Rượu chè ngày Tết

Ngày Tết, người Việt Nam nào trong nhà cũng bày sẵn mâm cỗ và chai rượu. Bạn bè, họ hàng, làng xóm gặp nhau, sau lời chúc Tết lại nâng chén chúc nhau một năm mới tốt lành. Song vài giai thoại về chuyện rượu ngày Tết sau đáng để các đệ tử lưu linh tham khảo.

Nhầm hay không nhầm

 

Ngày Tết có một anh chàng đưa cả vợ con về ăn Tết với bố mẹ vợ. Nhà vợ lại có một “dì nó” xinh đẹp mà chưa có chồng (thế mới khổ không cơ chứ!). Sau bữa rượu, bố vợ và con rể “hiểu nhau” đến mức hết cả một lít rượu thì cả bố vợ và chàng rể đều đã chân nam đá chân xiêu. Để cho “hai bố con được tự nhiên”, bà mẹ vợ, vợ và cả “dì nó” đều đã bỏ đi làm việc khác.

 

Rời mâm rượu, đi vào gian nhà trong, chàng rể thấy một bóng hồng đang quay lưng lại. Chẳng nói chẳng rằng, chàng rể nhẹ nhàng (như mèo rình chuột), tiến lại gần quàng tay ôm ngang bóng hồng nọ rồi lại còn hôn một cái lên gáy người đẹp. Hôn xong, chàng ta nhanh nhẹn hỏi một cách rất… kịp thời: “Con đâu em..."?. Cô gái nọ giãy nảy lên đẩy anh chàng ra miệng lắp bắp: “Ấy chết, anh nhầm rồi. Em đây mà…” rồi quay mặt lại. Chàng rể ngẩn người nhìn lại cô em vợ. Chàng say liền lảo đảo vừa đi vừa lẩm bẩm: “Nhầm thật. Nhưng nếu mà không nhầm thì mình đã chả ôm. Cái con mụ sư tử ấy thì ai mà thèm ôm cơ chứ…”. Cô em vợ mặt đỏ dừ ngơ ngác không hiểu mô tê gì…

 

Bố vợ và con rể tề gia

 

Ngày Tết, bố vợ và con rể cùng ngồi uống rượu bàn chuyện nhân tình thế thái. Chuyện trên giời dưới đất chán, “cặp bài trùng” này lại quay về bàn chuyện  “vai trò quan trọng” “nghĩa vụ thiêng liêng” “cao cả” của người đàn ông trong gia đình. Họ cũng bàn luôn cả chuyện người vợ thế nào là ngoan ngoãn, hiền lành và chuyện làm đàn ông phải biết dạy vợ. Có chén rượu, hai bố con thi nhau đại ngôn khoác lác. Chuyện trò thế nào mà ông bố vợ đến mức tuyên bố: “Đại trượng phu phải biết sẵn sàng dùng vũ lực để tề gia”.

 

Nghe câu chuyện, cô con gái bực mình lên tiếng phản đối. Đang lúc muốn chứng tỏ vị trí gia trưởng trong nhà, ông bố vợ cao giọng quát tháo mắng mỏ con gái. Ông lại còn khoát tay ra lệnh cho anh con rể thể hiện vai trò của một nam nhi đại trượng phu biết tề gia. Anh con rể thì không ngờ lại có dịp được… đánh vợ một cách hợp pháp liền lập tức ra tay. Sau hai cái bạt tai, cô con gái bật khóc hu hu. Bà mẹ vợ từ trong nhà chạy ra, xót con gái liền lôi ngay ông chồng ra “xạc” cho một mẻ. Bà bảo: “Uống cho lắm vào rồi sinh ra lú lẫn, ai đời lại đi xui con rể đánh con gái mình dứt ruột đẻ ra”. Ông bố vợ lúc ấy mới ngẩn người và hình như tỉnh rượu, nhưng há miệng mắc quai chẳng biết làm sao. Trước cơn giận lôi đình của bà mẹ vợ, bố vợ và chảng rể vội vàng rủ nhau chuồn sang nhà hàng xóm. Không biết ở đấy họ có tiếp tục uống rượu và bàn về chuyện tề gia nữa hay không?.

