Ra tòa ly hôn vẫn lấm lét sợ... bị vợ đánh
Bực quá, anh T. vung tay đẩy vợ một cái, nào ngờ chỉ sau hành động đó đúng vài giây, vợ anh đứng phắt dậy đáp trả chồng bằng một cái tát thấu xương rồi sau đó túm lấy chồng quăng mạnh lên giường và dùng chân giẫm lên người khiến anh nằm ngay đơ không nhúc nhích...
Đánh thì đánh…
Nếu căn cứ vào ngoại hình thì không ai có thể hình dung anh T. là người thường xuyên bị vợ cho ăn đòn. Bởi trông anh khá dữ tướng với gương mặt để râu, đầu tóc cạo sát, trong khi đó chị B. vợ anh lại nom rất nhu mì mềm mỏng.
Bởi vậy, ngày yêu nhau dù có thời gian tìm hiểu khá lâu, nhưng anh T. luôn thấy người yêu mình là người con gái chân yếu tay mềm, hiền lành, nhu mì. Để đến khi lấy nhau về anh T. mới biết mình nhầm.
Sau khi kết hôn năm 2011, anh T. và vợ vào TP HCM mở gara sửa chữa ô tô để lập nghiệp. Do công việc thường xuyên phải giao tiếp với khách hàng nên đôi khi anh T. nhậu nhẹt về khuya. Điều này khiến chị B. vợ anh không vui, vì sợ chồng đi đêm lắm sẽ dẫn đến chuyện ngoại tình. Hai vợ chồng thường xuyên tranh cãi nhau vì điều này, tuy nhiên cũng chưa bao giờ phải động tay động chân với nhau.
Nhưng rồi cũng đến một ngày “giọt nước tràn ly”, khi một lần tranh cãi nhau về chuyện đi ăn đám cưới, chồng muốn thế này, vợ lại cho kia là phải, chẳng ai chịu ai, bực quá, anh T. vung tay đẩy vợ một cái, nào ngờ chỉ sau hành động đó đúng vài giây, vợ anh đứng phắt dậy đáp trả chồng bằng một cái tát thấu xương rồi sau đó túm lấy chồng quăng mạnh lên giường và dùng chân giẫm lên người khiến anh nằm ngay đơ không nhúc nhích.
Sau hành động nặng tay đó, anh T. không những đau mình mẩy suốt mấy ngày liền mà còn nhận ra chân tướng thật của người vợ, mà hồi tìm hiểu anh đã nhìn không ra. Đó là chị B. vợ anh đã được cha là võ sư dạy võ cho từ nhỏ và trình độ “đánh đấm” không tồi.
Kể từ lần được nếm trận đòn “chào sân” đó, anh T. đã chính thức trở thành nơi “dượt võ” của vợ. Đó là những lần vì không hài lòng, chị B. vung chân đá chồng, theo bản năng, anh T. đá lại nhưng không ngờ lại bị vợ móc chân rồi đẩy ngã xuống đất và bẻ gập tay ra đằng sau, khiến anh bị trật khớp phải tới bệnh viện chữa trị.
Rồi những lần chị B. vác dao đuổi chồng, cắn đứt cả một miếng thịt trên vai chồng phải đi khâu cho tới hành động “nổi lửa” thiêu chiếc xe máy mà hai vợ chồng làm ăn tích cóp được, rồi đòi mua thuốc diệt chuột về sát hại hết nhân viên ở xưởng gara vì tức giận chồng và gia đình nhà chồng….
Yêu vẫn yêu
Theo hình dung của nhiều người, hẳn anh T. – người chồng khốn khổ vì những trận đòn của vợ sẽ nhanh chóng đi đến quyết định li dị để… bảo toàn tính mạng.
Nhưng không, vì cho đến tận ngày đi đến quyết định phải ly hôn để thoát khỏi cảnh bị vợ đánh đập và vì lo sợ tình cảm cha con trở nên tồi tệ hơn do bị ảnh hưởng xấu từ mẹ, anh T. vẫn rất băn khoăn. Bởi anh vẫn yêu vợ và biết rằng vợ cũng rất yêu mình, thể hiện sau những lần đánh chồng “thừa sống thiếu chết” xong thì lại ân hận, hối lỗi chăm sóc phục vụ chồng rất tận tụy.
