Quản chồng?
Anh nhớ mãi lần xe hư, trong túi chỉ vỏn vẹn hơn chục ngàn, trời lại mưa lất phất. Lẽ ra cứ liều ghé sửa xe rồi gửi giấy tờ lại, nhưng lòng trĩu nặng, anh quyết định dắt bộ về nhà. Mở cửa, thấy em vờ tỏ vẻ vô tư như “chẳng có gì ầm ĩ”, anh càng thêm giận. Đến bao giờ em mới hiểu rằng, cái cách quản lý chồng của mình đã lạc hậu, cổ hủ lắm rồi?
Giờ thì anh giỏi “lách” lắm rồi, em có biết không? Sao em không tự hỏi vì đâu anh chẳng còn kỳ kèo khi mỗi ngày mỗi “lãnh lương” nữa? Anh cũng không buồn đề nghị em cho anh ứng theo tuần hay tháng cho dễ chi tiêu như trước, vì anh đã có giải pháp xoay xở, tương kế tựu kế. Anh buồn cười nhớ em kịch liệt phản đối việc chồng có trong túi hơn trăm ngàn, dễ sinh tật. Phỏng có ích gì khi thâm tâm người ta đã muốn hư hỏng.
Anh muốn nói với em rằng, khi một người đàn ông không được làm chủ cuộc sống của mình, điều đó đủ sức để mọi cảm xúc chết dần chết mòn. Anh thú thật là đôi khi chẳng còn hứng thú trở về nhà nữa, khi vừa hết giờ là đã thấy em nhắn gọi. Mỗi khi anh có chút thời gian rảnh rỗi, em đều nhắc nhở anh không được thế này thế nọ. Em không thích anh gặp gỡ bạn bè, không muốn anh giao tiếp ngoài xã hội, em muốn anh chỉ biết có công việc và gia đình. Mà sống như thế, khác nào anh phải đi tu hay… đi tù? Một người vất vả lao động mà chẳng được hưởng chút nào thành quả làm ra, bị xét nét chi li từng xu từng đồng, thì lấy gì ra động lực để mà anh tiếp tục đi “cày” về nộp cho em đây? Đến cả việc biếu mẹ ít tiền, anh cũng phải tự chắt bóp, thì làm sao anh không phải giấu em lập quỹ riêng được?
Anh nhìn lại lòng mình, thấy đan xen bao nỗi thất vọng, chán ngán, mỏi mệt, mà không khỏi lo lắng…
Theo Hải Đăng
PNO