuyết phục “đối phương” theo ý kiến của mình để đạt được kết quả tốt nhất.

 

Tối kỵ tranh cãi nơi công cộng

 

Cãi nhau nơi công cộng chỉ càng làm giảm uy tín của bạn cũng như của vợ chồng bạn vì khi đó, với nỗi bực tức trào dâng trong lòng, bạn sẽ không ngại ngần lôi hết những tật xấu mà chỉ “nằm trong chăn mới biết chăn có rận” cho tất cả “bàn dân thiên hạ” được tỏ tường.

 

Khi đó, “đối phương” chắc chỉ mong đất nứt ra một cái lỗ để chui xuống? Vậy hãy đặt mình vào vị trí của người đối diện, để tận hưởng cảm giác ấy, bạn sẽ biết mình phải làm sao?

 

Và quan trọng là, giữa chốn công cộng, hãy xử sự như một người có văn hoá.

 

Đinh Hương