Số không nghèo

(Dân trí) - Chú tôi là người gia trưởng số một, tư tưởng lúc nào cũng nặng trịch “trọng nam khinh nữ”. Cũng bởi từ bé chú được ông bà nuông chiều, chưa ra khỏi lũy tre làng một lần, nên tầm nhìn khá hạn chế, chỉ rập khuôn theo tư tưởng lỗi thời.

“Giặc bên Ngô” cũng không làm mẹ tôi phiền lòng bằng chú út. Mẹ đến khổ khi tết đến vác cái bụng bầu chị tôi về ăn tết nhà chồng mà chẳng được ngon. Ông bà nào ai có ý kiến gì, song chú liên miệng dè bỉu, bắt ne bắt nẹt, làm dâu phải thế nọ phải thế kia, đàn bà lười, chán lắm.
 
Số không nghèo - 1
Con nào cũng là con, là của để dành của cha mẹ.

 

Rồi mẹ tôi mệt, không thể cố sức lết đi chúc tết hết họ hàng đông như quân Nguyên, với lại ông tôi đã dặn, người ở “nhành” dưới phải đến chúc tết nhà mình nên không cần. Vậy mà đến tận lúc chị tôi được đầy năm vẫn nghe chú than phiền chị dâu nhà này tân tiến lắm, chẳng cần biết họ hàng là ai, ông cả chiều nên vợ được nước!

 

Sau chú lấy vợ, vẫn cái tính ấy, chú nửa đùa nửa thật nói với vợ và bà con họ hàng “phải đẻ bằng được con trai không là ông thay nái”.

 

Vậy mà con đầu lại là con gái, mọi người đến chơi vỗ về: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Người không ưa cái tính chú tinh tướng, khinh người thì quở: “Ghét của nào trời trao của nấy. Khéo lại giống anh cả mày thì vui”.

 

Họ lại khích cả bố tôi chỉ có “hai con vịt” nhưng bố tôi vẫn cười roi rói “con nào thì cũng là vật báu của chúng tôi”.

 

Bố mẹ tôi là Đảng viên, tư tưởng mới nên không câu nệ chuyện gái trai. Vì đi thoát ly xa quê nên bố tôi có lời, tất cả cửa nhà, ruộng vườn ông bà để lại, nhờ chú trông nom, còn thắp hương mỗi khi giỗ chạp, có việc. Vậy là chú ngầm định trong tâm là phải có bằng được con trai để nối dõi.

 

Thím vừa sinh con được vài tháng chú đã tuyên bố: “Cái gì đã là truyền thống thì không được coi thường. Các cụ chẳng có câu: “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”. Nghĩa là một người con trai thì nói là có con, chứ có đến mười đứa con gái cũng là không có con, sau lũ vịt giời ấy bay hết biết kêu ai.

 

Mà các cụ còn dạy, “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, có 3 điều bất hiếu mà lớn nhất là không có con cái để nối dõi tông đường. Liệu đấy! Đẻ đến hết trứng thì thôi. Vợ chồng mình làm ruộng, chả liên quan đến pháp luật như nhà bác cả sất. Không ràng buộc, làm gì có tóc mà “họ” nắm.

 

Nhớ đọc sách, “căn” cho chuẩn, mình còn “tập hai” nữa cơ mà. Cố có con trai đi để còn ăn mừng. Phen này anh sẽ cho bọn thằng Khánh, thằng Chiến bẽ mặt vì dám ấn anh xuống ngồi mâm dưới. Anh sẽ sai thằng con mình sang đái ướt cổng nhà chúng nó”. Chú phởn chí cười vang khắp nhà.

 

Song cũng chẳng thể “tính” được vì ngay tháng sau thím tôi lại có bầu. Và thật tình cờ, bất ngờ sinh ra lại là con gái. Mặt mũi chú buồn so, đôi mắt ươn ướt như muốn khóc, ai nhìn vào cũng ái ngại. Thím cũng thương nên quyết tâm sinh thêm lần thứ ba!

 

Lần này đi siêu âm về thím chẳng dám nói với chú. Cho mãi đến tận tháng thứ bảy, chú sốt ruột đến cáu tiết: “Sao đến giờ mà còn chưa chắc chắn”.

 

Thím ấp úng: “Bác sỹ bảo nhà mình sẽ không bao giờ nghèo anh ạ!”.

 

Chú lắp bắp, môi run run, sợ hãi tột đỉnh và hình như thâm tâm đang cầu mong hôm nay vợ mình hài hước đột xuất: “Láo nào!”.

 

Thím cũng mấp máp theo: “Thai hai con gái thật mà!”

 

Chú thểu não nom già phải đến chục tuổi. Thím nhanh nhảu, hào hứng: “Anh yên tâm. Em sẽ đẻ tiếp!”  

 

Chú bực mình: “Thôi đi, tôi chịu, có mỗi việc ăn với đẻ thôi chắc, cũng phải dành thời gian nuôi dạy các con nữa chứ. Nhìn nhà bác cả kia kìa, hai đứa con gái mà có nhà nào so được với bác ấy. Chúng nó học giỏi hiếu nghĩa vậy thì đạo lý nào mà chẳng tường, lũ con trai chắc gì đã tình cảm và hiểu biết bằng”.

 

Rồi chú nở nụ cười lâu lắm mới thấy. “Ra là lão thầy bói nói đúng. Số anh không bao giờ nghèo!”.

 

TSL