“Sính ngoại”
(Dân trí) - Bà cụ ấy đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn lọ mọ nấu cơm, giặt giũ. Thoạt nhìn có vẻ rất đáng thương nhưng khi mọi chuyện vỡ lẽ thì sự thương cảm ấy sẽ vơi đi rất nhiều.
Hồi đó, bà phải ra Hà Nội chữa mắt, để lại sáu đứa con nheo nhóc ở quê. Nhà hết gạo, cô con gái lớn đi vay khắp hàng xóm mà không được nên đành kéo mấy đứa em đi hái một rổ rau muống ăn thay cơm. Bà mẹ trẻ khi ấy nhìn lũ con thơ nhao nhao kể chuyện mẹ đi vắng, chị cả bắt ăn rau trừ mà mắt nhòa đi. Ngày cô con gái út bị viêm cầu thận phải lên bệnh viện tỉnh để trị bệnh, bà đôn đáo ngược xuôi lo chạy chữa cho con. Cũng may trời thương mà cho cô gái nhỏ khỏi bệnh. Vậy là cả nhà lại được sum vầy.
Nhưng năm tháng trôi qua khiến nhiều thứ thay đổi, ngay cả tấm lòng người mẹ cũng không còn bao la như trước. Năm cô con gái của bà lần lượt đi lấy chồng và bà cũng kịp cưới cho anh con trai một cô vợ ngoan hiền, đảm đang. Các cô con gái có vẻ sướng hơn mẹ vì may mắn được gả vào những nhà khá giả, cuộc sống có vẻ sung túc. Mỗi lần các cô về thăm nhà, bà lại mâm cao cỗ đầy tiếp đón các cô và các anh con rể quý hóa. Họ ăn nói cười vang cả xóm làng. Nhưng những tiếng cười ấy chỉ làm mâm cơm rau dưa của vợ chồng anh con trai út thêm nguội lạnh. Ở cùng nhà thật đấy, giúp họ thịt gà, mổ lợn thật đấy, nhưng đến bữa họ cũng chẳng thèm mời anh lấy một câu. Bà mẹ lúc nào cũng lo cho con gái mà chẳng bao giờ quan tâm tới vợ chồng anh. Lúc nào bà cũng khoe với hàng xóm, con gái tôi thế nọ, con gái tôi thế kia, đến nỗi hàng xóm phát ngán mỗi khi nói chuyện với bà.
Có bữa vợ chồng anh đi làm về, thấy có đĩa xôi nếp lạc để trên bàn, cứ ngỡ là mẹ tẩm bổ cho con trai, ai ngờ bà sai anh mang lên cho nhà chị gái.
Vợ chồng anh đi làm về muộn, chỉ nhờ ông bà đón cháu giúp mà cũng khó khăn. Đi làm về tới đầu làng, chị vợ nhìn thấy con bé đứng trước cổng trường mẫu giáo khóc thút thít mà lòng thương con xót xa.
Đêm hôm, con bé sốt 39 độ. Ông bà ngoại từ làng khác đôn đáo chạy sang thăm cháu, vậy mà ông bà nội vẫn ngủ ngon lành, không mảy may quan tâm. Có người hàng xóm bất bình thay con trai bà nên góp ý, bà tỏ ra khó chịu rồi nói mát mẻ: “Ối giời, cháu ngoại tôi còn chưa chăm xong, huống chi cháu nội”.
Vợ chồng anh không thể chịu nổi cảnh sống này nên quyết tâm vay mượn tiền của bạn bè và bên ngoại để mua đất ở riêng và để ông bà thoải mái thời gian mà lo cho con gái.
Từ ngày đó, anh chị chăm chỉ làm ăn, nuôi dưỡng các con nên người. Ba đứa con của hai vợ chồng anh giờ đều đã tốt nghiệp đại học. Những ngày tháng qua, thực sự rất khó khăn. Vì lo cho con cái ăn học mà nhà cửa cũng chẳng dư dả gì nhưng tương lai rồi sẽ khác, cuộc sống của anh chị từ giờ sẽ an nhàn hơn.
Khi ông mất, bao nhiêu đồ đạc, thóc lúa, tiền của gom góp được bà đều mang cho các cô con gái. Vài tháng sau khi ông mất, bà lên ở với cô con gái cả. Nhưng không may, bà bị tai biến nhẹ, cô ta nhanh chóng lo lót trả bà lại cho anh con trai út. Vậy là lúc khó khăn mới biết lòng người. Cái xóm ấy chỉ thấy nhà bà đông vui những khi bà có tiền. Còn khi ốm đau, bệnh tật thì chẳng thấy mặt mũi con gái và những chàng con rể yêu quý của bà đâu, chỉ có vợ chồng anh út lầm lũi chăm sóc mẹ. Có bà hàng xóm nhìn cảnh ấy lại dè bỉu bà “Sao không gọi các cô con gái về mà chăm rồi chia cả đất cho luôn đi”.
Tuy vợ chồng anh chăm sóc cho bà rất chu đáo nhưng bà có thể cảm nhận được đó chỉ là vì trách nhiệm. Đúng là trao yêu thương mới mong nhận lại yêu thương. Giá như trước đây bà san sẻ tình yêu cho tất cả các con đều như nhau. Sự mặc cảm khiến bà không thể ở cùng gia đình con trai. Nhưng vợ chồng anh và các cháu vẫn thường xuyên qua lại để chăm sóc bà. Giờ thì bà mới hiểu: “Con gái là con người ta”.
An Nhiên