Rùng mình nhớ đám cưới con trai

Cứ đến mùa cưới, tôi lại rùng mình nhớ lại cách đây mấy năm. Tôi đã trải qua một phen… kinh hoàng khi con trai lấy vợ.

 
Rùng mình nhớ đám cưới con trai  - 1


Trước đó, tôi đã nhiều lần đi dự đám cưới và không ít lần có mặt trong các đoàn nhà trai đến nhà gái dự lễ hỏi. Thế mà tôi vẫn toát mồ hôi khi… là phụ huynh của chú rể.

 

Tôi thấy đám cưới thời nay thật rườm rà, từ khâu tổ chức cho đến lễ lạt. Những thủ tục đó đang làm mất dần đi nét đẹp của nền văn hóa cổ. Đó còn là nỗi lo cho những gia đình có con đang tuổi dựng vợ, gả chồng.

 

Tôi còn nhớ, ngày nhỏ, giống như nhiều đứa trẻ khác và cả người lớn nữa, trong xóm có đám cưới nào tôi cũng phải cố chen chân để xem cho bằng được cô dâu chú rể, đặc biệt là gương mặt cô dâu.

 

Hồi đó, chú rể chỉ đóng bộ quần tây, áo trắng giản dị, còn cô dâu mặc áo dài trắng; cả hai đều cài bông hoa trước ngực nhưng cô dâu, chú rể vẫn vui cười và rạng ngời hạnh phúc.

     

Không có những khung ảnh nghệ thuật lớn đặt ngay cổng nhà vào ngày đãi tiệc cưới. Họ cũng không có những buổi dã ngoại hết nơi này đến nơi khác suốt mấy ngày mới xong một bộ ảnh cưới.

 

Những hộp quà gói giấy hoa, được cắt tỉa rất công phu, xếp thành từng chồng cao ngất ngưởng là quà tặng mà bạn bè yêu mến mang đến cho chú rể, cô dâu… Bây giờ thì khác hết, đặc biệt, những hộp quà ấy đã được quy thành những chiếc phong bì, vừa nhỏ lại vừa tiện cho cả đôi bên.

 

Trở lại trường hợp đám cưới con tôi. Nhà gái nói họ muốn giản tiện nhưng con gái họ đi lấy chồng cũng cần phải đẹp mặt với hàng xóm, họ hàng. Do đó, đám hỏi không được thiếu và tổ chức trước lễ cưới một ngày. Tất nhiên, đó là ngày tốt đã được chọn lựa. Và sau đó, tất cả mọi nghi thức cưới hỏi đều phải diễn ra vào thời điểm đã được “xem” trước rất kỹ. Chỉ riêng cái khoản xem giờ thôi đã đủ khiến tôi mệt nhoài.

 

Số người nhà trai đến dự lễ hỏi ở nhà gái cũng là một vấn đề. Họ hạn chế vì lý do nhà chật đã đành. Đằng này, họ yêu cầu đi đủ số người một cách chính xác, tức không thừa không thiếu. Họ bảo phải làm như thế vì “thầy” phán, mới tốt cho đôi trẻ! Nói để tốt cho con cái thì cha mẹ nào dám chối từ và làm khác được!

 

Hôm làm lễ hỏi, gia đình chúng tôi đến sớm khoảng 15 phút. Tôi dự tính đi sớm để đề phòng kẹt xe, nhưng vì đường sá đi lại dễ dàng nên mới sinh chuyện. Nhà gái nhất quyết không đón chúng tôi vào nhà vì chưa đến giờ. Còn chúng tôi thì cứ đứng lóng nga lóng ngóng ngoài đường, với quần là áo lượt…

 

Một điều tin kiêng nữa cũng gây cho gia đình chúng tôi rắc rối. Nhà gái yêu cầu người lớn đến phải đủ cặp, tức có vợ có chồng; ai độc thân hoặc không đủ đôi thì… ngồi nhà. Anh chị em tôi từ nước ngoài về đều không được đến nhà gái dự lễ hỏi vì chẳng ai về đủ cặp. Họ buồn ra mặt dù cũng thông cảm cho tôi, vì đó là ý nhà gái.

 

Lễ vật thì phiền phức. Nhà gái luôn nói họ giản tiện các thủ tục miễn là đôi trẻ hạnh phúc. Thế nhưng… thực tế lại hoàn toàn khác. Số lượng phải chính xác đến từng quả cau. Bánh rượu phải được mua tại đúng nơi họ chỉ (!).

 

Ngay hôm sau là lễ cưới và tiệc cưới. Nhà gái yêu cầu nhà trai chúng tôi sắm cho con dâu đúng… 5 bộ váy để diện trong bữa tiệc đãi 5 món. Và rồi, trong bữa tiệc hôm ấy, bao nhiêu là nghi thức và thủ tục. Điểm này thì mỗi người góp một ý, tựu trung cũng chỉ là vì “đời người chỉ có một lần, thôi thì làm cho đôi trẻ đẹp mặt với mọi người, để chúng không tủi hổ với bạn bè”…

 

Viết đến đây, tôi lại chợt rùng mình. Nhưng nhìn đứa cháu nội kháu khỉnh, tôi lại cảm thấy vui. Chỉ mong sao con cháu mình hạnh phúc, và tôi tự nhủ lòng: Khi con gái tôi lấy chồng, chắc chắn tôi sẽ tránh xa “vết bánh xe” từ đám cưới con trai…

 

Theo NLĐ