Sốc xu hướng gia đình hiện đại: Hôn nhân "tạm thời"

"Nếu thấy hôn nhân không hạnh phúc, không hòa hợp, thì sau 2 năm, bạn chỉ việc chấm dứt hôn nhân một cách đơn giản, không phải trải qua quá trình đau đớn của ly hôn" - quan điểm hôn nhân quá mới mẻ này có thể gây sốc cho nhiều người.

Toàn cảnh bức tranh hôn nhân trên thế giới ngày nay cho thấy những cuộc hôn nhân đổ vỡ trong một hai năm đầu lên đến 30% tổng số các vụ ly hôn.

Từ thực tế đó, các quan chức Mexico mới đề xuất bổ sung vào dự luật dân sự của quốc gia này một điều khoản "hôn nhân tạm thời" (temporary marriages). Theo dự luật này vợ chồng có thể chia tay hoàn toàn hợp pháp sau một thời gian chung sống ít nhất là 2 năm. Hợp đồng hôn nhân sẽ được ghi rõ tất cả các chi tiết khi ly hôn như con cái ai nuôi? Tài sản phân chia thế nào? Và ai sẽ trả tiền hỗ trợ nuôi con?

Với hôn nhân tạm thời, mọi người tự đến khắc đi khi không còn hạnh phúc.
Với hôn nhân tạm thời, mọi người tự đến khắc đi khi không còn hạnh phúc.

Tất nhiên nếu sau 2 năm, vợ chồng vẫn muốn sống với nhau thì xin gia hạn giấy phép hôn nhân thêm 2 năm nữa, rồi lại 2 năm nữa ... Trái lại những người không muốn kéo dài cuộc hôn nhân, có thể chia tay không cần bất kỳ giấy tờ nào của pháp luật nữa.

Bà Leonel Luna, một đại diện Đảng Dân chủ Cách mạng của Mexico giải thích: "Nếu thấy hôn nhân không hạnh phúc, hoặc không hòa hợp, thì sau 2 năm, bạn chỉ việc chấm dứt hôn nhân một cách đơn giản, không phải trải qua quá trình đau đớn của ly hôn".

Tuy nhiên đạo Thiên Chúa không chấp nhận ly hôn mà số người theo Công giáo ở Mexico lại rất đông nên không có gì ngạc nhiên khi Giáo Hội nước nàẩn đối kịch liệt dự luật đổi mới này. Họ cho rằng đây là một cải cách tiêu cực và trái với bản chất của hôn nhân.

Ông Hugo Valdemar, phát ngôn viên của giáo phận Mexico cho rằng: "Đây là một cải cách vô lý. Nó chỉ phù hợp với những ai muốn biện minh cho hành vi vô trách nhiệm và vô đạo đức của họ".

Trong khi những người chủ trương hôn nhân có thời hạn tối thiểu 2 năm cho rằng giải pháp này có ý nghĩa tích cực ở chỗ nếu bạn muốn giữ được người bạn đời lâu dài, bạn phải thực sự yêu thương nhau, cư xử tư tế, văn minh, lịch sự với nhau. Nếu bạn biến họ thành "vật sở hữu", gây cho họ những điều khó chịu thì hết 2 năm, bạn có nguy cơ sẽ phải nhìn họ xách va-li ra đi một cách hoàn toàn hợp pháp không cần phải ra tòa.

Dự luật này cũng khuyến khích giới trẻ mạnh dạn lập gia đình hơn chứ không lo nhỡ hôn nhân không hạnh phúc sẽ phải khổ suốt đời.

Nhưng “hôn nhân tạm thời” không phải là phát minh của người Mexico. Từ năm 2007, chính phủ Iran đã quyết định đối phó với xu hướng quan hệ tình dục trước hôn nhân trong giới trẻ bằng cách đưa ra hình thức hôn nhân tương tự. Ông Mustafa Pour Mohammadi, người đứng đầu Bộ Nội vụ Iran cho biết: "Đạo Hồi có giải pháp cho bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong đời sống con người, “hôn nhân tạm thời” là một cách hợp lý cho vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân. Bạn có thể thỏa thuận chung sống bất cứ bao lâu, từ một giờ đến suốt đời”.

Người lên tiếng chỉ trích mạnh nhất là hàng ngũ giáo sĩ Hồi giáo. Thậm chí họ cho rằng “hôn nhân tạm thời” là vỏ bọc của mại dâm.

Hiện nay nhiều nước trên thế giới tuy ly hôn vẫn phải ra tòa nhưng tòa án giải quyết rất nhanh. Chỉ cần nghỉ việc một ngày là giải quyết xong, nhiều nơi còn tổ chức tiệc mừng ly dị. Bữa tiệc có sự tham dự của người thân, bạn bè, thường là những người đã dự đám cưới của họ. Theo họ, đây không phải là một sự kiện bi lụy của hôn nhân. Hãy coi ly hôn như cột mốc đánh dấu một giai đoạn mới trong đời.

Nói chung giới trẻ là những người khó chịu nhất với những cuộc chia tay lùng nhùng. Có lẽ nhiều người trong thế hệ này được sinh ra trong những gia đình có cha mẹ ly dị. Họ đã phải chứng kiến những đớn đau nhức nhối của sự tan vỡ và không muốn chính mình phải nếm trải.

Ở Nga đã có truyền thống riêng của họ lâu rồi. Khi ra tòa không cần có lý do chính đáng, chỉ cần nói hai vợ chồng cuối cùng đã nhận ra không thể sống cùng nhau. Trong trường hợp này, tài sản được chia đều. Nhưng nếu hôn nhân đổ vỡ do một bên nát rượu, hoặc ngoại tình có những cáo buộc rõ ràng, người kia có thể được ưu tiên trong việc phân chia tài sản.

Theo Trịnh Trung Hòa
Dân Việt/ Missus.ru tạp chí Nga