 

Ai sợ vợ nhất

 

Tết đến cơ quan phân lịch trực. Ban đầu ai nấy cũng chối đây đẩy. Cuối cùng cơ quan phải áp dụng chính sách thay phiên. Tết này người này trực thì Tết sau đến lượt người khác phải trực. Có một anh chàng phải trực Tết nên rất lấy làm đau khổ. Anh ta liền nghĩ ra một kế. Sau buổi họp cuối năm anh ta liền mời một số anh em ở lại gọi là uống chén rượu tất niên. Tất niên tề tựu đông đủ lại có chén rượu thì mấy ai mà từ chối cho được. Ai nấy đều bụng bảo dạ sẽ làm vài chén rồi về.

 

Trong cuộc rượu anh chàng đầu trò cố gắng mời mọi người uống. Rượu được vài tuần có tiếng chuông điện thoại của ai đó reo. Một người bị vợ gọi giục về lo việc nhà. Anh ta liền đưa ra chủ đề: anh em đang vui tất niên người nào về sớm nhất là sợ vợ. Không những thế người sợ vợ nhất phải trả tiền cho bữa nhậu hôm ấy. Có hơi men, không anh nào muốn mang danh hiệu sợ vợ nhất cơ quan nên anh nào dù sốt ruột đến mấy cũng cố đợi có người về trước rồi mình mới về. Kết quả là hầu hết những người hôm ấy đều rời cuộc rượu vào lúc gần giao thừa trong tình trạng “nhòe hình méo tiếng”. Vài tiếng sau đã có ba bốn người ôm chăn màn đến cơ quan với lý do là trực cùng cho vui.

 

Sức mạnh của tình yêu

 

Một anh chàng rất mê rượu. Khổ nỗi anh chàng lại có bệnh yếu thận. Rượu kinh niên thì bệnh cũng thành kinh niên. Từ đấy mỗi làn quá chén tay chân mềm nhũn không sao đứng lên được. Bệnh thận thì tái phát nên anh ta đành ngồi thu người lại và tè ngay ra quần. Bạn bè ai nấy đều xấu hổ, lần sau không ai dám ngồi uống rượu chỗ đông người với anh chàng này nữa. Còn lại vài người vừa là bạn thân vừa là họ hàng cực chẳng đã mỗi lần bày mâm rượu anh ta mon men vào thì không đuổi đi được nên đành phải chịu. Chỉ có điều những người này rút kinh nghiệm một là không cho anh ta uống quá nhiều, hai là cứ khoảng mươi mười lăm phút lại giục anh ta đứng lên vào… toa lét như người lớn giục trẻ con lên ba. Nhờ vậy những cuộc rượu mới không bị anh ta làm gián đoạn. Người khốn khổ nhất chính là người yêu của anh chàng yếu thận nọ. Yêu nhau từ lúc còn khỏe mạnh, đẹp trai, lịch sự, trót nặng tình với nhau, giờ người yêu phát bệnh, bỏ thì thương vương thì tội.

 

Tết năm ấy cô đưa anh chàng bệnh thận về ra mắt họ hàng. Ở quê, họ hàng đông, người nào cũng muốn mới chàng rể tương lai một chén rượu. Lệ ở quê, đàn ông ngồi uống rượu đàn bà không được chen ngang. Rượu uống nhiều lại không có ai giục đi toa lét, không biết anh chàng yếu thận sẽ xoay sở như thế nào. Cô người yêu tụt vào xó nhà cắn ngón tay gần chảy máu vừa lầm rầm khấn trời Phật để cái chuyện tồi tệ ấy sẽ không xảy ra.

 

Hết Tết lên Hà Nội, cô tâm sự với người anh họ: “May quá suốt cả chuyến về quê không lần nào anh ấy ngồi thu chân lại…”. Anh chàng yếu thận thì lè nhè: “Chả phải trời Phật nào phù hộ đâu, đấy là vì sức mạnh của tình yêu đấy. Nào cạch một cái để tôn vinh tình yêu nào”. Mấy người bạn ngồi bên đáp lại: “Cạch thì cạch nhưng hết chén này là chú mày phải vào toe lét đi đấy nhé. Quá 10 phút rồi đấy!”.

 

Theo Hải Nguyệt

Phụ Nữ