Quan lớn, vợ bé (2)

(Dân trí) - Không muốn mất tài sản, càng không muốn mất chồng khi tuổi đã xế chiều, ba người phụ nữ trong những câu chuyện đã khẩn thiết gửi đơn kêu cứu đến các nơi có thể kêu cứu: Hội Phụ nữ, Ban Tư pháp, Báo Phụ Nữ, cơ quan công an, tòa án.

Quan lớn, vợ bé (2) - 1


 

Pháp luật bó tay  

 

Trong đơn là những lời khẩn cầu các cơ quan thẩm quyền hãy bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, không chấp thuận cho các ông chồng có vợ lẽ được dễ dàng ly hôn, bỏ rơi người bạn đời hợp pháp; cũng không được phân chia tài sản làm tan cửa nát nhà. Có người giận dữ hơn, đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hình sự hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng của chính chồng họ.

 

Chứng cứ: khó!

 

Ác thay, việc đòi lại tài sản cũng như việc trừng phạt không hề đơn giản, dù thực tế có vẻ như mười mươi là các ông đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Bởi, trong quá trình quan hệ ngoài luồng, các đức ông chồng này đã biết lách luật một cách khôn khéo.

 

Tiến sĩ luật Nguyễn Thái Phúc (Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Bộ Tư pháp phía Nam) cho biết, Bộ luật Hình sự có điều 147 quy định tội danh vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Theo điều luật này, chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự khi hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một bên hoặc cả hai bên tan vỡ, dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng con vì thế mà tự sát ... Cũng có thể xử lý hình sự nếu như người vi phạm chế độ một vợ một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

 

Tuy nhiên, cũng theo ông Phúc, việc xác định hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng là cả một... chặng đường cam go. Trước hết xét về khái niệm pháp lý, người có hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng là người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống với người mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, có tài sản chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...

 

“Sưu tầm” được chừng ấy tình tiết quả là gian nan. Nhiều bà vợ cũng muốn làm cho ra lẽ chuyện vợ bé của chồng, nhưng chưa “củng cố” được bao nhiêu chứng cứ là đã phải giơ tay xin hàng vì... ngán ngẩm. Có bà hăng hái theo dõi chồng, bắt quả tang ông ta đang ăn nằm với bà kia, cho rằng  mười mươi đó là vi phạm hôn nhân một vợ một chồng, nhưng công an chỉ xử phạt hành chính vì… không khai báo tạm trú, tạm vắng. Khiếu nại, công an nói họ đâu có tài sản chung, cũng chẳng có con chung, hàng xóm láng giềng đâu có tưởng họ là vợ chồng, làm sao xử phạt vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng được. Họ chỉ là “bồ bịch”. Mà chuyện bồ bịch, pháp luật đâu có chế tài xử phạt. Không có xử phạt hành chính lần một về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì lấy đâu căn cứ để xử lý hình sự?

 

Việc xác định con chung, tưởng dễ mà cũng không dễ chút nào. Nếu như giấy khai sinh của con ghi rõ tên người cha, đồng thời trước pháp luật, người cha cũng thừa nhận đó là con của mình, thì không thành vấn đề, nhưng khi người chồng phủ nhận là coi như... thua. Trường hợp của chị Hà là một ví dụ điển hình: rành rành tên chồng chị đứng khai sinh cho con trai của vợ bé, nhưng anh “cãi” trước tòa, đó chỉ là chuyện trùng tên, trùng họ, trùng quê quán; đâu phải chỉ có mình anh có tên như vậy.

 

Một vị kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM kể một vụ án xác định cha cho con mà ông từng tham gia, nghe cứ như... chuyện đùa: Sau khi tranh luận gay cấn tại tòa án không có kết quả, thẩm phán chủ tọa phiên tòa nổi cáu đập bàn: “Thằng bé nó giống anh như lột thế kia mà anh còn cãi chày cãi cối à?” (cháu bé bốn tuổi được người mẹ dẫn đến phiên tòa, hy vọng cha nhìn thấy, thương  mà nhận con). Bị đơn chẳng chịu thua  (ông ta cũng làm quan), chỉ thẳng vào chủ tọa, lớn tiếng: “Ông bảo nó giống tôi như lột, nhưng tôi thì tôi lại thấy nó giống ông như lột đấy!”.

 

Có những trường hợp, trong giấy khai sinh của cháu bé rành rành tên người cha, nhưng đương sự vẫn phủ nhận “ngon ơ”, mình chỉ là bạn của mẹ nó, thương cô ấy không chồng mà có con nên đứng tên cha giùm cho mẹ con cô ấy đỡ tủi.

