Ra Tết lại thiếu... người giúp việc

Khi các cơ quan, công sở chính thức bước vào ngày làm việc đầu tiên cũng là lúc nhiều chị em phải đau đầu thu xếp việc nhà, việc công sở. Nguyên nhân là bởi người giúp việc của những gia đình này vẫn chưa “khai xuân”.

Nghỉ Tết 1 tháng

 

Cho dù đã gắn bó với nhau được hơn 2 năm, quan hệ chủ nhà - người giúp việc thuận hòa thì chị Phạm Minh Phương (ngõ 233 Xuân Thủy - Cầu Giấy) vẫn không khỏi ấm ức khi đây là Tết thứ hai, người giúp việc thông báo nghỉ Tết ít nhất 1 tháng. “Tết năm ngoái, bà giúp việc về quê ăn Tết kém 10 ngày là tròn 2 tháng. Năm nay, bà cho biết phải thu xếp việc cấy hái, lễ lạt đầu năm đến hết tháng Giêng mới xong. Tôi gọi điện nhiều lần vừa để chúc Tết, vừa để thương lượng nhưng bà không nhấc máy” - chị Minh Phương bức xúc.

 

Khi các cơ quan, công sở chính thức làm việc thì nhiều gia đình có con nhỏ chưa đến tuổi tới trường, không có ông bà nội ngoại chăm nom giúp lại khốn khổ.

 

Chị Đỗ Hoàng Linh (Phan Đình Giót - phường Phương Liệt) chia sẻ: “Đàm phán mãi bà giúp việc cho gia đình tôi mới đồng ý ngày 16 tháng Giêng xuống làm. Nếu giờ thuê người giúp việc khác thì chưa chắc người mới đã hợp, lại mất thời gian thích nghi với cháu bé, thôi thì đành cố gắng đợi bà ấy xuống”. Theo chị Hoàng Linh, hai vợ chồng phải thay phiên nhau “đi muộn, về sớm” để trông con trong những ngày này. Tuy nhiên, công việc cơ quan rất nhiều, lại lo ngay ngáy “sếp” gọi giao nhiệm vụ mới mà không hoàn thành được. “Có lúc căng quá, hai vợ chồng to tiếng với nhau. Lịch sinh hoạt, làm việc của gia đình bị đảo lộn hoàn toàn”- chị Hoàng Linh nói.

 

Khó kiếm được người tin cậy

 

Người giúp việc không thiếu, ngay cả trong dịp Tết. Trên website của văn phòng chuyên giới thiệu người giúp việc 24/7 ngày 5-2-2014 thông báo: “Hôm nay chúng tôi có 16 lao động quê tỉnh: Phú Thọ- Vĩnh Phúc-Thái Nguyên- Bắc Giang- Thái Bình. Tuổi từ 18-55 làm giúp việc gia đình, chăm trẻ nhỏ, chăm sóc người già, ốm, phụ bán hàng, làm nhà nghỉ, nhà hàng... ăn ở tại chỗ hoặc sáng đi tối về. Lý lịch rõ ràng. Quý khách có nhu cầu xin liên hệ với chúng tôi”. Liên hệ với công ty dịch vụ lao động có văn phòng tại 70 Phạm Thận Duật (quận Cầu Giấy), nhân viên của công ty khẳng định: “Chúng tôi đã có sẵn người giúp việc để khách hàng chọn. Tùy theo nhu cầu thuê người giúp việc theo ngày, theo giờ hay theo tháng, chúng tôi sẽ tư vấn người phù hợp”. Mức giá trung bình của người giúp việc theo giờ hiện phổ biến ở mức 35.000 đồng/giờ, và theo tháng là 3 triệu đồng/tháng. Thù lao này vẫn được giữ nguyên, không tăng giá so với trước Tết.

 

Chị Mai Hương (Vũ Thạnh - Đống Đa) cho biết: “Từ khi sinh con đầu cách đây gần 5 năm đến nay, gia đình tôi đã thay hàng chục người giúp việc. Trung tâm luôn có sẵn người, muốn đổi người nào cũng được, nhưng người nào từ trung tâm tới mà mình hài lòng về họ, tạo điều kiện cho họ, họ cũng chỉ ở được 3 tháng, rồi bỏ. Có người đến chỉ được 2 ngày, khi họ đi rồi tôi mới phát hiện quần áo đẹp của mẹ của con bị mất… Tôi sợ người giúp việc ở trung tâm nhưng không có người quen ở quê nên không nhờ được người nào tin cậy”.

 

Cuối tháng 12-2013, tại cuộc hội thảo “Lao động giúp việc gia đình và chính sách pháp luật liên quan”, do Vụ Báo chí - xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, có ý kiến đề xuất đưa giúp việc gia đình chính thức trở thành một nghề trong danh mục nghề quốc gia. Khi đó, người lao động sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo pháp luật như được đào tạo nghề, cấp chứng chỉ hành nghề… và sẽ tránh được những kỳ thị, phân biệt từ xã hội. Đề xuất này được giới chuyên gia ủng hộ. Tuy nhiên, để giúp việc trở thành một nghề cần có quy định, quy chế rõ ràng trong cam kết sử dụng lao động để tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của cả người thuê và người làm thuê. Thực tế cho thấy, nếu người lao động làm tốt công việc của mình, chủ nhà thường không bạc đãi, thậm chí còn lựa cả lời ăn tiếng nói, lương thưởng hậu hĩnh để việc hợp tác được lâu dài. 

 

Theo Vân Hằng

ANTĐ