Sai lầm của bố mẹ khi xử lý cơn giận của trẻ

Chứng kiến cơn mè nheo của trẻ, sẽ là sai lầm nếu cha mẹ vội chiều theo đòi hỏi hay trừng phạt chúng ngay tại chỗ.

Nhiều cha mẹ chọn cách bỏ mặc bé hủy hoại bản thân, vì họ cho rằng bỏ mặc đứa con đang nằm gào thét trên sàn nhà chính là cách cho trẻ biết rằng bạn không quan tâm đến chúng. Một số cha mẹ khác lại chọn cách đưa trẻ ra làm trò cười hoặc bắt chước chúng. Họ nghĩ rằng, khi trẻ giận lẫy có thể trông rất buồn cười, đặc biệt nếu chỉ vì lý do hết sức vụn vặt. Chế nhạo chúng thì chúng sẽ xấu hổ mà dừng lại. Thế nhưng đó cũng là cách sai.

Một số phụ huynh khi chứng kiến cơn mè nheo của trẻ, thường dễ tức giận đến mất kiểm soát. Việc quở trách hay đánh con nơi công cộng là hành động không hay và chẳng giúp ích gì, chỉ làm cho đứa trẻ gào thét to hơn. Bạn có thể mất bình tĩnh khi thấy con nổi cáu ở siêu thị, nhưng hãy nhớ rằng mình không phải là phụ huynh đầu tiên gặp phải chuyện này. Đừng nuông chiều, nhưng cũng đừng trừng phạt. 

Sai lầm của bố mẹ khi xử lý cơn giận của trẻ - 1

Ảnh minh họa.

 

Hãy nhớ rằng, sự bướng bỉnh và giận dữ (thuật ngữ tiếng Anh gọi là Tantrum) là diễn ra khá thông thường ở trẻ nhỏ. Theo chuyên gia giáo dục Đinh Hữu Khanh, để xử lý cơn giận của trẻ đúng cách, hãy tham khảo những điều mà GS. James A.G, ĐH Connecticut, Mỹ chia sẻ dưới đây:

Trước tiên cần tìm hiểu về 5 cấp độ của Tantrum sẽ đi qua:

Cấp độ 1: Giận dữ. Điều này cha mẹ có thể nhận ra thông qua tiếng hét/la rất lớn hoặc trút cơn giận dữ vào vật thể/bản thân/người khác. Tuy nhiên, thời gian nó diễn ra khá ngắn và chỉ dài khi có ai đó tác động vào cảm xúc này.

Cấp độ 2: Giận dữ và buồn bã. Bắt đầu bằng sự mếu máu và khóc, giẫy giụa giảm dần. Thời gian diễn ra khá dài, chiếm 40% tổng thời gian tantrum.

Cấp độ 3: Đừng chạm tôi. Bắt đầu những biểu hiện giẫy nẩy lên khi bạn cố chạm vào bé hoặc dỗ dành bé. Thời gian diễn ra khá ngắn, chiếm 10% tổng thời gian tantrum.

Cấp độ 4: "Tôi cần cái ôm". Bắt đầu với biểu hiện trẻ giảm đi những thái quá, nhìn ngó xung quanh, cơn khóc có thể vẫn còn, nhưng chịu khó nín khóc khi nghe ai đó nói đến bé. Thời gian này cũng khá ngắn, chỉ tầm 10%

Cấp độ 5: Hết giận. Não trẻ nhỏ khó có thể mang cơn giận giữ hơn 1 tiếng đồng hồ vì trẻ luôn trong trạng thái học hỏi cảm xúc. Bạn sẽ để ý trẻ sẽ quên và chơi lại món đồ đó hoặc người bạn đó bình thường.

Quy luật Tantrum là gì?

Bất cứ tác động nào lên cấp độ 1, 2 và 3 đều dẫn đến sự kéo dài cấp độ 2 ở lần tantrum khác.

Bất cứ tác động nào lên cấp độ 2 (VD dụ dỗ, đánh lừa, mua đồ chơi) để bé quên và chuyển sang cấp độ 5 thì tantrum lần sau sẽ mãnh liệt hơn và bạn phải dụ lớn hơn.

Tác động tốt nhất: Hãy để bé tự trải qua cấp độ 1,2, 3 trong an toàn và điều này sẽ làm bé trưởng thành hơn trong cảm xúc, hãy tác động vào cấp độ 4 để bé tự nhiên trải qua cấp độ 5.

Những cách làm chưa đúng của cha mẹ

Sai lầm thứ 1:

Khi trẻ tantrum cấp độ 1 hoặc 2, cha mẹ lo lắng và dụ dỗ bé bằng đồ chơi để bé quên cơn giận dữ. Biểu hiện bất thường ở đây là bé chuyển gấp gáp cảm xúc qua cấp 3 đến cấp 5, mà không qua cấp 4. Trẻ không bao giờ biết cảm xúc được yêu thương, mà trẻ sẽ hiểu cứ tantrum hét lớn (cấp độ 1) hoặc khóc ăn vạ (cấp độ 2) thì sẽ được ba mẹ chiều ý. Do đó, lần tantrum khác bé sẽ vẫn luôn nằm ở cấp độ 1 hoặc 2.

Sai lầm thứ 2:

Khi trẻ vừa tantrum cấp độ 1 hoặc 2, bạn hét/la lớn/đánh bé, như kiểu "im ngay/nín ngay". Điều này sẽ làm cấp độ 2 kéo dài, không thể dứt và nếu kết thúc bằng đòn roi thì bé sẽ chỉ mãi dừng ở cấp độ này cho mỗi lần sau.

Cha mẹ cần làm gì khi xảy ra Tantrum và làm sao để bé ngoan hơn?

Tantrum là 1 giai đoạn hầu như các bé đều có thể trải qua, gồm 5 cấp độ. Trong đó, cấp độ 1,2,3 là những cấp độ mà chúng tôi gọi là "tránh tác động" vì đây là một trạng thái mà bé trải qua, suy nghĩ và tự điều chỉnh cảm xúc của bé. Mọi tác động vào giai đoạn này đều làm bé giữ cấp độ đó quá lâu. Cấp độ thứ 4 là thời điểm tốt nhất để bạn cho lời khuyên, răn dạy và yêu thương.

Vậy, cha mẹ hãy làm theo những bước sau:

1. Hãy cắt ngay nguồn năng lượng gây ra tantrum, đừng lo lắng khi tantrum quá đà ở cấp độ 1,2 và 3. Bạn chỉ đơn thuần im lặng, và cất những món đồ/giải quyết tình huống gây ra sự tantrum bé.

2. Bạn phải đủ cứng rắn và kiên định trong suốt thời gian tantrum diễn ra ở cấp độ 1,2 và 3.

3. Bạn không nên dùng đồ chơi hay dụ dỗ bé vì làm vậy bé sẽ không học được cách chấp nhận và thay đổi trong cảm xúc.

4. Khi bé ở cấp độ 4, bạn có thể nói chuyện và đừng ngại cho bé cái ôm và tha thứ.