 

Có một cách để xác định con chung khiến các ông bố lý sự hết đường cãi là giám định gene (còn gọi là giám định ADN). Tòa án thường trưng cầu giám định ADN và kết quả giám định của cơ quan chuyên môn là căn cứ để tòa phán quyết. Tuy nhiên, lợi thế khoa học này lại bị rào cản tố tụng làm hạn chế hiệu quả. Có những trường hợp, tòa ra quyết định trưng cầu giám định ADN, đương sự không chịu đi giám định khiến tòa phải chào... thua, vì trong tố tụng dân sự, không có chế tài ép buộc. Nếu cưỡng chế giám định, quan tòa có khi còn bị khiếu nại vì vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân mà Hiến pháp đã quy định. Trong tố tụng dân sự, nguyên tắc cơ bản là người khởi kiện phải có nghĩa vụ chứng minh (bên bị kiện không có nghĩa vụ này). Đây là kẽ hở của pháp luật để các ông bố vin vào mà chạy tội.  

 

Việc xác định tài sản chung cũng chẳng dễ hơn, vì các ông chồng “vướng” vào những mối quan hệ này thường rất “mưu trí”. Hai vụ việc nêu trong bài một chỉ là những ví dụ rất nhỏ: Trường hợp chị Nguyễn Thị Cam, căn hộ chung cư chồng chị mua cho mẹ con người đàn bà kia đã được chồng chị để cô ta đứng tên. Trong hợp đồng mua bán, người đặt  tiền cọc, người thanh toán tiền các đợt cũng đều là cô ta. Ở trường hợp chị Vận, chồng chị còn cao tay hơn. Căn biệt thự được “phù phép” dưới tên của... mẹ cô kia. Tất cả những hóa đơn thanh toán vật liệu xây dựng, chi phí nhân công... đều do mẹ cô ta đứng ra trả tiền, chỉ chiếc xe bốn chỗ là đứng tên cô ta.

 

Nếu có chứng cứ chứng minh đó là khối tài sản chung của vợ chồng được tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân “bỗng dưng” bị người chồng lấy đem cho... người khác, thì còn có cơ may đòi lại được, nhưng ở hai trường hợp trên, đều là... mò kim đáy bể. 

 

Ly hôn: dễ!

 

Tóm lại, cứ theo như mong muốn của các bà vợ hợp pháp thì rõ ràng là việc xử lý hành chính, hình sự cũng như việc đòi lại tài sản là rất khó khăn. Trong khi đó, việc xử ly hôn (là những điều mà các bà vợ không mong muốn), lại quá dễ dàng...

 

Một thẩm phán từng xử rất nhiều vụ án ly hôn cho biết: hầu hết án ly hôn, khi có bằng chứng về việc “người thứ ba xen vào”; đặc biệt là với những cặp vợ chồng có “thâm niên” sống chung cao, chúng tôi đều bác đơn xin ly hôn của các ông chồng để họ có thời gian ngẫm lại quãng đời đã qua bên cạnh người bạn đời hợp pháp của mình; hy vọng quý ông đổi ý. Thực tế xét xử cũng có những trường hợp ông chồng sau một thời gian suy ngẫm đã ân hận, quay lại “mái nhà xưa”. Nhưng một năm sau, nếu người chồng vẫn khăng khăng ly hôn, ông ta có quyền  làm đơn lại và tòa  phải thụ lý. Lúc đó, chúng tôi buộc lòng phải làm theo luật, xử cho họ ly hôn, không có cách nào khác, vì “cuộc sống chung của họ không hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được” (những nội dung này là căn cứ cho việc xử ly hôn của tòa án).

 

Luật sư Điền Đức Thành (Đoàn Luật sư TPHCM) có lý do của mình khi hành nghề luật sư mà không bao giờ nhận vụ việc ly hôn. Ông nói: “Tôi không muốn chứng kiến thân phận luôn thua thiệt của người phụ nữ trong những cuộc chia ly do hôn nhân đổ vỡ”.

 

Có lẽ cũng nhận thức rõ sự thua thiệt này mà chẳng bao lâu sau khi những lá đơn kêu cứu được gửi đi khắp các nơi có thể gửi, Báo Phụ Nữ lại nhận được những phản hồi theo chiều hướng... ngược lại. Các chị đều ngậm ngùi xin phóng viên thông cảm, cho rút đơn lại, không kiện chồng nữa. Bấm bụng chấp nhận chồng “đi lại” với vợ bé, theo các chị là phương án “ít mất” hơn cả...

 

Theo Thu Ba

Phụ nữ online