Về phía gia đình nhà anh T., thấy con trai bị đòn nhiều quá, lại biết con dâu nóng tính, là con nhà võ nên mẹ chồng đã dùng lời lẽ mềm mỏng thuyết phục mong con dâu kìm chế bớt tính nóng, đáp lại cô con dâu lần nào cũng đều gật đầu tỏ vẻ hối lỗi, nhưng rồi chỉ vài ngày sau đâu lại hoàn đấy và con trai bà vẫn tiếp tục bị xơi đòn. Cực chẳng đã người mẹ chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm, khuyên con trai nhẫn nhịn để gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Còn về phía chị B. – thủ phạm của những trận đòn, ngay cả khi anh T. đã đệ đơn ly hôn lên tòa nhưng vì còn rất yêu chồng nên chị B. đã không chấp nhận, tìm mọi cách tránh né, không dự các phiên hoà giải rồi cấp sơ thẩm xử ly hôn, chị kháng cáo, nhất quyết không chịu ly hôn
Từ nhịn ở nhà đến nhịn ở tòa
Chuyện anh T. nhịn vợ nhiều người cũng rành như chuyện anh T. bị đánh. Đã thành thói quen, cứ về nhà nhìn mặt thấy vợ không vui là anh T. lẳng lặng đi làm việc nhà hoặc sang hàng xóm chơi để tránh bị đánh. Nhịn ở nhà thế nào thì ra tòa, người chồng này cũng vậy.
Như đã nói ở trên về ngoại hình anh T. trông khá dữ tướng trong khi vợ anh lại nom rất nhu mì mềm mỏng, thế nhưng trước tòa, anh T. mềm mỏng bao nhiêu thì cô vợ lại quyết liệt. Không những nhất quyết không chịu ly hôn mà chị B. còn chối phắt chuyện bạo hành chồng.
Chị này chỉ thừa nhận đã có một lần đánh chồng chỉ vì anh T. không chịu nghe điện thoại của vợ. Về phần mình trong lá đơn ly hôn, tuy rất bức xúc về chuyện bị vợ đánh nhưng anh T. cũng chỉ nêu ngắn gọn rằng tính tình không phù hợp và bị vợ bạo hành. Phải đến khi hội đồng xét xử hỏi thì việc anh T. bị bạo hành ra sao mới được làm sáng tỏ. Trong phiên toà phúc thẩm, anh T. mắt lấm lét liếc vợ rồi đề đạt nguyện vọng: “Đề nghị tòa cho tôi được ly hôn chứ tôi bị cô ấy đánh đập nhiều lần lắm rồi”.
Căn cứ thực tế diễn ra tại phiên toà, Hội đồng xét xử đã tuyên cho anh T. được ly hôn. Thậm chí, kết thúc phiên toà, những thành viên của Hội đồng xét xử còn phải dặn cảnh sát hỗ trợ tư pháp phải để ý canh chừng anh T. và cô vợ (cũ) cho đến khi họ ra khỏi toà án, đề phòng cô vợ lại hành hung chồng.
Ngộ nhận về sức mạnh bản thân?
Khi nói đến bạo lực gia đình, người ta thường nghĩ đến chồng bạo hành với vợ, nhưng trên thực tế sự ngược lại vợ bạo hành chồng cũng không hiếm mà vụ trên đây là một ví dụ. Sự đay nghiến, chì chiết, kiểm soát tiền bạc, thời gian, cấm vận tình dục, hành hạ tinh thần, bạo hành thể xác là các hình thức mà các bà vợ thường sử dụng khi bạo hành chồng.
Theo thống kê của ngành Công an, cả nước cứ khoảng 2 – 3 ngày có 1 người bị giết liên quan đến bạo hành gia đình, 80% nạn nhân là nữ, số nạn nhân còn lại là đàn ông. Trong năm 2005 có 14% số vụ giết người liên quan đến bạo hành gia đình (151/1113 vụ, trong đó 39 vụ chồng giết vợ, 16 vụ vợ giết chồng)…
Có thể nói, bản năng bạo hành tồn tại ở cả hai giới chỉ khác nhau ở xuất phát điểm. Nếu như người nam dễ thực hiện hành vi bạo hành vì sự nóng tính thì bạo lực do phụ nữ gây ra thường có nguyên nhân phức tạp hơn.
“Hành vi bạo hành cơ học của nữ giới đối với nam có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như ngộ nhận về sức mạnh của bản thân, hoặc cũng có thể do việc không thể giải tỏa áp lực cuộc sống hằng ngày” – là nhận định Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học Việt Nam.
Ở câu chuyện nói trên, giá như về phần mình chị B. biết kìm chế bản thân, không lạm dụng việc mình biết võ, tránh sử dụng nắm đấm với chồng và thay vào đó cả hai vợ chồng biết đối thoại thay cho đối đầu thì hẳn sẽ không có cảnh gia đình phải ra tòa, tan đàn xẻ nghé.
Theo Bình Yên
Pháp luật Việt Nam