Sếp “tây”
(Dân trí) - Sếp có tuổi rồi, đã từng được đi đây đó trải nghiệm từ Á sang Âu nên với lũ nhân viên trẻ ranh sếp vừa là sếp, vừa là thầy, vừa là cả một người cha tận tụy.
Những ngày đầu sang Việt Nam, sếp có vẻ không thoải mái vì tiện nghi thiếu thốn, thời tiết không quen, có ai hỏi sếp lại nhăn nhó, chắp hai tay phía trước như đang bị còng và nói “Tôi được điều đi tù ba năm”.
Buổi ban đầu sếp chỉ biết mấy câu “Xin chào”, “Cảm ơn” bằng tiếng Việt, và giờ đây nhờ tinh thần cầu tiến, học hỏi, sếp có thể đi du lịch khắp dải đất hình chữ S mà không cần tới phiên dịch.
Với những nhân viên thân cận, sếp luôn là người khó tính, cặn kẽ và đòi hỏi cao, nhưng vì sếp toàn nói đúng nên các “con giời” luôn cố gắng chiều theo ý. Sếp phân bua: “Không hẳn là tôi hà khắc, mà vì tôi đang muốn dạy cho mọi người quan niệm làm việc đúng đắn, để đạt được hiệu quả cao nhất”. Tính cẩn thận luôn là tôn chỉ hàng đầu của sếp.
Sếp luôn nói: “Người ngu dốt thì hay đổ lỗi và bao biện còn người khôn ngoan thì luôn tìm ra phương pháp để giải quyết vấn đề, vì thế đừng bao giờ biện minh, hãy tự mình giải quyết”.
Những buổi giao lưu thân mật ngoài công ty, sếp lại tận tình khuyên lũ con gái: “Đàn ông cần và luôn muốn ở gần người vợ ân cần đảm đang, chu đáo việc nội trợ, để chồng ra ngoài được hãnh diện và làm nên nghiệp lớn. Mà phụ nữ giỏi ở ngoài ít thôi, quan trọng nhất vẫn là biết giữ ngọn lửa để ngôi nhà luôn là mái ấm. Với gia đình nhà chồng thì mình phải tốt với người ta, quan tâm đến bố mẹ chồng thì chồng mới đối xử tốt với mình và tử tế với bố mẹ mình”.
Điều mà các cô nương hâm mộ sếp nhất đó là sếp thẳng thắn thổ lộ: “Người mà tôi không có tình cảm thì tôi không thể lên giường với họ được”. Sếp cũng hay kể về người vợ chịu thương chịu khó của mình: “Dù đi khắp nơi nhưng tôi luôn hướng về tổ ấm, nơi có người vợ tận tụy luôn nuôi nấng và dạy dỗ hai đứa con phải biết thương bố đang làm việc vất vả ở nơi xa”.
Sếp đã mở mang khai thông đầu óc cho lũ nhân viên còn thơ dại, từ việc phải bảo vệ môi trường, đến việc tránh dùng đồ cũng như thời gian lãng phí. Muốn quản lý được người khác trước hết phải quản lý được chính mình.
Ngày sếp “mãn hạn tù”, mấy đứa mặt cứ buồn xo bịn rịn. Sếp ôm bó hoa Ly to tướng đi khắp xưởng, lại mặc chiếc áo trắng mọi người tặng nom như chú rể, sang xưởng gia công lại chụp cùng toàn đám con trai như là chuẩn bị đi đón dâu đến nơi. Sang tổ hoàn thiện thì chụp với toàn con gái, nom như là đang bên nhà gái. Sếp đi khắp công ty chào mọi người và gương mặt thể hiện niềm luyến tiếc không muốn rời xa...
Tạm biệt sếp, một tấm gương sáng cho nhiều người soi vào. Sếp đi xa nhưng lời của sếp và những bài học sếp mang lại vẫn ở lại mãi với đám nhân viên này.
TSL