Quá cưng chiều, mẹ ốm con không nấu nổi bát cháo
Nhiều bà mẹ quá cưng chiều con, lo con không có thời gian học hành nên việc gì cũng ôm hết vào người. Đến khi bản thân ốm đau, bệnh tật mới kêu trời kêu đất vì nằm một chỗ mà đứa con loay hoay không nấu nổi bát cháo cho mẹ.
Ra ngoài ngoan hiền, về nhà hỗn ngược
Gặp Mạnh, ấn tượng đầu tiên dễ thấy đó là thanh niên 25 tuổi khá lễ độ, nhiệt tình, ai nhờ việc gì cũng làm, không nề hà khó khăn, khuya khoắt... Lên Facebook, Mạnh luôn thể hiện sự hiểu biết, giàu tình cảm, quan tâm chia sẻ với bạn bè.
Nhưng ở nhà Mạnh là người khác hẳn. Mẹ Mạnh nhiều lần khóc tức tưởi vì đằng sau vẻ lễ độ, hiểu biết, nhiệt tình với bên ngoài, về nhà Mạnh lạnh lùng với mọi người trong nhà, luôn cãi lại mẹ bất cứ lúc nào.
Bố Mạnh bệnh nên yếu, một tay mẹ gánh vác việc gia đình, chăm lo cho hai cậu con trai. Anh của Mạnh đang học giỏi giang, gần hết cấp 3 thì bị tai nạn, thành tàn phế. Mọi hy vọng bà dồn cả cho Mạnh, cậu thích gì bà cho nấy. Thấy con có khiếu hội họa, bà khuyến khích con học thiết kế sách, biển quảng cáo... Để con yên tâm học, mẹ Mạnh không để con làm bất cứ việc gì, mọi việc trong nhà bà đều ôm hết.
Nhưng học nghề xong đã 4 năm Mạnh vẫn chưa đi làm, nơi thì chê ít tiền, nơi lại bảo việc quá vất vả. Phần lớn thời gian ở nhà Mạnh ôm máy tính, phòng ở lúc nào cũng bừa bãi, quần áo mẹ vẫn phải giặt, cơm bưng, nước rót... như ngày đi học. Mẹ đã gần 60 tuổi mà vẫn tất bật chăm sóc cả ba bố con, vất vả quá nên nhiều khi bà bức xúc quát tháo. Không những không chia sẻ với nỗi vất vả của mẹ, hễ cứ thấy mẹ to tiếng là Mạnh cãi lại rất hỗn. Đầu tiên bà còn lấy uy làm mẹ để “trấn áp”, nhưng sau này, Mạnh đã sừng sộ cãi tay đôi với mẹ, rồi giận dữ quát lại, không thèm nói chuyện với mẹ. Hai mẹ con như “mặt trăng, mặt trời” không sao nói nổi một câu chuyện. Mạnh sống nhờ mẹ, ở cùng gia đình trong một mái nhà nhưng lại đứng ngoài cuộc sống gia đình, không hề quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ ai. Tháng trước mẹ ốm, nằm cả ngày trên giường mà không nhận được lời hỏi han nào từ con trai. Mệt quá không dậy được, bà bảo Mạnh đi nấu cho bát cháo nhưng Mạnh loay hoay cả buổi cũng không nấu được vì từ trước đến giờ cậu chưa phải đụng vào bếp núc.
Bao giờ con trai mẹ mới lớn?
Chị Lê Thị Oanh (ở Hà Nội) chia sẻ, có em trai đã 27 tuổi nhưng mẹ chị vẫn luôn phải nhắc nhở từ ăn uống, đội mũ, mặc áo ấm… mỗi khi trở trời. Từng đấy tuổi nhưng sổ mũi nhức đầu bố mẹ cũng cuống lên. Tới mức xe hỏng ngoài đường, cũng phải gọi điện để bố “giải cứu”. Có con trai lớn mà ổ điện hỏng, cái bóng đèn cháy, cái quạt khô dầu kêu… cũng không làm. Mỗi khi đi đâu thì mẹ phải chuẩn bị quần áo, vật dụng cá nhân xếp vào vali hộ, nhưng tới nơi thiếu gì là gọi điện về trách mẹ. Khi ấy, mẹ chị lại rối rít xin lỗi vì xếp thiếu đồ cho con. Lúc đó, chị đã thấy không ổn, bảo mẹ để em tự lo cho bản thân, nhưng mẹ bảo “em còn bé”.
