Quá liều

Đời sống hôn nhân là chuỗi dài của sự tương tác và điều chỉnh. Thấy chồng/vợ có những thói xấu hoặc mắc lỗi lầm, ta thường tìm cách giúp họ hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, nhiều người thay vì một tác động vừa đủ thì lại đi quá trớn!

 
Quá liều  - 1


Liều cao mau khỏi?

 

Trong ngành y, bác sĩ giỏi sẽ cho bệnh nhân đúng loại thuốc, đúng liều điều trị. Trải nghiệm từ những lần làm “quá liều” với chồng, chị Thúy Hằng (bán đồ chơi trẻ em, Q.Phú Nhuận) đã lưu ý điều này với nhiều bà vợ.

 

Là phụ nữ nhưng chị Hằng phải gánh vác mọi việc gia đình vì chồng chị rất lười. Để chồng thay đổi, chị thường trách nào là chồng ích kỷ, vô dụng, thiếu trách nhiệm; nào là nhà có thêm một bé lên ba để chị chăm chút, phục dịch. Khi con trai có biểu hiện lười học, ù lì, chị lại phán “con giống cha”. Nói trong nhà chưa đủ, chị còn mắng vốn nhà chồng để kiếm thêm đồng minh. Nói riết chẳng ăn thua, chị Hằng bèn nêu “gương điển hình” của ông hàng xóm để chồng có hướng phấn đấu. Không ngờ, chồng chị Hằng không noi theo mà lại có biểu hiện sẵn sàng gây hấn với ông hàng xóm khi có dịp chạm mặt. Để chồng bớt ỷ lại, chị giao tiệm tạp hóa cho chồng trông coi để đi về quê đám tiệc, nào ngờ chồng chị đóng cửa đi chơi vì “không biết bán”. Chị cậy người quen xin cho chồng làm một công việc thật vất vả để anh có môi trường rèn luyện, anh bỏ ngang chỉ sau ba ngày. Thất nghiệp ở nhà, anh cũng không phụ giúp việc buôn bán với vợ.

 

Chị Hằng chia sẻ: “Thực ra, trước kia anh ấy cũng không đến nỗi chây lười như thế, chỉ vì tôi quá nôn nóng và không biết cách khuyến khích chồng. Mỗi khi anh phụ việc, tôi không khen vì cho rằng đó là trách nhiệm của anh và vì sợ anh sẽ “làm lừng”. Tâm lý của bà vợ nào cũng muốn chồng phải giỏi, giỏi ngay, giỏi hơn nữa chứ không dừng lại ở đó, nhưng bản tính con người đã có từ bé, không thể thay đổi trong một sớm một chiều”.

 

Làm nghề thầu xây dựng vốn đã phải “bia bọt”, nhưng chồng chị Mai Lộc (thợ may, Q.Tân Bình) còn thêm tật hay tụ tập, bù khú. Để cai tính ham vui của chồng, chị thường điện thoại nhắc chừng chồng mua đồ, rước con, chở chị đi đây đi đó… Sau một thời gian được vợ “bảo ban”, chồng chị có tiến bộ hơn, cũng cố gắng làm xong phận sự vợ giao rồi mới đi nhậu. Được thể, chị dấn thêm bước nữa, thường xuyên “giáo dục tư tưởng” cho chồng. Dù chị không nặng lời nhưng có lần chồng phản ứng mạnh: “Già mồm! Biết rồi mà cứ lải nhải hoài!”. Chị cự lại: “Biết kiểu gì mà không thấy sửa đổi, vẫn chứng nào tật nấy. Có thương người ta mới nói. Nếu anh không tự giác bỏ nhậu thì tôi sẽ ra tay, anh đừng có trách”. Chị Lộc bắt đầu làm mặt ngầu, không nể nang với bạn nhậu của chồng. Chị cho rằng nếu các ông không rủ rê, lôi kéo, thì chồng mình nhậu với ai. Không ngờ, chồng chị cho rằng vợ làm vậy là mất mặt anh nên bỏ đi nhậu suốt đêm. Trước nay, chưa bao giờ anh làm thế.

 

Hôm sau chị mạnh tay hơn. 10g đêm, chị gọi điện thoại kêu chồng về gấp vì chị bỏ mất chìa khóa. Anh không về, chị ẵm con đi xe ôm đến quán. Lấy chìa khóa xong, chị “nằm vạ” luôn tại bàn nhậu. Có uống cũng không vô, anh chở vợ con về. Khi biết vợ nói dối chứ không mất chìa khóa gì cả, chồng chị đã mắng cho chị một trận. Vừa đưa vợ con tới nhà, anh quay đầu xe đi tiếp. Chị kéo xe lại. Anh nói: “Hoặc tôi nhậu, hoặc tôi đề đóm, gái gú, cô chịu cái nào?”. Gần đây, chị Lộc tìm cách thay đổi phương pháp uốn nắn chồng và bước đầu anh đã có chuyển biến. “Mưa dầm thấm sâu” là chiêu chị học được khi tham gia CLB xây dựng gia đình hạnh phúc tại địa phương.

