Sợ Tết quê chồng
Nhớ lại Tết năm ngoái, phải ngồi trông nồi bánh chưng cho cả họ (nhà chồng dưới quê) rồi bị cảm lạnh, Thu vẫn rùng mình "kinh hãi".
Thu vốn là "tiểu thư Hà Nội" nên những cảnh sinh hoạt nông thôn với cô chỉ có trong sách vở hoặc trên tivi. Hồi sinh viên, cũng có đôi lần, Thu được về quê mấy đứa bạn chơi nhưng cũng chỉ là khách, chứ không phải trực tiếp “mó tay mó chân” vào việc nấu cơm bằng bếp củi hay trộn cơm cho lũ chó, mèo trong nhà ăn như khi làm con dâu mới.
Thu kết hôn vào dịp gần Tết năm ngoái. Theo lẽ dĩ nhiên, cô phải về quê chồng (một làng Bắc bộ) ăn Tết. Những phong tục Tết dưới quê cũng khá đơn giản. Bố mẹ, anh em rồi họ hàng chồng rất hòa thuận và quý mến nàng dâu mới. Vấn đề duy nhất khiến Thu ái ngại là những bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Nhà chồng Thu ở sâu trong làng, phía sau giáp với vài chiếc ao nhỏ và một khu vườn cây ăn quả khá rộng rãi và thoáng mát. Bố mẹ chồng mới xây dựng công trình máy bơm ngay cạnh ao nên nước sinh hoạt luôn trong tình trạng lờ đờ, đo đỏ và có mùi tanh. Hôm đầu, Thu sợ đến mức không dám uống nước nhưng cũng không thể nói cho chồng vì lo anh tự ái nên cô toàn phải dùng nước uống đóng chai. Ba hôm sau, nước uống đóng chai hết, Thu đành cố nhịn khát hoặc chỉ uống nước trong trường hợp cần thiết.
Khổ hơn nữa vì nhà tắm dưới quê không có mái che và cũng không có cả cửa. Thu nhanh trí gợi ý để ông xã dùng tạm một chiếc bao tải dứa lồng vào que tre để thành cửa. Chỉ thương ông xã nhà Thu vừa kiêm chân vệ sĩ vừa kiêm chân giữ cửa mỗi lần vợ tắm.
Tục lệ bên nhà chồng là chiều 30 Tết, cả họ hàng quây quần mổ lợn, gói bánh chưng chung nên Thu được giao chân rửa lá, trông bánh cùng mấy chị em dâu khác. Dù mẹ chồng đã ưu tiên, đặc cách - "miễn" việc canh nồi bánh chưng cho nàng dâu mới nhưng Thu muốn lấy lòng nhà chồng và các chị em dâu nên cố thức để hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả, ngày hôm sau, Thu bơ phờ vì bị cảm lạnh…
Năm nay, Thu lại thấy vui vì cô đang ở cữ nên "thoát" được cảnh về ăn Tết quê chồng.
Ám ảnh cỗ bàn, mừng tuổi
Cùng cảnh với Thu nhưng Trà lại bị ám ảnh bởi tần suất cỗ bàn vì khách khứa liên miên bên nhà chồng, dịp Tết năm ngoái. Nguyên nhân là do bố chồng Trà có một chức tước trên huyện, đồng thời, ông cũng là trưởng họ nên khách ra vào tấp nập mỗi ngày. Từ sáng đến đêm, Trà tối mặt với bếp núc. Cô vừa thịt gà cho đám khách này xong, mẹ chồng lại gọi dọn bàn cho đám khách khác.
Không những thế, mẹ chồng Trà muốn khoe con dâu mới nên luôn miệng giới thiệu cô với mọi người. Khách khứa đông mà những em bé đi cùng cũng nhiều không kể xiết, tất nhiên, Trà không thể tránh việc mừng tuổi cho đáng mặt dâu thành phố. Kết quả, sau Tết ấy, Trà bị lỗ nặng…
Tránh tâm lý ngại về quê ăn Tết
Những bất tiện về đời sống vật chất (ở dưới quê không bằng thành phố) nên nhiều nàng dâu, nhất là dâu gốc phố, thường ngại ở lại quê. Hơn nữa, việc ăn uống ở dưới quê cũng thường “nặng gánh” hơn nên những việc như dọn dẹp, cơm nước, rửa bát… không thể tránh khỏi bàn tay các bà, các chị trong gia đình.
Nếu chỉ vì những cản trở trong suy nghĩ thế này mà nàng dâu có ác cảm với quê chồng thì không nên. Suy cho cùng, cả năm mới có một ngày Tết để cả nhà sum vầy, đoàn tụ. Do đó, người vợ nên biết cách thích nghi với sinh hoạt ở quê và tham gia thăm hỏi họ hàng chồng thật thân tình. Có như vậy, tình cảm vợ chồng mới thêm nồng thắm và con dâu cũng vui vẻ với tâm lý “nhà chồng cũng như nhà mình”.
Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé