Rời khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng?
Sau đám cưới đúng 2 tuần lễ, mẹ chồng gọi tôi vào phòng bà. Tôi vừa ngồi xuống mép giường, bà đã nói ngay: “Con lột đồ cưới đưa đây mẹ giữ cho. Thời buổi bây giờ trộm cướp như rươi, đeo vòng vàng chỉ tổ rước họa vào thân”.
Tôi không phải là con dâu trưởng, cũng không phải con dâu út nên trách nhiệm trong nhà cũng không nặng nề lắm. Sống chung với gia đình chồng giàu có, mọi việc đã có người làm lo hết, công việc của tôi chỉ là nấu nước pha trà, cà phê cho ba chồng mỗi sáng; buổi tối thì ủi quần áo cho cả nhà. Chủ nhật rảnh thì đi chợ với chị dâu lớn nhưng nhiệm vụ cũng chỉ là xách giỏ cho chị chứ tôi cũng không can dự vào chuyện mua bán hay lựa chọn thức ăn cho gia đình.
Trong số 5 cô dâu của nhà chồng thì tôi thuộc loại “thấp kém” nhất bởi ba má tôi tuy là giáo viên nhưng gốc nông dân. Hồi mới về Vị Thanh coi mắt tôi, ba mẹ chồng tương lai có vẻ không hài lòng. Thậm chí, khi tôi bưng nước ra mời, chỉ có ba chồng tôi uống, còn ly của mẹ chồng thì vẫn còn nguyên cho tới lúc họ ra về… Sau bữa đó, ba tôi bảo: “Kiếm thằng khác được không con? Chớ làm dâu cái nhà này không sung sướng gì đâu”.
Ba nói vậy là vì thấy mẹ chồng tương lai của tôi đeo vòng vàng đầy người và thái độ khinh người của bà. Nhưng tôi kiếm đâu ra “thằng khác” bây giờ trong khi tôi và Tuấn đã yêu nhau suốt 5 năm? Biết không tách rời được chúng tôi, ba tôi buồn rầu: “Thôi thì đành vậy chớ biết sao bây giờ. Con về bên đó, ráng liệu bề ăn ở. Làm dâu nhà giàu khó lắm nghen con”.
Tôi không hình dung được hết cái sự khó khi về làm dâu nhà giàu bởi tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, tôi đã có công việc ổn định, không ăn bám nhà chồng thì chẳng việc gì phải lo. Ở quê tôi, mọi người đồn rằng ba má tôi gả con trúng cái mỏ vàng, đồ nữ trang sính lễ nặng cả ký… Những lời thiên hạ đồn đoán có cái đúng, có cái sai nhưng ba má tôi làm thinh, không nói tới, nói lui làm gì.
Và cái chuyện “làm dâu nhà giàu khó lắm” đầu tiên mà tôi đối mặt chính là việc mẹ chồng bắt “lột” hết nữ trang đưa lại cho bà cất. Mấy chị bạn đồng nghiệp rồi sau đó là bà con ở quê cứ xầm xì bàn tán mỗi khi thấy tôi về mà trên người “chẳng có phân vàng” nào. Tôi nói với Tuấn thì anh gạt đi: “Mẹ cất đó thì còn đó, em đừng bận tâm làm gì”.
Bẳng đi một thời gian khá lâu, tôi cố gắng “chẳng bận tâm làm gì” như lời chồng tôi dặn nhưng khổ nỗi, mỗi khi về thăm nhà, mấy dì, mấy cô của tôi lại thắc mắc. Ba má tôi cũng có vẻ không vui. Họ không vui vì nghĩ rằng nhà chồng không tôn trọng mình, không thương con mình chứ không phải ham hố bạc vàng. Tôi biết vậy nhưng không lẽ lại đi nói xấu nhà chồng, đành phải an ủi cha mẹ, cũng là tự an ủi mình: Bây giờ ra đường đeo vòng vàng chẳng khác nào làm mồi cho cướp, mẹ chồng giữ dùm âu cũng là giữ cho mình an toàn.
Cuộc hôn nhân của chúng tôi hạnh phúc được 3 năm đầu. Sau đó tôi phát hiện chồng tôi có quan hệ tình cảm với một cô bạn làm chung công ty. Chuyện đến tai mẹ chồng tôi, bà kêu tôi vào phòng căn dặn: “Đàn ông năm thê, bảy thiếp là bình thường. Từ từ rồi nó cũng chán mà quay về. Con đừng có ngu mà làm lớn chuyện”.
Trời ơi, chồng tôi bị người khác giựt mà không cho tôi lên tiếng là sao? Tôi mếu máo: “Con không chịu nổi đâu, mẹ phải lấy lại công bằng cho con”. Nhưng mẹ chồng tôi thủng thẳng: “Có gì đâu mà không chịu nổi? Nó đi với con kia ban ngày còn ban đêm về với con là được rồi, có mất miếng thịt nào đâu mà lo. Thôi, đừng có lằng nhằng nữa, mệt lắm”.
