Sáng phở, tối cơm bụi

… Và trưa thì đương nhiên ngồi xơi cơm văn phòng! Đó là hoàn cảnh của những ông chồng “có vợ hờ hững cũng như không”, bếp núc lúc nào cũng lạnh tanh bởi các chị còn “bận việc nước” hoặc quá “đoảng việc nhà”.

 
Anh Quân thở dài: "Bữa tối nay, không biết ăn ở đâu nữa. Suốt ngày lang thang đến là khổ thôi". Lý do là vì bà xã theo học lớp cao học từ tối thứ hai đến tối thứ sáu hàng tuần nên thời gian này anh Quân toàn phải cháo, phở thay cơm.
 
Sáng phở, tối cơm bụi - 1
Ăn hàng không mang lại cho gia đình không khí sum vầy đầm ấm.

Sáng phở, trưa cơm văn phòng, tối lại đi ăn ngoài khiến anh Quân chán ngán. “Còn khổ hơn nữa vì mấy tuần thứ bảy, chủ nhật gần đây, vợ chồng toàn cỗ bàn triền miên nên bếp núc trong nhà cứ vắng tanh vắng ngắt. Mình lấy vợ mà như còn độc thân” - anh Quân tếu táo kể tiếp.

Có hôm hai vợ chồng được nghỉ nhưng Khánh - bà xã anh lại có ý kiến vợ chồng nên ra ngoài ăn hàng cho tiện, lại thay đổi không khí. Thú thật, anh cũng biết lâu rồi chị nhà không đụng vào bếp núc nên ngại và trở nên lười hơn.

Khác với anh Quân, anh Phong (Quận 1, TPHCM) lại vớ phải cô vợ tiểu thư. Quỳnh, vợ anh, là con một trong gia đình khá giả nên được nuông chiều từ bé. Lấy chồng rồi, Quỳnh vẫn không sửa được thói nhõng nhẽo kiểu cách này.

“Thời gian trước nhà mình thuê giúp việc nhưng bà ấy vừa có việc bận về quê gấp nên hiện tại không có ai. Vợ mình thì ngại việc bếp núc nên toàn ra quán cơm gần nhà, giải quyết nhanh” - anh Phong chia sẻ.

Hôm nào chán cơm bụi, vợ chồng lại kéo nhau về bên ngọai ở quận 8 ăn cơm “trực”; chứ nói gì thì nói, Quỳnh cũng nhất định không vào bếp khi chưa thuê được osin.

“Thú thật nhìn thấy nhà hàng xóm quây quần bên mâm cơm mà mình thèm. Cả ngày đi làm, tối về ra ngoài cắm đầu ăn cho xong bữa, rồi lại tivi, chơi game thế là hết ngày. Mình có lỡ đề xuất chuyện bếp núc thì cô ấy lại giãy lên như phải bỏng”.

Duy trì bữa tối để sum họp gia đình

Bữa cơm gia đình có đủ mặt vợ chồng đang có xu hướng ít ỏi với những mái ấm bận rộn, người vợ bận bịu công tác, học hành trong khi người chồng không coi việc bếp núc là trách nhiệm của mình. Đôi khi, chính người vợ cũng suy nghĩ thoáng theo kiểu: “Bận lắm, mà ăn uống giờ có quan trọng đâu. Ăn bên ngoài cũng rẻ ngon mà đỡ công nấu nướng”. Do đó, sự sum họp vợ chồng trong bữa cơm chung ngày càng bị coi nhẹ.

Nếu tình trạng này kéo dài, người vợ sẽ dần lãng quên vai trò nội trợ của mình, còn chồng cũng cảm thấy tổ ấm đang dần biến thành tổ lạnh. Các anh chồng cũng quên mất cơm vợ nấu hay cơm nhà hàng ngon hơn. Thậm chí, nhiều anh còn nghiện cơm nhà hàng hoặc những dịch vụ khác bên ngoài lại càng nguy hiểm.

Người vợ khôn khéo thường biết chiều lòng chồng bằng những món ăn do chính tay mình nấu. Nếu quá bận bịu với công việc học hành, người vợ vẫn nên cố gắng duy trì những bữa cơm gia đình hàng ngày cho chồng. Đơn giản như buổi sáng, nguời vợ có thể dậy sớm đi chợ, chuẩn bị rau thịt sẵn trong tủ lạnh. Tối về, chồng chỉ việc cắm cơm, chế biến thức ăn có sẵn thành những món ấm cúng.

Nếu được vợ động viên và tạo cơ hội để xuống bếp, rất ít ông chồng nào từ chối.

Ngoài ra, người vợ cũng nên dồn công sức chuẩn bị những món ngon cho chồng vào ngày nghỉ hoặc ngày cuối tuần, tránh tình trạng lười biếng, sẵn tiền, đẩy chồng ra bên ngoài, vì điều này sẽ khiến cho tình cảm vợ chồng thêm xa cách hơn.

Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé