Rực ruột vì em trai sống cảnh “chó chui gầm chạn”

Cho rằng em trai sống ở nhà vợ, ở nhà trông con là chịu cảnh "chó chui gầm chạn", bị nhục nhã, người anh rối bời không biết xử lý sao. Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa đã "ra tay" gỡ rối.

Vợ chồng em trai tôi cưới nhau được 7 năm, có 2 đứa con trai, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi. Trước đây em trai tôi là thợ sửa xe gắn máy ở Tây Ninh, vợ là thợ may. Từ lúc cưới đến khi con trai nhỏ được 2 tuổi, em dâu tôi không làm gì ngoài việc nội trợ.

Vợ chồng tôi sinh sống ở Bình Dương, có công ty riêng nên gọi vợ chồng em trai tôi xuống Bình Dương làm cùng. Lúc đầu hai vợ chồng em vui vẻ và còn mua đất để xây nhà có ý định lập nghiệp cùng chúng tôi ở Bình Dương. Ba mẹ tôi ở cùng với vợ chồng tôi, giúp em trai trông đứa con thứ hai để hai vợ chồng em đi làm.


Em trai tôi đang ở nhà làm nội trợ, không kiếm được tiền nên bị vợ coi thường (Ảnh minh họa IT)

Em trai tôi đang ở nhà làm nội trợ, không kiếm được tiền nên bị vợ coi thường (Ảnh minh họa IT)

Mọi mâu thuẫn bắt đầu xảy ra khi tôi thấy ba mẹ tôi sức khỏe yếu, không thể giữ nổi con cho em trai nên tôi đề nghị gửi cháu đi nhà trẻ. Em dâu không chịu nên khóc la om sòm: “Con con nhỏ, cho đi nhà trẻ sẽ đau ốm, con không chịu được”. Rồi cô ấy kêu ca với bố mẹ đẻ, đòi chồng đưa con về quê vợ sống.

Liền sau đó vợ chồng em tôi “khăn gói” sang ở nhà ngoại để gửi con cho ông bà. Nhưng sau đó, em trai tôi đi đến chỗ làm quá xa nên cũng thôi việc, ở nhà trông hai con. Còn em dâu đi làm may. Từ khi chồng ở nhà trông con, không kiếm được tiền, em dâu tôi cũng coi chồng không ra gì. Cả bố mẹ vợ cũng ra ngấm, vào nguýt.

Ba mẹ tôi ở cùng chúng tôi khi biết chuyện em trai tôi bị đối xử như thế liền gọi cho em dâu tôi và khuyên hãy về nhà chồng ở thì cô ấy tuyên bố thẳng thừng: "Khi nào chồng làm có tiền nuôi nổi con thì con mới về".

Em trai tôi không phản ứng gì, cũng không đi tìm việc để kiếm tiền. Trước tình cảnh đó, mẹ tôi vì thương con, thương cháu mà khóc rất nhiều. Tôi cũng không hiểu vì sao mà em trai mình lại lầm lũi cam chịu cảnh ở rể và bị coi thường như thế. Bản thân tôi và bố mẹ chứng kiến cảnh em mình như thế thì rất đau lòng, muốn tạo điều kiện giúp đỡ nhưng dường như em trai cự tuyệt mọi sự quan tâm của gia đình. Tôi phải làm thế nào để em tôi nói ra suy nghĩ, nguyện vọng và những khó khăn của mình cho cả nhà tôi biết để còn có hướng giúp tháo gõ khó khăn?

(Văn Quyết)

Anh Văn Quyết thân mến!

Trong thời buổi không ít người chỉ lo vun vén cho gia đình mình, chẳng quan tâm gì đến anh em, họ hàng, thậm chí cả cha mẹ, thì đọc lá thư của bạn, tôi rất trân trọng. Có được một người anh như thế đúng là cha mẹ và các em được nhờ. Nhưng cái gì cũng có “ngưỡng” của nó bạn ạ. Vượt qua cái “ngưỡng” ấy, có thể sự nhiệt tình thái quá của ta lại vô tình can thiệp vào đời sống riêng tư của người khác khiến người ta khó chịu mà mình cũng đau đầu.


Nếu người trong cuộc hài lòng thì bạn cũng không cần phải lăn tăn (Ảnh minh họa IT)

Nếu người trong cuộc hài lòng thì bạn cũng không cần phải lăn tăn (Ảnh minh họa IT)

Trong lá thư của bạn, tôi thấy vợ chồng người em sống kiểu gì thì bạn cũng góp ý được. Chồng kiếm tiền để vợ làm nội trợ, ông anh nhận xét là “Từ lúc cưới đến khi con trai nhỏ được 2 tuổi, em dâu tôi không làm gì ngoài việc nội trợ”. Đến khi vợ kiếm tiền để chồng trông con, anh lại góp ý: “Em trai tôi vì phải trông con cho vợ làm may nên không làm gì ra tiền. Từ đó vợ và gia đình vợ khinh rẻ, coi thường và xúc phạm em trai tôi đủ điều”. Em trai anh cũng không phản ứng gì, không đi làm mà chấp nhận ở nhà trông con.

Sao bạn không nghĩ là có thể vợ chồng chú ấy hài lòng với việc phân công như thế thì sao? Bạn có vẻ coi thường việc nội trợ, chăm sóc con cái. Nhưng đó là công việc vất vả thực sự, đóng góp nhiều cho hạnh phúc gia đình. Nếu em bạn đi làm xa, không kiếm được mấy đồng, con cái không ai chăm sóc, thuê người trông con thì lương không đủ trả thì sao?

Tôi không biết gia đình nhà vợ chú em “coi thường và xúc phạm” chú ấy như thế nào nhưng nếu chú ấy cứ “im lặng không có ý kiến hay phản ứng gì cả” có thể là chú ấy đang hài lòng thì mình can thiệp vào làm gì? Chú ấy có phải trẻ lên ba đâu mà anh phải lo?

Quan điểm sống nhà vợ là "chó chui gầm chạn", ở nhà nội trợ là "ăn bám vợ, mất mặt đàn ông" đã trở nên lạc hậu. Nếu như người trong cuộc hài lòng với sự phân công công việc như vậy thì dù họ ở vị trí nào cũng sẽ có giá trị của mình. Bạn không nên dùng lăng kính quan niệm của mình để đánh giá người khác và cho rằng em trai đang sống "tủi nhục".

Hôn nhân, cuộc sống mỗi người mỗi khác. Vì thế, muốn cho trong ấm ngoài êm, mỗi người từ già đến trẻ đều vui lòng, tốt hơn hết bạn nên bạn tôn trọng ý thích của mỗi người, không phải mình thấy bất ổn thì người khác cũng không hài lòng. Bạn cũng cần chia sẻ điều này cho mẹ để bà yên lòng hơn.

Theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa
Dân Việt