Sao cứ phải “anh-em”?

Quanh đi quẩn lại, vợ chồng mình đã ở bên nhau hơn 10 năm, có 2 đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn. Ngẫm lại suốt 5 năm yêu nhau, cộng thêm 10 năm chung sống, chúng ta chưa bao giờ xưng hô với nhau là “anh” và “em” cả.

 

Thời mới quen nhau, “bố” hay đùa gọi “mẹ” bằng chị dù hơn “mẹ” tới 7 tuổi. Rồi khi yêu nhau, “bố” xưng tên với “mẹ”, còn “mẹ” thì bắt chước kiểu xưng hô thân mật ở quê chồng tương lai gọi “ông” xưng “mình”. Khi cưới rồi, chúng ta ngọt ngào hơn một chút, gọi nhau là “chồng” và “vợ”. Kiểu ngọt này ở nhà thì ổn nhưng mỗi khi “bố” qua nhà hàng xóm chơi, “mẹ” phải sang tận nơi khều về, chứ không thể gọi với sang là “chồng ơi” được. Ngày nhóc tì đầu tiên của chúng ta ra đời, chẳng ai bảo ai, mình hạnh phúc gọi nhau là “bố - mẹ” cho đến tận bây giờ.

 

Vợ chồng mình sống cùng ông bà ngoại tụi nhỏ nên cách xưng hô ấy nhiều khi cũng gây ra cảnh dở khóc dở cười. Mỗi khi “bố” kêu “mẹ ơi” thì cả vợ và mẹ vợ đều “ơi”. Khi “bố” nhờ “mẹ” hay bà ngoại làm việc gì thì có khi chẳng ai làm vì người này cứ tưởng người kia. Sau này, để tránh sự cố, “bố” chuyển sang gọi mẹ vợ bằng “bà”. Cũng may, “bố” gọi “nhạc phụ đại nhân” bằng “cha”, chứ không lại thêm hiểu lầm giữa hai ông bố.

Có những lúc nghe chúng bạn xưng hô “anh - em” hay gọi nhau “mình ơi” thật tình cảm, tự dưng “mẹ” cũng muốn đổi cách xưng hô. Ấy vậy mà mỗi lần mở miệng thì cứ ngại ngùng. Thôi thì chúng ta cứ gọi nhau như cũ “bố” nhé. Gọi thế thì có sao đâu nhỉ, bởi có ai dám chắc rằng thay đổi cách xưng hô là làm cho gia đình hạnh phúc hơn?

 

Không biết “bố” có từng thắc mắc chuyện này không nhỉ? Nếu có thì “bố” mở điện thoại ra nhé, “mẹ” vừa lưu lại số điện thoại của mình với tên mới là “bà xã” đó.

 
Theo Mai Chi
NLĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm