Rượu say rồi, đường về nhà xa lắm
(Dân trí) - Ông xã đi làm về, mặt đỏ bừng, giọng có hơi men:“Em ạ, có khi anh phải tập uống rượu. Không biết uống rượu cũng là một hạn chế lớn”. Nghe xong, chưa kịp phản ứng, lòng đã nghĩ đến một chuyện buồn.
Nhớ tết rồi về quê, đi đến đâu cũng thấy từng tốp thanh niên ê hề trong những cuộc rượu. Cũng không trách, một năm có một cái tết. Anh em ba miền có khi quanh năm mới có một lần hội ngộ. Thôi thì chén chú chén anh, chúc nhau sức khỏe, hỏi thăm tình hình gia đình công việc, ôn lại chuyện cũ, kể nhau nghe những dự định mới. Cũng chẳng phải là không tốt, thậm chí rất vui và tình cảm. Nhưng nếu chỉ thế thôi, thì cũng chẳng có gì đáng nghĩ ngợi.
Nhưng…Sáng mồng 4 tết, tôi nghe tin cậu em họ gặp nạn. Cậu ấy tuổi vừa tròn ba mươi. Đã có một cậu con trai đầu, và đứa thứ hai sắp chào đời. Chuyện là, sáng mồng ba cậu chở vợ con về quê ngoại, trên đường về thì nhận được điện thoại của bạn thân, kêu ở xa về muốn gặp mặt. Chở vợ đến nhà ngoại, để vợ con ở đó, cậu quay xe về nhà bạn.
Bạn bè thân thiết từ thưở cùng nhau cưỡi trâu đánh trận giả, giờ mỗi đứa mỗi phương, gặp nhau không giấu được niềm hoan hỉ. Mỗi lý do là một chén rượu. Cưới vợ mày không mời tao: Phạt một chén! Tóc mày bạc trước tóc tao rồi. Phạt một chén!…Cứ thế, rượu rót ra, hết chén này rồi chén khác. Khi đã cảm thấy chếnh choáng, cậu liền từ chối. Nhưng bạn bè còn lâu mới chịu. Đứa bảo: Mày không uống là mày coi thường tao. Đứa bảo: anh làm thế là không nể mặt thằng em này…Ừ thì không coi thường, ừ thì nể, thì uống…
Đến tối vợ gọi mãi không thấy nghe máy. Bố mẹ nửa đêm không thấy con về. Mọi người tá hỏa đi tìm. 3h sáng, người ta tìm được cậu nằm bất tỉnh bên bờ mương, mặt mũi biến dạng, máu đã khô bê bết trên đầu. Bác sĩ bảo cậu còn may, chậm vài tiếng nữa coi như xong. Người ta cũng bảo số cậu còn được sống, nhờ bờ mương không có nước.
Chẳng biết thế có phải là may không. Nhưng những ngày cậu nằm hôn mê sau cuộc phẫu thuật não, vợ cậu bụng mang dạ chửa, tay ôm con khóc cạn nước mắt. Bố mẹ anh em đau nát ruột gan chạy vạy khắp nơi lo tiền chữa trị. Bạn bè hoang mang, hoảng hốt. Lúc biết tin, tôi cũng bàng hoàng, mọi người bảo cậu đâm vào cột điện rồi lao xuống mương, mặt mũi cậu biến dạng không nhận ra, người ta phải lục ví xem chứng minh thư mới biết để thông báo cho người nhà của cậu. Nghe mà đau quặn lòng. Nhớ, chiều mồng 1 đi chúc tết, chị em gặp nhau, cậu còn ôm vai bá cổ tôi cười nói hỏi han, còn rút ví lấy tiền mừng tuổi cho con gái tôi, còn bắt tay chồng tôi thân tình. Nghe tin, không xót sao được.
Đó chỉ là một chuyện mà tôi biết, là người nhà, là em tôi. Còn có bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm, bao nhiêu sinh mệnh ra đi do rượu, tôi không muốn đọc những con số thống kê trên báo chí. Nhưng tôi không quên một thông tin mà một chuyên gia kinh tế đã nêu: Việt Nam đứng top đầu về tiêu thụ rượu bia lớn nhất thế giới.
Rượu đấy, cứ hô to:“Cạn ly! không say không về”. Nào có biết đâu, sau cuộc vui ấy, có thể một người vợ mất chồng, những đứa con mất cha, cha mẹ mất đi một đứa con bao năm khổ cực nuôi dưỡng. Từ bao giờ, rượu được xem như một thước đo tình cảm: uống nhiều là nhiệt tình, là nể nang, là tôn trọng nhau. Nhưng không ai thèm nghĩ rượu còn là nguyên nhân của những mất mát đớn đau không đong đếm được. Không ai thèm lo lắng rằng, rượu say rồi, đường về nhà thì xa mà đường đến nghĩa trang thì gần lắm.
Cô bạn của tôi cũng có một anh chồng “bợm rượu”, tết ghé chơi, thấy bạn đang bế đứa thứ hai trên tay đỏ hỏn, vừa cho con bú vừa cằn chằn chồng “có hai đứa con rồi mà không biết lo, rượu chè suốt ngày, lỡ may chết đường chết chợ, ai nuôi con?” Anh chồng say rượu, nói năng lộn xộn, thỉnh thoảng lại hét lên: “Tao chết mặc tao, phải mày chết đâu mà lo”. Bạn tôi khóc: “nói thì nói dại, lỡ may anh có bề gì. Anh không khổ đâu, chỉ có vợ con anh khổ, bao cái gương nhãn tiền rồi mà không rút kinh nghiệm”.
Tôi không biết rượu thực ra hay đến mức nào? Mà khi hội ngộ uống, chia ly uống, buồn uống, vui uống, không buồn không vui cũng uống…Rồi tai nạn, rồi đánh nhau, và cả giết người khi chưa kịp tỉnh. Tôi cũng không ác cảm gì lắm khi thấy mọi người trong những cuộc gặp gỡ, liên hoan, tiệc tùng có mời nhau vài chén rượu. Chỉ cần “vui có chừng, dừng đúng lúc”.
Chồng tôi thuộc tuýp không biết uống rượu. Chỉ vài chén là mặt đã đỏ như gà chọi, nằm ngủ hết một buổi. Anh ấy lúc nào cũng kêu than: “Không biết uống rượu cũng dở lắm em ạ”. Có lần anh ấy say, tôi hỏi: “Anh uống mấy chén mà say?” “chỉ 7, 8 chén gì đấy”. Có lẽ vấn đề là ở chỗ này, chồng tôi thường không dừng đúng giới hạn. Nếu anh ấy chỉ uống 4, 5 chén thôi thì không say, nhưng vì nể nhau quá, bạn bè khích bác khó nghe quá, đáng lẽ nên dừng khi còn tỉnh táo thì lại cố thêm vài chén nữa, thế là “gục”.
Tôi không phê phán việc chồng tôi uống rượu, cũng không cằn nhằn mỗi khi anh ấy say, vì tôi biết tửu lượng anh kém. Mà trong mỗi cuộc vui, bạn bè uống rượu, ai cho anh ngồi uống nước ngọt? Tôi chỉ bảo anh: những lúc vui, đừng quên ở nhà có vợ con đang đợi. Vợ anh còn trẻ lắm, con anh còn dại lắm. Nhớ để biết lúc nào mình nên dừng lại. Nhớ để giữ cho mái nhà mình luôn ấm, chứ đừng hoang lạnh bởi những mất mát thương đau.
Lê Giang