Sinh viên "góp gạo thổi cơm chung"

Gặp nhau tại lớp học thêm Anh văn, chàng đã bị cô bé cùng học hớp hồn. Với những cuộc hẹn hò chóng vánh, hai người quyết định góp gạo thổi cơm chung, với lý lẽ vừa giảm chi phí, đồng thời tăng thêm chất lượng bữa ăn.

Yêu giải buồn

 

Ngày đầu tiên đặt chân vào cổng trường ĐH, Sơn tự đặt ra một tiêu chí cho mình, đó là không nên yêu khi còn đi học. Sơn dè bỉu, đôi khi còn coi thường những kẻ còn ngồi trên ghế nhà trường mà cứ kè kè bên mình một cô hoặc anh người yêu; lúc nào cũng trông thấy nhau, thật chán.

 

Sơn lấy làm đắc ý cho cái ý nghĩ "tuyệt vời" của mình. Sơn chỉ biết ăn, học rồi ngủ; thỉnh thoảng hẹn bạn bè cùng lên mạng tán dóc.

 

Nhưng rồi đến một hôm, Sơn chợt nhận ra rằng, mình thật lẻ loi, thấy cuộc sống này buồn tẻ, vì "bạn bè sau một năm học đứa nào cũng có người yêu cả rồi". Thằng bạn cùng phòng trọ trước kia cũng có cùng suy nghĩ như Sơn, thì giờ đây nó cũng tay trong tay với một em dưới khóa. Chạnh lòng, Sơn quyết định tìm cho mình một nửa kia để... quên đi nỗi buồn; cũng là để "sĩ diện" như lời của một cậu bạn cùng lớp.

 

Thùy Trang (SV năm 2, Trường ĐH Khoa học Huế) kể: "Đi học xa, nhớ nhà, nhớ mẹ, nên thấy chuyện có một nửa kia cũng hay hay, làm vơi đi những nỗi buồn. Từ khi quen và yêu anh ấy, mình thấy cuộc sống này có "màu sắc" hơn,  không còn hay buồn như trước nữa".

 

Từ những bữa thổi cơm chung

 

Khi yêu, con người ta thường rất ích kỷ, họ chỉ muốn nhất nhất lúc nào cũng được ở bên nhau. Từ ý nghĩ ban đầu là cần nhau để cùng sẻ chia những nỗi buồn vui khi xa nhà, nhớ gia đình; một số đôi SV đã quyết định góp gạo thổi cơm chung, "giảm biên chế tấm vách ngăn cách" hai phòng; vừa lợi cho chàng, cũng vừa tiện cho nàng trong việc quản lý.

 

Nam (Trường ĐH Khoa học Huế) hồ hởi khoe: "Từ khi mình và T. yêu nhau, nhờ góp gạo thổi cơm chung mà gần một năm nay, mình ít phải chịu cảnh ăn cơm bụi một mình. Ăn cơm bụi hoài cũng chán lắm!".

 

Quang (SV năm 3, Trường ĐH Khoa học Huế) cười nói: "Chuyện thường ngày ở huyện ấy mà! Ban đầu mình cũng ghét việc này lắm, nhưng thấy riết rồi cũng quen. Thậm chí ở chỗ trọ mình ở, có 8 phòng thì có 3 phòng góp gạo rồi". "Thế bạn đã góp gạo với ai chưa?". Gãi tai, Quang cười vô tư: "Được hai tháng nay rồi".

 

Góp gạo thổi cơm chung, đó cũng là một cách nghĩ hay vì giảm được chi phí ăn uống mà vẫn đảm bảo đủ chất luợng và số lượng cho mỗi người. Song không phải ai cũng cho việc góp gạo thổi cơm chung là tốt, là hay, là thuận tiện; mà bên cạnh đó có rất nhiều ý kiến phản đối với lý do "bên nhau hoài cũng chán".

 

Sương (Trường ĐH Khoa học Huế) nói: "Mình không thích quá phụ thuộc, quá dựa vào nhau. Có xa nhau mới cảm nhận được cái nhớ nhung của tình yêu". Thậm chí đa phần những SV "đỏ lửa một mình" đều cho rằng, họ sợ việc này vì theo các cụ ngày xưa thì "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén".

 

Góp gạo thổi cơm chung còn là một tác nhân gây sứt mẻ tình cảm của những người bạn chung phòng. Phương và Bê cùng học chung với nhau từ hồi cấp 3. Khi vào ĐH, cả hai cùng chung một phòng trọ. Tình cảm sâu sắc là thế, nhưng đến khi Bê có người yêu, dành tình cảm cho người yêu, thì Phương gần như bị quên lãng. 

 

Phương thấy mình như kẻ thừa, kẻ cản mũi khi Bê và Khánh cũng "góp gạo". Cô cứ lủi thủi một mình mà chẳng dám nói cùng ai, vì sợ mang tiếng là "ích kỷ".

 

Đến những buồn vui

 

Với suy nghĩ ban đầu là giảm được chi phí cho việc ăn ở, là cần và có nhau, thấy thuận tiện, vả lại bạn bè chung quanh ai cũng như ta, một số đôi quyết định sống thử với nhau. Một số chủ nhà trọ cũng lắc đầu ngao ngán cho cách sống hiện nay của giới trẻ, mà đa phần chuyện sống chung đều tập trung vào những khu nhà trọ tách riêng với nhà chủ, khi có "sự quan tâm" của chủ trọ thì hầu hết đâu đó lại về chỗ cũ.

 

Anh (SV năm 3, Trường ĐH Sư phạm Huế) tự nhiên: "Trước kia nàng và mình sát phòng nhau, còn giờ thì... bạn thấy rồi đó". Tôi ngập ngừng: "Bạn không sợ sẽ xảy ra hậu quả sao? Anh cười thay cho câu trả lời.

 

Còn những người khác thì cho rằng "yêu là phải biết giữ cho nhau". Vẫn biết rằng tình yêu chân chính không xuất phát từ những vụ lợi vụn vặt, nhưng không có nghĩa là hậu quả của nó sẽ không bao giờ xảy ra. Mà một khi đã xảy ra rồi, thì người con gái vẫn là nạn nhân chịu nhiều thiệt thòi nhất.

 

Với cái lý là sống nháp, sống thử, nếu thấy hợp nhau thì ra trường sẽ cưới thành vợ chồng, còn không hợp thì "cắt sớm", khỏi phải bận bịu gì nhau. Thúy (SV năm 2, CĐ Sư phạm Huế) nói: "Sống thế cũng hay mà cũng dở. Khối đứa bị "dính" phải đi nạo thai, khi nhận ra thì cuộc đời chẳng còn gì".

 

Tôi đã từng chứng kiến cô bạn hồi phổ thông trả giá cho sự "giữ cho nhau" của mình. Kết quả cô phải nghỉ học giữa chừng để lấy chồng và sinh con vì cái bụng cứ lớn dần theo ngày tháng. Thế là vẫn còn may, vì bố đứa trẻ vẫn còn lương tâm và trách nhiệm.

 

Nhiều anh chàng nhờ sống thử mà bẫy được các cô gái nhẹ dạ, cả tin, đến khi chuyện vỡ lở thì mới nhận ra bộ mặt thật của người mình yêu.

 

Theo Ngô Thị Minh Phương

Thanh Niên