Số sướng
(Dân trí) - Không hiểu ông thầy bói coi thế nào mà luôn mồm bảo với bố mẹ Vân “con nhỏ này siêu sướng”, làm cho cả nhà mừng khôn xiết. Thậm chí ngay cả hôm lên xe hoa họ vẫn đinh ninh rằng “Ừ, trông thế mà số hên thật”.
Xét cho cùng thì đúng là có sướng. Cái sướng ở đây là không cần phải lo về vật chất, cũng chẳng nhất thiết phải nai lưng ra làm chi cho cực, nên rất sướng, sướng thật, sướng điên đầu lên ấy chứ.
Nhà 4 tầng lầu, phía trước cổng còn có cả một giàn hoa giấy pha rõ 3 tông màu hồng, tím, trắng tạo thành một chiếc dù cá tính. Con đường dẫn tới bậc thềm trải sỏi và đá bi lấp lánh, nghe kêu lách cách, rất vui tai. Nội thất trong nhà thì khỏi chê, không thiếu thứ gì, có đủ cả máy giặt, máy hút bụi…nhưng khổ nỗi Vân đâu được thường xuyên “mó” vào mấy thứ “hiện đại ấy”, sợ mẹ chồng lại quở trách cái tội “lười”, và “thôi, giặt bằng tay đi, cho đỡ tốn điện nước, thời buổi lạm phát…”.
Một ông xã chỉ thích “chồng chúa vợ tôi”
“Lúc yêu nhau, anh nhẹ nhàng với tôi lắm, chứ đâu gia trưởng thế này. Ở đâu anh tự cho mình cái thói hách dịch vậy? Tôi là vợ anh, không phải ôsin nhé!” - Vân lồng lên như con hổ dữ bị thương trong đau đớn.
Như “cốc nước tràn ly”, cô bắt đầu tấn công, khiến chồng, anh Sang, chết lặng. Mà quả thực, ngày xưa anh yêu cô ghê lắm, yêu đến mức không muốn ai chạm vào những thứ dù đơn giản nhất thuộc về cô. Kể từ khi lấy nhau về, anh cấm cô “không được đi chơi một mình, không được giao du bạn bè, chùa chiền, lễ hội, không được diện trang phục quá mát mẻ, mà tốt nhất chỉ nên mặc quần khi đi ra ngoài…”.
Cũng chỉ vì hạnh phúc cỏn con sau 2 năm vun đắp, Vân ngoan ngoãn thực hiện theo đúng “quyết định xác đáng” của chồng, rồi bỗng nhiên thấy mình mất dần cái vẻ hiếu động, vô tư, và sống như cái bóng.
Vẫn biết vợ chồng nhiều lúc “canh chẳng ngọt”, nhưng 6 tháng về làm dâu vừa qua gần như biến Vân thành trầm cảm nghiêm trọng. Hầu như ngày nào cũng “sao thịt hôm nay nhạt thế?”, “em không cho gia vị vào nước chấm à?”. Có lần đãi khách ở nhà, anh luôn cao giọng gọi Vân để lấy oai với bạn. Thật đúng là biết cách “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”.
Một bà mẹ chồng thích đếm dưa hành
Nghe tin con dâu mang bầu, đáng lẽ như mẹ chồng người ta thì để con ăn uống thật tốt bồi bổ cho thai nhi phát triển. Đằng này, bà mẹ chồng Vân lại sợ tốn tiền, chỉ cho ăn những thứ bình dân. Có lúc bụng đau, muốn chồng đưa đi khám, thì Vân lại bị mẹ gạt phăng: “Không sao đâu con, nó xoay đầu, chân tay quờ quạng chút ấy mà”.
Ngày còn rảnh thân thì không sao, nhưng giờ cái bụng bầu phình to vượt mặt, ngồi xuống rất mỏi lưng và khó chịu, Vân muốn bỏ đồ vào máy giặt đều đặn mỗi ngày, thì mẹ chồng lại hầm hừ: “Thôi dồn cả vào cuối tuần giặt cho tiết kiệm”.
Giống như kẻ hành khất trong nhà
Nhiều lúc Vân muốn chuẩn bị một số thứ cho con, nhưng đều phải mở mồm xin chồng. Cô cũng muốn được đi làm để tung bay cánh chim tự do, nhưng anh nhất quyết không cho, nói rằng “anh dư sức nuôi em”. Thực ra số tiền anh làm được, đều do mẹ anh quản là chính, cô chỉ được một số ít, đủ chi tiêu rau cỏ qua ngày, đấy là còn tiết kiệm.
Nếu cứ tiếp tục sống trong cảnh buồn chán thế này, thì gia đình sẽ không còn là tổ ấm yêu thương. Vân quyết định bộc bạch những quan điểm, suy nghĩ của mình với chồng về lối sống, để đạt đến hòa hợp.
Với mẹ chồng, chắc chắn Vân không thể chống đối. Nhưng phải có kế hoạch thay đổi tư duy. Vân biết cần nhẫn nại, nhưng cùng với tình yêu thương, lòng tận tụy, Vân tin sẽ giúp bà hiểu được rằng: Con dâu vẫn căn cơ, tiết kiệm đúng chừng mực và hiệu quả, song không thể để việc tiết kiệm trở ra thành hà tiện, cái thân làm tội cái đời.
Thu Huyền