Sao lại cãi vã trước mặt con?
Chuyện em Lê Thị C.Th, 15 tuổi, ở Hóc Môn, TPHCM dại dột uống 17 viên thuốc chữa bệnh động kinh để khỏi phải chứng kiến những cuộc cãi vã của cha mẹ đang gây xôn xao dư luận. Dù may mắn được cứu sống nhưng chắc hẳn tổn thương trong lòng em thì khó có thể lành.
“Xin ba má đừng cãi nhau!”
Trước đó không lâu, em Ngô Thị D.K, 17 tuổi, ở TP Tuy Hòa, Phú Yên cũng uống thuốc trừ sâu tự tử vì buồn bực về chuyện bố mẹ thường xuyên cãi nhau. Cái chết của em đã để lại những dấu hỏi lớn cho các bậc cha mẹ. Thế nhưng, trong nhiều gia đình vẫn tồn tại hiện tượng cha mẹ cãi nhau, thậm chí đánh nhau trước mặt con mà không biết rằng hành động này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cũng như hành vi của con trẻ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Th.S tâm lý Lê Thị Linh Trang, Trường Cán bộ TPHCM, cho biết ngay từ khi biết nói, trẻ đã cảm nhận được mọi thứ xung quanh và việc bố mẹ cãi nhau đã để lại ấn tượng không tốt trong lòng chúng. Lâu dần, như giọt nước tràn ly, hành động này của bố mẹ sẽ hình thành trong trẻ sự phản kháng...
“Đặc biệt ở độ tuổi dậy thì, khi các em biết khẳng định cái tôi và đòi hỏi sự tôn trọng của người lớn thì chuyện cãi vã của bố mẹ lại càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chúng. Nhiều em chống đối bằng cách bỏ nhà ra đi, thậm chí tìm đến cái chết để khỏi phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau”, Th.S Linh Trang nói.
Trên một diễn đàn của Yahoo! mới đây, một em có nick thacmac-hoi tâm sự: “Sao ba má cứ cãi nhau hoài về chuyện tiền nong khiến em không học bài được? Em chỉ mong ba má đừng cãi nhau nữa...”. Tâm sự này đã thu hút rất nhiều phản hồi chia sẻ của các thành viên tuổi teen, trong đó có nhiều em cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hầu hết các em đều nói rằng rất buồn chán khi bố mẹ cãi nhau và giải pháp được đưa ra nhiều nhất là “hãy bỏ đi nơi khác để cho cha mẹ thích làm gì thì làm”. Điều này phần nào chứng tỏ các em rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, tuy nhiên, các bậc cha mẹ lại không hề quan tâm đến việc chúng nghĩ gì và làm gì mỗi khi xảy ra “chiến tranh” trong gia đình.
Thiếu kỹ năng tự kiềm chế
Th.S tâm lý Lê Thị Linh Trang cho biết từ trong tiềm thức, nhiều cặp vợ chồng coi chuyện cãi nhau trước mặt con là bình thường bởi chính họ cũng từng chứng kiến những trận cãi vã của cha mẹ trước đây. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh chưa tôn trọng con, chưa xem con là thành viên trong gia đình nên nghĩ rằng chúng là người ngoài cuộc hoặc “trẻ con thì biết gì”.
Mặt khác, để xảy ra việc gây gổ trước mặt con một phần do cha mẹ thiếu kỹ năng tự kiềm chế. Thạc sĩ Linh Trang đưa ra ví dụ thường xảy ra trong các gia đình hiện nay như người vợ thấy chồng đi nhậu về nhà muộn liền “xạc” một trận cho đỡ tức; ông chồng trong lúc ngà ngà say, có con ở đó lẽ nào lại để “mất uy tín” nên cũng quát lại vợ. Thế là cãi nhau. Nếu không kiềm chế được, có thể dẫn đến đánh nhau, đập phá đồ đạc. Cảnh này sẽ ám ảnh đứa trẻ suốt đời, thậm chí khiến chúng có những hành vi bắt chước mà hậu quả thật khó lường.
Gia đình nào cũng có mâu thuẫn, tuy nhiên, giải quyết thế nào để ổn thỏa mà không ảnh hưởng đến con là điều quan trọng nhất. Nhiều cặp vợ chồng hiện nay đã ý thức về điều này nên mỗi khi có mâu thuẫn thường kéo nhau ra công viên hay quán cà phê để “nói chuyện”. Tuy nhiên, giải pháp này thường chỉ xảy ra ở các gia đình có nhiều thế hệ chung sống. Còn các gia đình chỉ có cha mẹ và con cái thì sự thiếu kiềm chế dễ xảy ra hơn bởi không ít cặp vợ chồng quan niệm: “Ở riêng để cãi nhau cho đã”...
Cơm sôi bớt lửa...
Theo Th.S tâm lý Linh Trang, gia đình là một xã hội thu nhỏ, bởi thế trong gia đình cũng cần có những quy định cụ thể mà mỗi thành viên phải chấp hành. Cha mẹ là người tập cho con thực hiện những quy định này thì bản thân họ phải là những người gương mẫu. Do đó, kể cả khi xảy ra mâu thuẫn, các cặp vợ chồng nên có ý thức tôn trọng nhau và tôn trọng cả con cái của mình. Thay vì cãi vã, các cặp vợ chồng nên cùng nhau thảo luận dựa trên sự tôn trọng này. Đặc biệt các bà mẹ chớ quên câu nói: “Cơm sôi bớt lửa, người khôn bớt lời”.
Theo Thùy Vinh
Người lao động