Phát triển ngôn ngữ ở trẻ

(Dân trí) - Xã hội càng phát triển, tình trạng bé chậm nói càng phổ biến. Các ông bố bà mẹ chỉ quan tâm đến vấn đề chiều cao, cân nặng, đã vô tình bỏ qua một yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, đó là vấn đề phát triển ngôn ngữ.

 
Phát triển ngôn ngữ ở trẻ - 1


Trẻ khi mới chào đời đều có chung một ngôn ngữ đó là tiếng khóc. Tiếng khóc của tất cả các bé trên thế giới khi mới chào đời đều như nhau. Nhưng sau vài ngày thì hoàn toàn khác nhau, do khác biệt về văn hóa, lối sống, phong tục tập quán...

 

Theo bác sĩ Đặng Ngọc Thạch, khoa tâm lý bệnh viện Nhi Đồng II thì “Bé sinh ra sau 5 - 10 phút mà vẫn chưa khóc thì phải được cấp cứu liền nếu không sẽ dẫn đến tình trạng chết não, để lại những di chứng ghê gớm như chậm phát triển…”.

 

3 tháng đầu đời

 

Để bé phát triển ngôn ngữ tốt trong 3 tháng đầu đời, ta nên trò chuyện với bé. Thời gian này mắt bé chưa nhìn xa được nên cần áp sát bé khi nói chuyện, để bé cảm nhận được khuôn mặt của bố mẹ. Đừng nghĩ rằng bé không biết gì, thật sự bé nghe hết, thậm chí bé cảm nhận được hơi ấm của người thân, điều này giúp bé có cảm giác an toàn.

 

3 tháng tiếp theo

 

ngôn ngữ của bé được thể hiện qua khả năng vận động. Lúc này tay chân bé rất linh hoạt, bàn tay có thể mở ra, bé có thể lật và khi chúng ta nói chuyện bé quay đầu lại, miệng lúc nào cũng “ư ư, a a”…

 

Đây là lúc mẹ cần trò chuyện nhiều hơn với bé, đặc biệt là lúc bé bú để kích thích các giác quan của bé, giúp bé phát triển ngôn ngữ tốt nhất. Ngoài ra bé còn rất thích các giai điệu. Những câu hát của mẹ trong 6 tháng đầu rất có ích cho bé, bé cảm nhận được xúc cảm của mẹ qua từng câu hát.

 

Giai đoạn 6 - 9 tháng

 

Tiếng nói của bé bắt đầu được định hình. Bé có thể bập bẹ các từ “ba, bà, ma, da…”. Khi chúng ta nói chuyện, bé lắng nghe và ư ư, a a theo. Bé biết gây chú ý bằng cách khóc, cười khi nhận ra mẹ…

 

Đa số các bà mẹ bốn tháng sau khi sinh là phải tất tả đi làm, vì thế mà thời gian bên bé bị thu hẹp lại, nên cần tạo lập mối quan hệ mẹ con thật bền vững qua những câu hát, lời ru, những trò chơi đơn giản… hay trò chuyện với bé bất kể thời gian nào. 

 

Giai đoạn 9 - 12 tháng

 

Bé bắt đầu nói những từ quen thuộc đầu tiên (tên người hoặc con vật), bé hiểu những từ đơn giản, có thể bắt chước những cử động của nét mặt… Cần nhớ rằng trong những tháng đầu đời, vận động rất tốt cho sự phát triển trí não của bé nói chung và khả năng nói của bé nói riêng. Vì thế khi bé có khả năng làm gì cứ để bé tự làm, đừng quá lo sợ làm thay cho bé, điều này hạn chế khả năng sáng tạo cũng như tạo cho bé tính ỷ lại.

 

Những năm đầu đời não bé phát triển rất nhanh, chỉ trong vòng 3 năm đã phát triển từ 25% lên đến 90% so với não người lớn.

 

Giai đoạn 12 - 24 tháng

 

Trẻ rất thích nói chuyện, biết dùng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện cảm xúc bản thân (chỉ trỏ, nháy mắt, lắc đầu, gật đầu…) và là một bậc thầy “bắc chước”. Giai đoạn này trẻ chỉ nghe thấy và ứng dụng chứ hoàn toàn chưa hiểu được những gì chúng nói. Vì thế chúng ta cần cẩn trọng trong giao tiếp, tránh tình trạng bé bắt chước những lời nói không hay.

 

Nếu khả năng ngôn ngữ của bé phát triển tốt ở những tháng đầu đời, bước sang 2-3 tuổi vốn từ của bé sẽ tăng đến chóng mặt. Bé nói được những câu đơn giản, giao tiếp với mọi người xung quanh, biết nhịp điệu của bài hát.

 

Ngược lại, nếu bé có những biểu hiện khác thường như ít vận động, chậm nói (7 tháng chưa lật, 10 tháng chưa ngồi, không đứng chựng lúc 14 tháng, không chỉ đồ vật lúc 15 tháng và không đi trong 18 tháng, không bập bẹ lúc 10 tháng, 2 tuổi vẫn chưa nói được từ đơn, 3 tuổi chưa nói được câu đơn giản…) thì ba mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để khám và tư vấn.

 

Theo Bác sĩ Thạch, hầu hết trẻ biết nói sau 14 tháng nhưng cũng có trẻ nói sớm hơn (9 tháng) và cũng có thể trễ hơn (nhưng không vượt quá 18 tháng). Vấn đề này phụ thuộc vào yếu tố gia đình cũng như sự phát triển của trẻ  (sinh non, sinh muộn…)

 

Có một chi tiết khá thú vị mà các bố mẹ cần lưu tâm đó là ở giai đoạn từ 0 - 6 tháng tuổi, tất cả các bé đều có chung một sở thích: Đưa bất cứ đồ vật nào có được vào miệng.

 

Đây được xem là một phản xạ tự nhiên mà theo một nhà phân tâm học người Pháp thì “miệng chính là khoái cảm của bé trong những năm tháng đầu đời”. Đừng nên bắt bé phải từ bỏ, bởi nếu bị “kìm kẹp” giai đoạn này, bé sẽ lặp lại ở tuổi lớn hơn.

 

Quách Diễm