Quyền thăm con

Thực tế, nhiều người chưa hiểu đúng về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con khi ly hôn, hoặc có hiểu nhưng vì những hiềm khích cá nhân, sự ích kỷ của bản thân... họ đã gây khó, cản trở quyền thăm nuôi của người kia.

 
Quyền thăm con - 1


Bức xúc quyền thăm con

 

Chị Lệ, ở Q.6, TPHCM là giáo viên, kết hôn từ năm 2002, có đứa con trai 8 tuổi. Năm 2008, do không chịu được sự vũ phu của chồng, chị đã chủ động ly hôn. Khi ly hôn, do khó khăn về kinh tế nên chị đồng ý để người cha nuôi con. Tuy nhiên, sau ly hôn, người cha tìm đủ mọi cách không cho chị được gặp con, dù hai nhà chỉ cách nhau khoảng hơn 200m, cùng khu phố. Vài lần hai mẹ con lén lút gặp nhau, người cha phát hiện, đã đánh, chửi mắng và áp đảo tinh thần của con. Sự việc nghiêm trọng đến mức có lần con chị Lệ nhìn thấy mẹ là quay mặt bỏ đi, không dám sà vào lòng mẹ như trước. Liên hệ với nhà trường, chị Lệ còn được biết cháu đang bị suy dinh dưỡng, đi học có biểu hiện mệt mỏi, không tập trung.

 

Bức xúc, chị đã tìm cách để xin thay đổi người nuôi con và để mọi việc thuận lợi, có căn cứ pháp lý, chị đã thực hiện theo quy trình “ba bước” trước khi đến tòa.

 

Bước một, chị nhờ tổ trưởng dân phố chứng kiến và xác nhận vào đơn về việc chị có đến thăm nom nhưng người cha gây khó khăn, cản trở.

 

Bước hai, chị đến trường làm đơn xác nhận, xin sao chụp hồ sơ học bạ, sổ liên lạc... để minh chứng tình trạng sức khỏe, hạnh kiểm và học lực của con.

 

Bước ba, chị làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết cho thi hành vấn đề thăm nom, chăm sóc con chung theo án tòa. Cơ quan thi hành án đã mời các bên đến làm việc, người cha hứa hẹn sẽ tạo mọi điều kiện cho người mẹ được thăm con, không gây khó nữa. Nội dung này được ghi vào biên bản, có ký tên đóng dấu của cơ quan thi hành án.

 

Nhưng người cha lại không thực hiện đúng những gì đã thỏa thuận. Lúc này, chị Lệ kiện ra tòa xin thay đổi người nuôi con. Với những chứng cứ và quy trình đã làm, tòa án chấp nhận yêu cầu của chị Lệ, quyết định cho thay đổi người nuôi con một cách thuyết phục.

 

Cùng bức xúc chuyện thăm con, chị Xuân, nhà ở huyện Bình Chánh, TPHCM, kể: “Vợ chồng tôi ly hôn từ năm 2007. Khi ly hôn anh ấy nuôi con trai lớn, tôi nuôi đứa con gái nhỏ, không ai cấp dưỡng cho ai. Sau khi ly hôn, tôi thuê nhà ở riêng. Thực hiện đúng quyết định của tòa án, tôi tạo điều kiện thuận lợi để người cha đến thăm con. Nhà tôi ở, anh ấy đến bất kỳ lúc nào cũng được, thậm chí có lúc còn ở qua đêm. Tuy  cảm thấy rất bất tiện, nhưng vì con tôi phải chấp nhận.

 

Ngược lại, anh ấy luôn gây khó khăn khi tôi thăm đứa con mà anh ấy đang nuôi. Thay vì trực tiếp nuôi con, anh ấy phó thác hết cho bà nội, trong khi bà nội còn đang nuôi hai đứa cháu khác. Ngày mới giành được quyền nuôi đứa con lớn, anh ấy đã dùng thủ đoạn liên tục thay đổi chỗ ở, giấu địa chỉ. Là người kinh doanh địa ốc, có nhiều nhà nên anh ấy cho con ở nhiều nơi. Sau nhiều lần kiên trì theo dõi, tôi cũng tìm được nơi ở của con tôi. Tuy nhiên, người cha và bà nội không tạo điều kiện cho tôi gặp. Tôi đến trường thăm con thì nghe được cha và bà nội dặn cô giáo là không cho thăm”.