 

“Vừa” là “phải”

 

Một khi bạn đời có thói tật hoặc những lỗi lầm, thì dù có chuyên môn hay không, mỗi chúng ta đều trở thành những “bác sĩ gia đình”. Việc cực kỳ quan trọng trong chuyện “chữa bệnh” là bạn phải sáng suốt để quyết định liều lượng và thời gian điều trị cho đúng. Với người bạn đời, nói nhiều thì chạm tự ái, họ sẽ không tiếp nhận. Nói ít hoặc không nói thì họ không biết cần thay đổi chỗ nào và thiếu động lực để sửa chữa. Chỉ có “vừa” là “phải” nhất. Tuy nhiên, thường thì khi quá đà, người ta mới biết phía sau lưng mình là “ngưỡng”.

 

Chịu khó quan sát trong lúc nói, người vợ dễ nhận thấy những phản ứng “báo động” theo từng cấp độ của chồng: Im lặng, đứng phắt dậy, mặt đỏ bừng, đập tay lên bàn, ném vật dụng, hầm hầm bỏ ra ngoài hút thuốc, đùng đùng dắt xe đi… Nguy cơ bạo lực gia đình sẽ dễ xuất hiện với người vợ không biết đâu là “liều lượng”. Nhiều bà vợ khi nói là cứ nói, không thèm để ý phản ứng của chồng, đến khi chồng nổi khùng, mới giật mình tự hỏi phải chăng mình đã nói sai? Có thể bạn không sai nhưng đã… lố.

 

Giữ thái độ vừa phải, nhưng như thế nào là “vừa phải” lại là một thách đố. Chuyên viên Trần Thị Hồng Hà (Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, thuộc Trung ương Hội LHTN VN) cho rằng muốn xác định như thế nào là “đúng liều” thì phải tùy vào từng hoàn cảnh gia đình và tính cách cụ thể của mỗi người chồng. Với người này là quá nhưng với người khác có khi lại là chưa đủ. Tuy nhiên, vẫn có thể kể ra một số nguyên tắc chung để hạn chế những “lỗi” mà các bà vợ thường mắc phải, để việc “chữa bệnh” cho ông chồng có hiệu quả hơn:

 

- Người vợ tạo thói quen bình tĩnh, nghĩ rồi mới hành động, mới góp ý.

 

- Cố gắng nói ít, không nói vòng vo, không nói việc nọ xọ việc kia; mỗi lần nói chỉ nên đề cập đến một sự việc.

 

- Cách nói không phê phán, không ra lệnh, mang tính tin tưởng, theo tinh thần “đóng cửa bảo nhau”.

 

- Cho chồng thời gian thay đổi, bình tâm chờ đợi. Khi chồng thay đổi, người vợ phải có thái độ ghi nhận nỗ lực của chồng.

 

- Vừa phải hay thái quá phải căn cứ vào phản ứng của ông chồng. Muốn tương tác hiệu quả, đúng mực, ta phải tập đo những cung bậc tâm lý của người kia. Sống với nhau phải hiểu ý và biết rút kinh nghiệm. Khi uốn nắn chồng, đừng quên quan sát, nắm bắt chiều hướng chuyển biến của chồng để linh hoạt điều chỉnh bản thân.

 

Trở lại câu chuyện chị Hằng, chị đã thành công khi đổi chiến thuật và chấp nhận sự tiến bộ “rùa bò” của chồng. Chị nhận ra, nếu dồn ép chồng làm quá nhiều việc anh sẽ ngán ngược và bỏ cuộc. Chị từ từ nhờ vả chồng vài việc vừa sức, cho chồng một khoảng thời gian rộng rãi để thực hiện. Chồng hoàn thành, chị khen và lại giao thêm vài việc nữa. Chồng chị dần cảm nhận niềm vui trong lao động và thấy được mình làm việc sẽ khiến vợ con vui, gia đình sung túc, đầm ấm hơn. Tìm ra được cách thức phù hợp, kiên trì “điều trị” cho chồng suốt sáu năm, chị Hằng đã có “một ông chồng mới”.

 

Theo Tô Diệu Hiền

PNO