Góc tâm hồn
Quê nghèo có mẹ
(Dân trí) - Tuổi xuân dần qua đi nhưng mẹ chẳng để tâm tới chuyện chồng con kể từ khi người đàn ông đầu đời sau chuyến ra biển đã mãi mãi không về.
Trong hơi ấm của những ngày làm mẹ bên đứa con đầu lòng, tôi nhớ về mẹ.
Nhiều lần bà ngoại giục, nhưng mẹ vẫn đi về một mình một bóng. Một ngày chợt thấy mình đã quá lứa lỡ thì, nhan sắc tàn phai, mẹ muốn “xin” một đứa con của người đàn ông cùng xã cho đỡ phần cô quạnh.
Người mà tôi gọi bằng bố đến giờ này tôi vẫn không rõ là ai, cả bà ngoại tôi cũng thế. Duy chỉ có mẹ biết nhưng không bao giờ nói.
Trong thời gian mẹ thai nghén tôi, để khỏi lời ra tiếng vào, ông bà ngoại cắn răng, gạt nước mắt dựng cho mẹ một túp lều ở cuối làng, sát với cánh đồng và nghĩa địa. Tôi ra đời trong cái túp lều bé nhỏ đó. Tôi là cả cuộc đời của mẹ, là niềm vui, là hạnh phúc của mẹ. Mẹ chỉ cần có tôi là đủ. Vì thế, bao nhiêu tình cảm mẹ dành hết cho tôi.
Tôi lên cấp 1 học ở trường làng, các cậu các dì thương tình dựng cho mẹ căn nhà nhỏ thay thế túp lều tranh ngày nào. Với vườn rau xanh mướt, đàn heo, mấy con gà, vịt… mẹ nuôi tôi khôn lớn, cho học hành tử tế. “Mẹ có đói, có khát cũng phải để con đi học” - Mẹ luôn bảo tôi thế mỗi lần tôi có ý định bỏ học vì thương mẹ tảo tần.
Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi ở bên mẹ dù dưới mái nhà tranh vách nứa. Cái hạnh phúc đằm thắm của hai mẹ con đã khiến tôi nghĩ, nếu có người đàn ông nào đó xuất hiện ở đời này để mình gọi bằng bố chắc cũng vô nghĩa. Tôi muốn giữ mãi cái nếp sống thanh bình, giản dị, sớm tối có mẹ bên mình.
Nhưng số phận đã để tôi phải xa mẹ khi tôi lấy chồng thành phố, tôi và chồng đều công tác ở đó. Ngày tôi từ biệt mẹ ra đi, hình bóng mẹ nhỏ nhoi thui thủi ra vào một mình đã khiến tôi bật khóc.
“Con lên phố lập nghiệp dành dụm tiền mua nhà rồi đón mẹ lên theo”, đó là câu gởi gắm sau cùng trước lúc rời xa quê. Sau vài tháng xa mẹ, tôi cùng chồng về đón mẹ lên ở chung trong căn nhà trọ chật hẹp. Mẹ bảo: “Đừng lo cho mẹ, mẹ không rời quê hương được, mẹ đi ai nuôi heo, ai trồng rau, trồng cà”.
Tôi sinh con đầu lòng. Đứa con giúp tôi hiểu được thế nào là tình thương của mẹ, giúp tôi hiểu hơn 25 năm trước, mẹ đã sinh ra tôi như thế nào, mẹ đã nhọc nhằn vượt bao đắng cay của cuộc đời khi không có người đàn ông bên cạnh gánh vác, chia sẻ buồn vui.
Trong hơi ấm của những ngày làm mẹ bên đứa con đầu lòng, tôi nhớ về hình ảnh người đàn bà ngồi thái rau cho lợn bên bếp lửa hun hút cháy ở một vùng quê rất xa, nước mắt lại rơi.
Yên Mã Sơn