 

Thất vọng, chị Xuân đã tìm đến luật sư nhờ tư vấn biện pháp để được thăm con hoặc có thể thay đổi người nuôi con một cách hợp pháp. Qua tư vấn, chị Xuân đã làm đơn xin giúp đỡ gửi đến Hội Phụ nữ, UBND phường nơi người cha cư trú.

 

Mỗi lần đến thăm con mà bị gia đình chồng gây khó khăn cản trở, chị Xuân đều báo với chính quyền cơ sở, có mời tổ trưởng tổ dân phố đến chứng kiến. Có xác nhận của tổ trưởng dân phố về việc chị có đến thăm con nhưng gia đình chồng gây khó khăn nên đơn của chị được Hội Phụ nữ và UBND phường tiếp nhận giải quyết ngay.

 

Tại buổi họp hòa giải theo yêu cầu của chị Xuân, cán bộ Hội Phụ nữ và UBND phường đã giải thích, phân tích theo Luật Hôn nhân và gia đình, kể cả tình cảm cho phía người cha và mẹ chồng thấy việc cản trở người mẹ thăm con là sai trái, vi phạm pháp luật. Họ đã hứa hẹn sẽ sửa chữa, khắc phục. Chị Xuân cũng được động viên cho họ cơ hội và thời gian để kiểm chứng lời hứa, thay vì đổi người nuôi con theo nguyện vọng của chị Xuân. Mặt khác, bản thân chị Xuân cũng đang khó khăn, ở nhà thuê, lại phải nuôi đứa con nhỏ.

 

Với cách làm này, người cha và mẹ chồng của chị Xuân đã “biết sợ”, từ đó các bên đã hợp tác, tôn trọng và phối hợp với nhau nuôi dạy con tốt hơn.

 

Mạnh dạn nhờ pháp luật

 

Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên. Đây là quyền lợi cũng là nghĩa vụ về nhân thân, mang tính bắt buộc của bậc làm cha mẹ. Theo đó, người nuôi con nếu gây khó, cản trở người kia đến thăm con; hoặc người không trực tiếp nuôi con nếu lạm dụng việc thăm con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến con đều là hành vi vi phạm pháp luật.

 

Ngoài ra, hành vi gây khó, cản trở quyền, nghĩa vụ trong quan hệ giữa cha, mẹ và con cũng là hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại điều 2 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Tại bản án hoặc quyết định ly hôn của tòa án, vấn đề người nuôi con, cấp dưỡng; vấn đề thăm con, cũng được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, thông thường người trong cuộc chỉ chú trọng và yêu cầu thi hành về phần cấp dưỡng nuôi con, ít ai nghĩ đến yêu cầu thi hành về việc thăm nom, chăm sóc con. Như vậy, nếu người nuôi con không thi hành việc “cho thăm con” thì người kia có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp không tự nguyện thi hành, có thể bị cưỡng chế thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

 

Pháp luật đã có quy định đầy đủ về vấn đề thăm con sau ly hôn, trong đó có các biện pháp chế tài nghiêm khắc. Nếu phát hiện có những hành vi gây khó, cản trở việc thăm con thì người trong cuộc nên mạnh dạn nhờ đến pháp luật và các cơ quan chức năng can thiệp, giúp đỡ, thi hành, xử phạt hành chính... Nếu mọi nỗ lực đều không có kết quả, thì với các chứng cứ và biện pháp đã thực hiện, bạn có quyền làm đơn thay đổi người nuôi con một cách chính đáng và cần thiết, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con trẻ.

 

Theoo LS Huỳnh Minh Vũ

PNO

 

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000đ đến 100.000đ đối với hành vi thường xuyên cản trở người không trực tiếp nuôi con thăm nom con sau khi ly hôn. (Điều 15, Nghị định 87/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình).

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000đ đến 300.000đ đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con. (Điều 13, Nghị định 110/2009 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ).