Phận làm dâu

(Dân trí) - Làng Trại có câu ví “làm bò, làm trâu, không sợ bằng làm dâu bà Quản”. Thoạt nghe cứ ngỡ người làng độc mồm độc miệng. Ngay cô Miên, hồi còn con gái cũng không tin điều ấy…

Khi cô đem lòng yêu anh Cả Nhỡ, mọi người đã có ý gàn. Nhưng sức mạnh của tình yêu khiến người ta có thể vào hang cọp, sá gì một bà Quản? Cô Miên quyết về làng làm dâu nhà bà ấy.

Những ngày đầu cũng xuôi chèo mát mái lắm. Khi đã quen quen, bà Quản bắt đầu ý tứ để cô Miên hiểu rằng, bà mất tiền mua cô về, cũng giống như mua con mèo, con chó. Trái ý bà có thể đuổi ra chuồng lợn.

Chẳng mấy chốc, cô Miên cũng hiểu ra rằng, lời đồn của thiên hạ không phải vô cớ. Cô hãi nhất không chỉ bà Quản mà cả cô em chồng.

Các cụ bảo “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” cấm có sai! Đã lười, cô Liên còn có tính lẳng lơ, tối đến là tót đi với bạn bè, đàn đúm, khi về, cô còn đá thúng, đụng nia, vừa lục chạn mò ăn, vừa rỉa róc bâng quơ:

- Chúng nó phần cơm người đi vắng như phần chó. Khốn nạn.

 

Mặc dù nằm bên sự “che chở” của chồng, cô Miên vẫn nơm nớp lo sợ. Bởi “chúng nó” ở đây đích thị là cô.

 

- Nhà này vô phúc để chó leo lên bàn thờ - “Chó” chẳng phải ai khác ngoài cô Miên.

 

Bà Quản “bồi thêm” để trợ giúp con gái:

 

- Con ơi, người ta khác máu tanh lòng.

 

Người ta là người nào nếu không phải là Miên?

 

Cái điệp khúc rỉa róc ấy mỗi ngày như được bọc thêm chì buốt tận ruột, ngấm vào tận xương để chĩa vào cô Miên.

 

Cũng từ dạo có nàng dâu, bà Quản cứ hay ốm lơ ốm lửng. Hình như chính cô Miên làm xương cốt bà cứ lỏng lẻo dần ra. Từ chỗ ốm vờ, có bận bà lăn ra ốm thật.

 

Bà thường tru lên một cách vô cớ: “Giời thương tôi sao không bắt tôi chết vảy đi cho họ thoát nợ. Họ mong tôi ốm để họ làm mưa làm gió ở cái nhà này đây. Con ơi, mẹ chết thì chỉ mày là khổ thôi”.

 

Rồi bà giãy lên như ngộ gió, mắt trợn trừng, miệng ngoáp khí rất là nghiêm trọng. Vốn đi guốc trong bụng mẹ chồng, cô Miên cứ nhịn như nhịn cơm sống.

 

Cô Liên vin vào cớ ấy, ra đá một câu, vào đá một câu. “Ở nhà này khôn nhất là ngậm miệng ăn tiền”.

Cuối cùng cô Miên cũng phải mở miệng:

 

- Mẹ mệt thế nào ạ?

 

Bà Quản rên hừ hừ:

 

- Tôi già rồi, có chết cũng là đoạn kiếp. Chả dám phiền đến chị.

 

- Mẹ cứ nghỉ, chúng con có dám nói gì đâu.

 

- Dễ thường tôi ăn không mà yên đấy. Nhưng mà tôi hỏi thật, lòng tốt của chị chỉ thế thôi à. Tôi thèm con gà tần hạt sen với lá ngải cứu để cho nó tháo mồ hôi mà chị cũng tiếc.

 

Cô Miên vội vã tất tả vào chợ, tìm mua bằng được những thứ bà Quản yêu cầu. Trở về cô làm đánh nhoáng một cái là xong. Bê một bát ô tô gà hầm thơm nức tới mức từ bé cô chưa được nếm một lần, rón rén đến bên giường bà Quản.

 

Cô hy vọng mẹ chồng, dù cố chấp mấy cũng phải biết đến tấm lòng thơm thảo của cô. Bà Quản ngồi dậy, búi tóc, liếc nhìn bát thức ăn rồi lắc đầu quầy quậy.

 

- Chả chắc tôi còn ăn được.

 

Bà khều một miếng ăn thử, sao mà nó bùi béo đến thế. Cứ kể không vì sĩ diện, bà chỉ “bơi” một lúc là hết veo. Nhưng thấy cô Miên nhìn, bà nhổ phì phì:

 

- Chị cho thuốc độc hay sao mà đắng thế - rồi nằm vật xuống, trùm chăn kín đầu, cô Miên ý tứ bỏ đi. Đúng lúc ấy cô Liên đi chơi về. Thấy bảo mẹ không ăn, cô mừng rơn bê xuống bếp và chỉ một loáng đã hết nhẵn.

 

Bà Quản tiếc lắm nhưng đã trót, đành chỉ hậm hực nói bóng gió những chuyện khác.

 

Hôm sau, cô Miên lại mua bầu dục về nấu canh bánh đa. Cô lại lễ phép mời bà Quản dậy ăn. Vốn đang tức vì lỡ món gà hầm, vừa nếm một thìa bà khóc rống lên:

 

- Gái ơi là gái! Con định để người ta cho mẹ mày ăn mì kho à.

 

Cô Liên đang tấp tểnh đi chơi, sầm sầm từ trong buồng chạy ra:

 

- Tôi có khiến ai hầu mẹ tôi đâu mà họ “giận cá chém thớt”.

 

Cô Liên đùng đùng giật bát canh mang xuống bếp. Cô tranh thủ “nếm” vài miếng bầu dục rồi lại tiếp tục trang điểm. Lâu lâu sau cô bưng nguyên xi bát canh lên, giọng âu yếm, nịnh bợ:

 

- Mẹ dậy xơi ạ.

 

Bà Quản ngồi dậy, nâng bát canh húp thật êm mấy húp rồi nói như than:

 

- Ôi dà, tỉnh cả người. Rồi mai mày đi lấy chồng thì mẹ biết nhờ cậy ai.

 

Bà lại húp liền mấy húp. Lát sau đến cả một vụn bầu dục cũng không còn.

 

Năm sau, cô Liên đi lấy chồng. Gặp đúng bà mẹ chồng tai ác như mẹ mình, cô mới ngấm đòn. Một lần trong bữa cơm khi cô từ nhà mẹ chồng sang chơi, cô buột miệng rủa một câu:

 

- Con chỉ ước các bà mẹ chồng tai ác cứ cấm khẩu cả loạt cho đáng đời.

 

Lần đầu tiên kể từ ngày trở thành mẹ chồng, bà Quản câm như hến.

 

Đại Tiếu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm