Sao cứ phải lệ thuộc vào đàn ông?
Chị tôi 30 tuổi, có công việc tốt, thu nhập cao, hình thức cũng ưa nhìn, nhưng mỗi lần ai đó khen chị, mẹ tôi lại thở dài: cChẳng để làm gì khi một tấm chồng cũng chưa kiếm được”.
Suy nghĩ đó của mẹ đã lây sang chị, khiến chị càng hay tủi. Việc chưa có chồng đã lấy đi rất nhiều sự tự tin của chị khi giao tiếp. Chị luôn thấy mình “vô duyên, lạc lõng làm sao ấy” giữa bao người.
“Không có người bạn trai bên cạnh, bạn không là gì cả”, tôi lớn lên cũng với mặc định đó. Những người bạn quanh tôi cũng thế. Đã vất vả vì lo cho được một công việc tử tế, đầu óc lúc nào cũng căng lên giữ cho được vị trí nhưng bạn vẫn còn phải khổ sở vì những người đàn ông. Hạnh phúc hay khổ đau cũng từ đấy mà ra.
Sao giá trị cuộc sống của mình lại phụ thuộc nhiều vào một người đàn ông nào đó? Tôi không thể nào cắt nghĩa nổi. Tôi hỏi mẹ, mẹ trả lời: “Vì mình là phụ nữ”.
Đời mất anh rồi, vui với ai
Không đánh giá mình qua giá trị và ý nghĩa của bản thân, qua sự thành đạt của chính mình mà qua mối quan hệ với người đàn ông. Người ta gọi trạng thái tâm lý đó là lệ thuộc tinh thần.
Một chuyên gia tâm lý kể, có cô gái nọ đến trung tâm tư vấn tâm lý khóc lóc vì bị bạn trai bỏ rơi. Cô tuyệt vọng, thế giới trong mắt cô là một màu đen tối. “Em không muốn sống nữa. Em yêu anh ấy biết bao”. Nhà tư vấn an ủi, động viên rất nhiều nhưng cô vẫn ra về với tâm trạng rầu rĩ.
Một tháng sau gặp lại, nhà tâm lý ngỡ ngàng trước sự hồ hởi của cô, cứ nghĩ người bạn trai đó đã quay lại. Hóa ra không phải, nguyên nhân là cô tìm được người bạn trai mới - người mang lại những gì mà cô đã đánh mất trong thời gian qua: Sự tự tin, yêu đời.
Một cô gái khác, do công việc bấp bênh nên thấy cuộc sống của mình thật tẻ nhạt, buồn bã, tương lai không biết về đâu. Cô cũng chẳng hào hứng tham gia những cuộc vui mà ở đó có nhiều đôi lứa. Từ ngày có người đàn ông theo đuổi, cô bỗng như trở thành người khác. Trong mắt cô, cuộc sống trở nên rực rỡ và đầy ý nghĩa. Không còn thời gian chia sẻ với bạn bè nữa, công việc trì trệ cũng chẳng ảnh hưởng nhiều. Cô vui vẻ từ bỏ từng sở thích, từng thói quen lành mạnh để phù hợp với anh ấy, để anh ấy vui lòng. Cô đã tìm được lối thoát bằng cuộc hôn nhân.
Sau khi có gia đình, cô là một người vợ tận tâm, tận lực cho chồng. Cô đặt nhu cầu của chồng lên trên nhu cầu bản thân. Lúc nào cô cũng bận rộn, lo lắng cho các thành viên trong nhà. Không còn cảm giác rảnh rang cho cuộc sống riêng, quan hệ xã hội hạn hẹp, nhưng cô vẫn vui và thấy hài lòng với những gì mình đang có. Cô tự hào mình là người phụ nữ vì gia đình.
Đến một ngày, phát hiện chồng ngoại tình. Cô đau đớn lắm. Cô cầu xin chồng quay về với mình. Chồng không chấp nhận. Chuyện vỡ lở, anh ta càng làm những việc trắng trợn hơn. Cô không biết mình phải làm gì. Gặp bạn cũ, cô khóc lóc, than thân trách phận. Bạn cũ bảo sao không ly hôn, chồng thế giữ làm gì. Lý do cô đưa ra để bảo vệ cuộc hôn nhân là muốn giữ cho gia đình yên ổn; là trách nhiệm, ràng buộc vợ chồng... Mọi người có thể thông cảm cho những điều cô nói, nhưng thực tế không phải ai cũng nhận ra, vấn đề chính ở chỗ cô sợ: “Mình sẽ sống ra sao khi không có chồng bên cạnh?”; “Mình còn có thể gặp được người đàn ông tử tế khác không”...
Như những người phụ nữ khác, khi rơi vào cảnh hôn nhân tệ hại, cô không muốn phá vỡ một cấu trúc cuộc sống đã trở nên ổn định. So với nỗi đau bị chồng phản bội ngay trước mắt, nỗi lo sợ ly hôn còn lớn hơn. Cô sợ một mình. Sợ đối diện với cô đơn. Nhưng, sự nhẫn chịu cũng không cứu vãn được cuộc hôn nhân. Việc ly hôn vẫn cứ xảy ra. Sau ly hôn, cô thấy mình mất hết. Một chỗ dựa về hình thức cũng không còn. Cô than sao cuộc đời tàn nhẫn và bất công đến vậy, ta là người bất hạnh nhất thế gian này, ta thật đáng thương. Từ đó, cô tự phủ nhận giá trị cá nhân. Cô không biết mình sống vì cái gì nữa. Cảm giác an toàn, sự tự hào từng có đã bị bẻ gãy.