Chị Oanh lấy chồng, khi ở cữ về nhà mẹ đẻ ở 2 tháng. Ngày nào chị cũng thấy em trai miệt mài trên phòng riêng làm việc, có lần chị vào thấy em đang lướt Facebook, mới hiểu vì sao nó bận “làm việc” mà vẫn xin mẹ tiền ăn sáng, đi chơi… Có hôm chị đang cho con bú thì kẻng xe rác tới, chị gọi em xuống giục đi đổ rác, cậu em cau mày bảo: “Mẹ chẳng bảo em đổ rác bao giờ”. Chị ngọt nhạt: “Mẹ đi vắng, cháu đang bú. Em đổ rác đi kẻo nặng mùi”, cậu em mới hậm hực xách rác đi đổ. Chị sợ em trai lười, không giúp cha già mẹ yếu sau này nên mách, nhưng mẹ gạt đi, bảo “em nó bận làm việc”.
Việc gì bố mẹ cũng làm hết, nên em trai chị mất dần tính tự giác, sự chia sẻ, thờ ơ vô cảm với mọi biến cố trong nhà. Cháu ốm, phải vào viện hai tuần, cậu không hỏi cháu được một câu. Khi cháu ra viện rồi, chị đưa cháu về nhờ bà ngoại trông để đi làm mới gặp “ông cậu”, nó chỉ nói một câu: “Ơ thế nằm viện về rồi à!”, rồi tót lên phòng luôn.
Còn mẹ chị lần đầu tiên than thở rằng: “Không biết nó làm gì trong phòng mà bố ốm cả tuần, mẹ bị đau chân đi lại khó khăn bảo con bưng bát cơm lên cho bố cũng khó”. Bố ốm mà nó cũng không một lời hỏi han xem bố ốm thế nào, có phải đi viện hay không. Mẹ kêu đau chân suốt mấy ngày trở trời nó cũng chẳng ngó ngàng, cũng không xuống giúp mẹ nấu ăn, làm việc nhà. Đã thế nó còn quát mẹ vì không giặt kịp quần áo cho nó mặc đi chơi”.
Lúc ấy chị thương mẹ lắm, nhưng chả lẽ lại bảo “trước kia con cứ mở lời góp ý là mẹ lại bảo nó còn nhỏ, lớn sẽ tự hiểu biết”. Giờ thì nó đã 27 tuổi, bố mẹ nó còn không thương, thì mong gì sau này nó làm “trụ cột” gia đình!
Bà Thanh Trà (Viện Tâm lý Giáo dục Pháp luật) chia sẻ, ngày nay mỗi nhà chỉ 1-2 con, nên cha mẹ, ông bà chăm sóc con cháu quá mức. Sự nuông chiều con cái quá dẫn tới nguy hại khôn lường, bởi con cái được nuông chiều từ bé, không phải động chân động tay lo sinh hoạt hàng ngày… nhất là con trai một đã duy trì thành thói quen ỉ lại, lười biếng, mặc kệ mọi thứ… Cha mẹ càng bảo bọc con bao nhiêu thì lớn lên cha mẹ càng khổ tâm bấy nhiêu vì chúng chỉ biết được phục vụ, vô cảm với gia đình, không vừa ý là hỗn ngược…
Vì thế, cha mẹ phải bắt đầu dạy con lại từ những việc nhỏ nhất như nhờ kê bàn ghế, mang vác đồ, giúp đổ rác, tắt tivi khi không xem… Ban đầu có thể con trai sẽ lười, không muốn làm hoặc từ chối sự nhờ vả, thậm chí cãi cọ, phản kháng. Nhưng cha mẹ cần dứt khoát thay đổi, cứ nhờ con từng việc nhỏ một. Khi con đã biết giúp đỡ cha mẹ thì cần nhờ những việc lớn hơn, bàn bạc các việc nhà, rồi nhờ phụ giúp kinh tế, công việc trong nhà, họ mạc để cho trẻ biết quan tâm đến các thành viên trong gia đình, không đứng ngoài các công việc của gia đình cũng như họ mạc, láng giềng.
“Mỗi gia đình chỉ 1-2 con, nên cha mẹ, ông bà chăm sóc con cháu quá mức. Sự nuông chiều con cái dẫn tới nguy hại khôn lường, con cái không phải động chân, động tay vào việc sinh hoạt hàng ngày… nhất là con trai một, đã duy trì thành thói quen ỉ lại, lười biếng, mặc kệ mọi thứ… Cha mẹ càng bảo bọc con bao nhiêu thì lớn lên cha mẹ càng khổ tâm bấy nhiêu vì chúng chỉ biết được phục vụ, vô cảm với gia đình, không vừa ý là hỗn ngược…”.
Bà Thanh Trà (Viện Tâm lý Giáo dục Pháp luật)
Theo Uyển Hương
Gia đình và Xã hội