Đến nước này thì tôi chỉ còn biết khóc. Tôi đến cơ quan làm việc với cặp mắt sưng vù, ai hỏi tới là khóc, đến nỗi mấy anh chị làm chung bực mình: “Cô không biết đánh ghen thì để tụi tôi làm dùm cho. Mắc mớ gì phải khóc. Thời buổi này ở được thì ở, không ở được thì thôi...”.
Có lẽ vì thấy tội nghiệp tôi quá nên mấy chị bạn đã tìm hiểu rồi đón đường dằn mặt cô gái kia. Chuyện đến tai Tuấn, tối đó anh đùng đùng lôi tôi vô phòng đóng chặt cửa. Một trận đòn mà từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tôi chưa bao giờ hình dung mình sẽ phải gánh chịu. Vừa đánh tôi, Tuấn vừa gầm gừ: “Đánh cho mày chết, để mày biết sống trong nhà này thì phải biết khuôn phép, lễ nghĩa”.
Tôi trừng trừng nhìn Tuấn. Người chồng đầu gối tay ấp của tôi đó sao? Người đàn ông mà tôi đã yêu 5 năm trước khi cưới đó sao? Hóa ra, để hiểu về một con người hoàn toàn không đơn giản.
Tôi ẵm con bỏ về nhà cha mẹ được hơn 1 tháng thì mẹ chồng tôi xuống rước về. Bà bảo: “Thôi thì con dại cái mang, con bỏ qua cho nó đi. Về trên đó rồi mẹ cho tiền mua nhà ra riêng”.
Tôi nghĩ, sống chung với cả nhà mà anh còn đánh tôi như vậy, ra riêng rồi thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Hơn nữa, tôi thắc mắc tại sao không là Tuấn mà lại là mẹ chồng tôi xuống năn nỉ, rước mẹ con tôi về? Tuy vậy, ba má tôi cũng nói vào: “Chị sui đã bỏ công xuống tới đây rồi thì con cũng nể mặt mà về đi. Con gái lấy chồng thì phải theo chồng, con về chơi năm mười bữa, nửa tháng thì được chớ ở lâu ba má cũng không chứa”.
Vậy là tôi về lại nhà chồng. Thời gian đầu, Tuấn có vẻ ăn ăn hối hận nên đi làm xong là về nhà. Tuy vậy, hình như anh cũng mắc cỡ với tôi nên chuyện vợ chồng không được như trước. Cho đến một ngày nọ, tôi thấy mọi người trong nhà rộn rịp chuẩn bị tiệc tùng. Tôi lấy làm lạ vì hôm đó không phải giỗ quải, cũng không phải sinh nhật hay lễ lạc gì mà sao lại sắp sửa mọi thứ y như là đám đầy tháng, thôi nôi vì có xôi chè, có heo quay... Tôi hỏi thì ai cũng né tránh trả lời.
Cuối cùng thì tôi cũng biết cái tiệc hôm đó là đầy tháng đứa con riêng của Tuấn với người phụ nữ kia. Đó là một đứa bé trai kháu khỉnh. Tôi điếng hồn. Ra là vậy. Cô ta đã sinh cho Tuấn con trai, trong khi con tôi lại là con gái. Chính vì vậy mà họ đã xuống nước làm lành với tôi để tôi cho qua, đừng làm lớn chuyện. Trời ơi, sao lại nỡ đối xử với tôi tàn nhẫn như vậy?
Tôi quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân này. Trước khi nộp đơn ra tòa, tôi nói với ba mẹ chồng: “Con muốn mẹ trả lại cho con số nữ trang mà mẹ đã giữ của con”. Mẹ chồng tôi bực bội: “Ai nói là của cô?”. Tôi vẫn nhẹ nhàng: “Những thứ đó ba mẹ cho con, có bà con hai họ chứng kiến...”. Ba chồng tôi im lặng trong khi mẹ chồng tôi ra điều kiện: “Nếu cô thôi thằng Tuấn mà để bé Vy lại thì tôi sẽ trả cho cô, còn không thì đừng hòng lấy được một phân!”.
Ra là họ muốn bắt con tôi, muốn giữ lại giọt máu dòng dõi giàu sang của mình. Đừng hòng, tôi thà không có số vòng vàng kia chứ không đời nào tôi đánh đổi con tôi... Thế nhưng tôi vẫn ấm ức, không muốn mình rời khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng...
Và bây giờ, mọi chuyện vẫn nhùng nhằng. Nhiều người bảo tôi đưa nội dung đòi số vàng ấy vào phần xử lý tài sản khi ly hôn, nhưng ba má tôi thì nói ngược lại: “Họ coi trọng tiền bạc quá thì cứ để lại cho họ đi con à. Tình nghĩa kiếm mới khó chớ tiền bạc có đó rồi mất đó, ham hố làm gì?”.
Tôi thấy ba má tôi có lý nhưng tôi vẫn thấy khó chịu trong lòng. Ít ra thì số vàng ấy cũng là sự đền bù cho những năm tháng tôi làm vợ, làm dâu nhà họ... Nhưng tôi cũng không chắc là họ có trả cho tôi không và quan tòa có bảo vệ quyền lợi của mẹ con tôi không?
Theo Phượng Chi
NLĐ