Những thay đổi nhanh chóng về tâm lý nói trên chính là một dạng lệ thuộc tinh thần. Người phụ nữ thấy yên tâm với cuộc sống của mình khi có người đàn ông để dựa dẫm. Nếu một ngày, cuộc sống của họ thiếu vắng người đàn ông, đó là điều không thể chấp nhận được, thậm chí là một mối đe dọa!
Tự khẳng định
Ý thức về giá trị của mình lệ thuộc vào người đàn ông có nguy cơ biến người phụ nữ thành một người cô đơn hoặc có cảm giác mình là người vô dụng, cuộc sống của mình thật đáng tiếc khi không gặp được hoặc mất đi đối tượng.
“Mình thật đáng thương. Chẳng có người đàn ông nào yêu mình cả”; “Anh ấy đã không gọi lại cho mình, ngày hôm nay như thế là thật tồi tệ”; “Ở bên anh ấy mình không tìm thấy niềm vui, nhưng sau khi chia tay, liệu mình có thoải mái hơn không?”; “Lẽ ra mình cũng hạnh phúc nếu chồng không có tính gia trưởng, bảo thủ đến như vậy”... người phụ nữ đã tự làm tổn thương mình bằng những lời than trách như thế.
Dùng liều thuốc chấp nhận cũng không xong, cuối cùng, những người phụ nữ có tâm lý lệ thuộc cũng phải đối mặt với vấn đề là tự mình khẳng định vai trò của mình trong cuộc đời. Nghĩa là, họ phải ý thức được rằng bản thân người phụ nữ cũng có thể tạo nên một cuộc sống tốt đẹp.
H., phóng viên một tờ báo kể, một lần bay từ miền Nam ra Bắc, cô được người bạn gái dẫn ra sông Hồng chơi. Buổi chiều đó thật đẹp. Cô bạn đã thốt lên, nếu bên tôi lúc này không phải H. mà là một người bạn trai thì có phải tuyệt hơn không? Biết cô bạn mình hồn nhiên, chẳng suy nghĩ gì khi thốt ra điều đó nên H. cũng không tự ái. Có điều, cái phản xạ tự nhiên của cô bạn khiến sau đó H. cứ nghĩ mãi. Tại sao phải là người bạn trai thì buổi chiều mới tuyệt hơn? Bên bạn gái cũng thú vị và vui lắm chứ! H. đã 29 tuổi, chuyện chưa có bạn trai với cô không ảnh hưởng gì đến các dự định trong công việc, tương lai và những vui buồn hàng ngày. H. coi trọng tình yêu, không ngừng mơ ước về một tình yêu đẹp để đi đến hôn nhân. Nhưng, cô nhận thức được đó không phải là toàn bộ cuộc sống. Người phụ nữ vẫn có thể khẳng định được giá trị của mình thông qua sự thành công về nghề nghiệp, thông qua các mối quan hệ xã hội, bạn bè, gia đình. Chính khi đó, niềm vui, hạnh phúc mình đạt được mới vững chắc.
Những người biết chủ động sắp xếp cuộc sống của mình, biết khẳng định cá nhân như H., đến nay vẫn chưa phải là số đông. Vẫn còn nhiều những người phụ nữ không bao giờ đạt được cái gọi là tự do trong tinh thần. Hạnh phúc mà họ đang có, theo đó, cũng thật mong manh, vì nó luôn phải dựa dẫm hoặc chờ đợi vào một người khác.
Lệ thuộc vào người đàn ông để bạn có được cuộc sống “giống như mọi người” suy cho cùng, cũng là chúng ta đang lệ thuộc vào những giá trị bên ngoài của xã hội. Đừng để những nhu cầu, cảm giác đó điều khiển cuộc sống mình. Sự lệ thuộc có tính tiêu cực đó sẽ hạn chế cảm giác thoái mái, là nguyên nhân của sự kìm hãm phát triển cá nhân.
Tình yêu chân thành không tồn tại sự phụ thuộc bị động và lấy đi tự do của nhau mà chính là bạn vẫn sống tốt khi không có người đó bên cạnh, như ý kiến của một bác sĩ tâm lý trị liệu: “Sự phụ thuộc có thể xuất hiện trong tình yêu vì nó buộc ta phải tự tách khỏi mình để hòa hợp với một người khác, nhưng nó không phải là tình yêu đúng nghĩa. Nó phá hủy nhiều hơn là xây dựng các mối quan hệ, xây dựng con người”.
Những người vợ đừng nhầm lẫn giữa việc đặt gia đình lên hàng đầu với việc lệ thuộc tinh thần vào đó. Cuộc hôn nhân khó có được hạnh phúc và bình đẳng khi người phụ nữ không có sự mạnh mẽ và tự chủ của mình.
Theo Xuân Ca
Phụ nữ online