Phật khóc

(Dân trí) - Em lớn lên bên nội. Thuở bé tí nội cắp em đi xin sữa từng nhà. Thuở em chập chững biết đi, nội hay dắt em ra bờ đê đầu làng chờ xem con nước lên nửa vời. Thuở em đến trường, nội thường ngồi trước ngõ, đợi chờ.


Phật khóc



Nội đợi em về để nghe tiếng em giả vờ la thảm thiết “Nội ơi con đói muốn xỉu”, để nhìn em đùa giỡn với con Cún rồi cất giọng reo cười như tiếng chuông gió leng keng. Em thấy trường học thật hấp dẫn với xích đu, cầu trượt và rất nhiều bạn bè nhưng mỗi ngày em đều mong chiều xuống nhanh nhanh để được về nhà. Nhà của em rệu rã cột kèo, rêu bám xanh rì lên tường vôi trắng toát nhưng em yêu nó quá chừng. Nhà chỉ có hai người và một con chó nhưng đó là nơi thân thuộc nhất em thuộc về.

Nội ngoài 70, lưng đã còng nhưng tay chân còn nhanh nhẹn như sợ em vụng về, nội không nhanh tay thì ai đỡ em lúc ngã, ai nhặt vội những mảnh vỡ lúc em quàng tay đánh rơi chồng chén bát trên chạn. Tai nội yếu dần nhưng mắt nội vẫn tinh anh vì em luôn mong ước mình “lớn nhanh như thổi”, mắt nội không sáng ai ngó giùm em mấy vạch đo chiều cao khắc chi chít trên tường.

Nội thờ Phật. Em thơ dại chẳng hiểu nội muốn nhắn nhủ gì mỗi khi thành khẩn “Nam mô A Di Đà Phật”. Phật với em chỉ là cái tượng nhỏ nội trang trọng đặt trên bàn thờ. Tượng luôn nhìn em từ bi mỉm cười, em biết tượng có linh hồn.

Mỗi sớm mỗi chiều nội đều nói chuyện với Phật. Em thấy cách họ tâm sự quả thật chẳng giống ai. Thường thì Phật không nói gì chỉ lặng lẽ nghe nội giãi bày. Nội vừa gõ mõ vừa lẩm bẩm những câu chữ liêu trai không đầu không cuối. Em chẳng hiểu mấy, chỉ thấy thanh âm đẹp và hiền như một khúc hát xưa cũ. Em đã lớn lên cùng âm thanh bình yên đó.

Nốt hè này em sẽ vào lớp Sáu. Em hí hửng khoe với nội em giờ chẳng khóc nhè, chẳng biếng ăn, năm nay em lên trung học, chẳng mấy chốc mà em thành người lớn. Nội biết em sắp lớn thật rồi. Em đã biết buồn khi nghe tin bạn Bông chuyển nhà, không còn học chung lớp với em nữa. Em đã rơm rớm nước mắt vào ngày tốt nghiệp, khi cô giáo bảo lên cấp hai được học các thầy cô mới. Nội bắt đầu lo âu phấp phổng. Em rồi sẽ lớn lên, những câu hỏi cũng lớn dần, nỗi đau liệu có già cỗi và mất đi?

Có lần em bất an hỏi nội “ba má ở đâu, có thật ba má con mất sớm?”. Mắt nội đỏ như có ai rắc máu. Từ đấy, em chẳng bao giờ dám hỏi. Nội cũng chẳng bao giờ nói thẳng. Còn những lời đồn cứ bám riết lấy em, chúng xuyên thẳng vào tim như rễ cây chọc thủng lòng đất, đau nhói. Khi không hiểu rõ quá khứ, người ta thường sống trong sợ hãi và cô đơn.

Có đêm em nằm mơ thấy Phật bật khóc, nước mắt rơi từ tượng đá trắng trong và lạnh lẽo. Em hoảng hốt vùng dậy, thấy nội đang ngồi bên bàn thờ Phật, Phật không khóc, nhưng nội đang rúm ró trong cơn nức nở. Em nở nụ cười méo xệch, chọc quê nội “Trời! Sao Nội khóc như con nít”. Nội nhìn em, nặn không nổi một nụ cười, Nội già yếu rồi không biết nuốt nước mắt vào trong. Như sợ mình sắp đi xa, nội kể với em thật nhiều, như trăn trối, như thú tội.

Em nghe từ đâu đến cuối, nước mắt chẳng buồn rơi. Bấy lâu nay, em đã lờ mờ biết sự thật, em quen rồi nỗi đau gặm mòn tâm hồn. Em thương nội sao nhận hết tội về mình. Ba đâm chết má đâu phải lỗi của nội, nhà ngoại đem má về quê chôn cất không cho em một lần đến thăm mộ má cũng đâu phải lỗi của nội.

Em giờ chỉ muốn nội quên đau thương, dặt vặt mà sống thật lâu với em. Đời em bất hạnh nhưng còn nội và Phật chở che. Em giờ chỉ nguyện cầu mỗi sớm mỗi chiều nghe nội chuyện trò với Phật. Tiếng gõ mõ rơi đều, Phật mãi nhìn em cười từ bi, Phật đừng bao giờ khóc.

Bình Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm